|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

VN-Index tăng suốt cả tuần, cổ phiếu nào thúc đẩy chỉ số nhiều nhất?

17:00 | 09/10/2021
Chia sẻ
Trong cả 5 phiên giao dịch của tuần vừa qua, VN-Index đều đóng cửa trong sắc xanh. GAS, VHM và HPG là những cổ phiếu đóng góp tích cực nhất. Ngược lại, VPB là mã kéo tụt chỉ số nhiều nhất.
VN-Index tăng suốt cả tuần, cổ phiếu nào thúc đẩy chỉ số nhiều nhất? - Ảnh 1.

Đường ống vận chuyển khí đốt của PV Gas. (Ảnh: pvgas.com.vn)

Kết phiên 8/10, VN-Index dừng ở gần 1.373 điểm, tăng 2,83% so với cuối tuần trước. VN30-Index cũng tăng 2,4% lên 1.476,5 điểm.

Đóng góp tích cực nhất cho VN-Index tuần vừa qua là cổ phiếu GAS của Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas).

Trong báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán SSI dự báo sản lượng khí của PV Gas trong năm 2021 đạt khoảng 7,75 tỷ mét khối (bcm), giảm từ mức 8,15 bcm trong báo cáo trước đó. Nguyên nhân là đợt giãn cách nghiêm ngặt quý III làm tiêu thụ khí khô của các khu công nghiệp và nhà máy điện sụt khoảng 25-30%.

Tuy nhiên tình hình quý IV nhiều khả năng sẽ hồi phục. Giá dầu cao hơn có thể sẽ bù đắp phần nào cho việc giảm sản lượng. SSI ước tính doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2021 của PV Gas lần lượt đạt 73.700 tỷ đồng (tăng 19,5% so với cùng kỳ) và 8.800 tỷ đồng (tăng 8,6%).

Năm 2022, doanh thu và lợi nhuân sau thuế của PV Gas được dự báo lần lượt tăng 23,6% và 25,2% so với năm 2021 nhờ vào sự phục hồi sản lượng khí mạnh mẽ.

Đầu tháng 10 này, giá dầu thô Brent đã vượt ngưỡng 80 USD/thùng. Theo ước tính của SSI, khi giá dầu tăng thêm 10 USD/thùng thì lợi nhuận ròng của PV Gas sẽ tăng khoảng 800 – 1.200 tỷ đồng.

VN-Index tăng suốt cả tuần, cổ phiếu nào thúc đẩy chỉ số nhiều nhất? - Ảnh 2.

Sau GAS, cổ phiếu VHM của Vinhomes là mã có tác tích cực thứ 2 khi giúp chỉ số tăng thêm gần 0,25%. Tuần vừa qua là giai đoạn hồi phục ngắn hạn của VHM sau giai đoạn giảm hơn 15% trước đó.

HPG của Hòa Phát diễn biến khả quan và lập đỉnh mới 56.100 đồng/cp trong tuần. Chứng khoán SSI dự báo tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long có thể lãi ròng khoảng 8.700 tỷ đồng trong quý III, tăng trưởng 131% so với cùng kỳ 2020 nhờ cả về giá và lượng ở mảng thép cuộn cán nóng (HRC) đều đi lên.

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) thì ước tính Hòa Phát sẽ lãi ròng khoảng 8.248 tỷ trong quý vừa qua. Vốn hóa Hòa Phát hiện nay đạt gần 11 tỷ USD, nằm trong top 15 công ty thép giá trị nhất thế giới.

TCB của Techcombank là một trong những mã ngân hàng hiếm hoi có tác động tích cực đáng kể tới VN-Index, giúp chỉ số tăng thêm gần 0,12%.

SSI dự báo Techcombank có thể đạt lãi trước thuế 5.200 tỷ đồng trong quý III, cao hơn con số ước tính 5.000 tỷ của Vietcombank (Mã: VCB) và tăng trên 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

VN-Index tăng suốt cả tuần, cổ phiếu nào thúc đẩy chỉ số nhiều nhất? - Ảnh 4.

Ở chiều ngược lại, VPB của VPBank và MSB của Ngân hàng Hàng hải là hai cổ phiếu tác động tiêu cực nhất tới VN-Index tuần qua, đặc biệt là VPB làm chỉ số giảm tới gần 1,35%.

Cả MSB và VPB đều giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức vào ngày 7/10. Cụ thể, MSB dự định phát hành 352,5 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 30%. Vốn điều lệ sẽ tăng từ 11.750 tỷ đồng lên 15.275 tỷ đồng.

VN-Index tăng suốt cả tuần, cổ phiếu nào thúc đẩy chỉ số nhiều nhất? - Ảnh 5.

Một phòng giao dịch của VPBank ở Hà Nội. (Ảnh: Song Ngọc).

VPB sẽ phát hành hơn 1,97 tỷ cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương đương tỷ lệ 80%. Trong đó, 1,53 tỷ cổ phiếu là để trả cổ tức năm 2020 và hơn 440 triệu cổ phiếu để tăng vốn.

Vốn điều lệ của VPBank qua đó sẽ tăng từ gần 25.300 tỷ đồng lên khoảng 45.058 tỷ đồng, đứng thứ 2 ngành ngân hàng Việt Nam chỉ sau VietinBank (Mã: CTG).

Cả MSB và VPB đều bị bán mạnh trước ngày giao dịch không hưởng quyền, cho thấy nhiều nhà đầu tư không còn mặn mà với việc nhận cổ tức của các nhà băng.

Song Ngọc - Đức Quyền