Dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam và khu vực thay đổi ra sao sau khi xuất hiện các bất ổn mới?
Theo Báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế thế giới và một số khu vực mà Ngân hàng Thế giới (WB) công bố mới đây, cơn bão COVID-19 cùng với cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã ảnh hưởng bất lợi đến tình hình kinh tế thế giới nói chung và khu vực Đông Á-Thái Bình Dương nói riêng.
Báo cáo cho biết cú sốc do căng thẳng ở Ukraine xảy ra đúng lúc dịch còn chưa kết thúc đã làm gián đoạn nguồn cung hàng hóa thế giới, gia tăng căng thẳng tài chính và giảm tăng trưởng toàn cầu. Trước tình hình đó, WB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực Đông Á-Thái Bình Dương năm 2022 từ 5,4% trước đó xuống mức 5%.
Trong trường hợp tình hình phát triển kinh tế toàn cầu trở nên xấu hơn; đồng thời, phản ứng chính sách của nhiều nước chưa thực sự hiệu quả, thì tăng trưởng khu vực Đông Á-Thái Bình Dương có thể giảm còn 4%.
Tuy nhiên, WB cũng cho biết những xáo trộn này không thể lấn át lộ trình tăng trưởng mới thông qua thương mại và đổi mới sáng tạo. Việc cải cách chính sách tài khóa, an toàn tài chính, thương mại và đổi mới sáng tạo có thể giúp các quốc gia Đông Á-Thái Bình Dương ngăn ngừa rủi ro và nắm bắt cơ hội mới.
Theo dự báo, nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 5%, Indonesia, Philippines, Malaysia và Việt Nam đạt mức tăng khoảng 5%-6%, trong khi đó kinh tế Thái Lan chỉ tăng ởmức 2,9%.
Dự báo cho Việt Nam đã được cắt giảm từ 6,5% xuống còn 5,3%. Một trong những lý do đó là các đối tác thương mại chính của Việt Nam đang tăng trưởng chậm lại, cùng với cú sốc tỷ giá thương mại và các biện pháp trừng phạt liên quan đến xung đột Nga-Ukraine.
WB cũng thống kê những ảnh hưởng kinh tế do xung đột Nga-Ukraine gây ra và dự báo tăng trưởng cho 2 quốc gia này trong năm 2022.
Cụ thể, Ukraine sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất, tăng trưởng kinh tế dự kiến sẽ giảm khoảng 45,1% trong năm 2022. Bên cạnh đó, Nga là nước đang hứng chịu các lệnh trừng phạt kinh tế chưa từng có của Mỹ và các đồng minh phương Tây, WB ước tính tăng trưởng giảm 11,2%.
WB cũng đưa ra một dự báo trong trường hợp tồi tệ nhất, nếu xung đột sẽ kéo dài, nhiều lệnh trừng phạt hơn được áp đặt và giá hàng hóa tăng vọt hơn nữa. Trong trường hợp đó, GDP của Nga ước tính sẽ giảm 20%, trong khi của Ukraine sẽ giảm 75%.
Không chỉ vậy, WB cho biết, các thị trường mới nổi ở châu Âu và Trung Á sẽ bị suy giảm kinh tế 4,1% trong 2022.
Một tổ chức khác cũng vừa công bố báo cáo dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam và các nước trong khu vực là Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Theo Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO 2022), kinh tế Việt Nam sẵn sàng phục hồi mạnh mẽ trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn định.
Mức dự báo tăng trưởng 6,5% của Việt Nam vẫn được ADB giữ nguyên so với năm ngoái. Tuy nhiên, báo cáo cũng nhìn nhận triển vọng phục hồi của Việt Nam bị ảnh hưởng bởi một số rủi ro trong ngắn hạn. Cụ thể, ngoài số ca nhiễm COVID_19 tăng cao kể từ giữa tháng 3, thì tốc độ phục hồi kinh tế toàn cầu chậm lại và giá dầu thế giới tăng cao do xung đột Nga-Ukraine sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và giá dầu trong nước, ảnh hưởng đến lạm phát.
Ngoài ra, ADB nhận định tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu chiến sự giữa Nga-Ukraine tiếp tục kéo dài. Theo ADB, chiến sự Nga-Ukraine tác động đến các nước ASEAN chủ yếu ở lạm phát chứ không phải tăng trưởng. Trong đó, tăng trưởng ở khu vực ASEAN ở mức 5,2% vào năm 2022 và 5,3% vào năm 2023. Mức tăng trưởng này có được nhờ nhu cầu nội địa tiếp tục phục hồi và xuất khẩu vững chắc. Lạm phát sẽ tăng lên 3,7% vào năm 2022 và 3,1% vào năm 2023.