|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

IMF dự báo lạm phát năm 2022 của Việt Nam tăng lên 3,9% cùng nhiều rủi ro cận kề

16:34 | 23/04/2022
Chia sẻ
Theo IMF, các rủi ro cận kề ngay trước mắt đối với kinh tế Việt Nam gồm căng thẳng địa chính trị và suy giảm tăng trưởng ở Trung Quốc. Những rủi ro khác là xu hướng thắt chặt các điều kiện tài chính toàn cầu, những diễn biến trên thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp.

Theo thông cáo mới đây của Đoàn cán bộ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) do bà Era Dabla-Norris, Trưởng Bộ phận tại Vụ châu Á và Thái Bình Dương IMF làm trưởng đoàn, nhờ chiến dịch triển khai tiêm vắc xin và các chính sách hỗ trợ tăng trưởng, nền kinh tế Việt Nam đang hồi phục sau làn sóng bùng phát dịch nghiêm trọng trong năm 2021.

"Tuy nhiên, cho đến nay, sự phục hồi diễn ra không đồng đều, khu vực dịch vụ vẫn đang hồi phục một cách chậm chạp, trong khi các rủi ro tài chính và bất bình đẳng dường như đã gia tăng", bà Era Dabla-Norris nhận định.

Tiến trình phục hồi được dự báo sẽ mạnh lên nhờ Chương trình Phục hồi và Phát triển Kinh tế Xã hội được thông qua gần đây. Kinh tế được dự báo tăng trưởng ở mức 6% trong năm 2022 và 7,2% trong năm 2023.

Cuộc xung đột ở Ukraina được dự báo sẽ có tác động vừa phải đến tốc độ phục hồi và lạm phát. Mặc dù giá cả hàng hoá nguyên liệu thô đang tăng lên, lạm phát cho đến nay vẫn được kiểm soát. Điều này phần nào cho thấy các hoạt động kinh tế còn cầm chừng.

Về cuối năm, lạm phát Việt Nam được IMF dự báo tăng lên 3,9%, sát ngưỡng mục tiêu kiểm soát mà Việt Nam đặt ra.

 

Bà Dabla-Norris nhận xét, triển vọng trong thời gian tới có nhiều rủi ro đáng kể. Các rủi ro tăng trưởng thiên về hướng làm giảm tăng trưởng, trong khi những rủi ro lạm phát thiên về hướng làm tăng lạm phát.

Các rủi ro cận kề ngay trước mắt bao gồm sự gia tăng căng thẳng địa chính trị và suy giảm tăng trưởng ở Trung Quốc. Những rủi ro khác là xu hướng thắt chặt các điều kiện tài chính toàn cầu, những diễn biến trên thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Đại diện IMF cho rằng việc xây dựng chính sách nên nhanh chóng, quy mô và cơ cấu gói hỗ trợ chính sách nên được điều chỉnh linh hoạt theo tốc độ phục hồi.

Chính sách tài khoá nên đóng vai trò chủ đạo, đặc biệt trong trường hợp các rủi ro làm suy giảm tăng trưởng trở thành hiện thực, vì dư địa cho việc tiếp tục nới lỏng tiền tệ rất hạn chế khi các rủi ro lạm phát đang gia tăng.

Sự triển khai nhanh chóng, hiệu quả Chương trình Phục hồi và Phát triển Kinh tế Xã hội sẽ có ý nghĩa then chốt trong việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Chương trình này đã ưu tiên hợp lý cho lĩnh vực y tế, phục hồi kinh tế và triển vọng tăng trưởng trung hạn.

Trong thời gian tới, chính sách tài khoá sẽ cần cân bằng giữa một bên là hỗ trợ có mục tiêu mang tính tạm thời, với một bên là thúc đẩy quá trình chuyển đổi kinh tế. Thâm hụt tài khoá chung được dự báo tăng vừa phải trong năm 2022.

Với chính sách tiền tệ, IMF khuyến cáo Việt Nam cần thận trọng trước các áp lực lạm phát đang gia tăng. Theo đó, nếu xuất hiện các áp lực lạm phát dai dẳng, Ngân hàng Nhà nước nên thắt chặt vị thế chính sách tiền tệ và truyền thông rõ ràng các yếu tố dẫn đến quyết định này để giúp kiểm soát lạm phát.

Ngoài ra, theo đoàn công tác, trong thời gian tới, chính sách tăng trưởng tín dụng nên cân bằng hợp lý giữa thúc đẩy phục hồi kinh tế và đảm bảo ổn định tài chính.

“Tăng cường sức chống chịu của khu vực ngân hàng là thiết yếu để hỗ trợ một cách bền vững cho tăng trưởng trong trung hạn. Nên chấm dứt nới lỏng các quy định về phân loại nợ và trích lập dự phòng khi sự phục hồi trở nên mạnh mẽ hơn", báo cáo nêu.

 

Theo đó, các quy định cho phép cơ cấu lại nợ mà vẫn giữ nguyên nhóm nợ không nên được gia hạn áp dụng sau thời hạn tháng 6/2022. Bởi điều này sẽ làm chậm trễ việc ghi nhận những tài sản xấu, có thể làm trầm trọng thêm tình trạng phân bổ tín dụng sai lệch và chấp nhận rủi ro quá mức.

Bên cạnh đó, việc quản lý, giám sát khu vực tài chính nên được tăng cường để giải quyết những rủi ro đang nổi lên và xây dựng một hệ thống ngân hàng có khả năng chống chịu tốt hơn, theo IMF.

Cơ quan này cho rằng khuôn khổ an toàn vĩ mô có thể đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo ổn định tài chính. Các khuôn khổ về thể chế và phá sản nên được củng cố để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xử lý nợ xấu.

Ngoài ra, môi trường kinh doanh nên được cải thiện thông qua việc kiến tạo một sân chơi bình đẳng về tiếp cận đất đai, tài chính, và giảm thiểu gánh nặng các quy định quản lý, đặc biệt đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ và các doanh nghiệp còn non trẻ.

"Cần nỗ lực hơn nữa để nâng cao chất lượng của lực lượng lao động và giảm mất cân đối cung cầu kỹ năng lao động. Các chính sách cần lưu tâm đến những hàm ý đối với bất bình đẳng thu nhập và tài sản, vì kinh nghiệm quốc tế cho thấy sự gia tăng bất bình đẳng sẽ làm suy giảm tăng trưởng", chuyên gia IMF nêu.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Phương Trang

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.