|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

BSC dự báo VN-Index tiến đến 1.400 điểm, gợi ý cơ hội đầu tư với ba nhóm cổ phiếu

16:09 | 06/10/2021
Chia sẻ
Trong kịch bản lạc quan, BSC dự báo VN-Index sẽ chuyển biến tích cực sau giai đoạn tích lũy hẹp từ 1.320 - 1.360 điểm nhờ tâm lý và dòng tiền tích cực trở lại sau dịch bệnh. Hoạt động kinh tế đẩy mạnh sau dịch bệnh và khối ngoại không bán ròng quá mạnh có thể giúp VN-Index kiểm tra lại ngưỡng 1.400 điểm vào cuối năm 2021.

Thị trường chứng khoán Việt Nam phân hóa mạnh mẽ trong quý III, P/E vẫn ở mức hấp dẫn

Theo Báo cáo vĩ mô quý III/2021 của Chứng khoán BIDV (BSC), vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng 0,7% so với thời điểm cuối quý II với diễn biến thị trường chung giảm trong tháng 7, sau đó phục hồi đi ngang trong phần lớn tháng 8 và tháng 9.

Giá trị giao dịch bình quân đạt 1.153,9 triệu USD/phiên trong quý III, cao hơn 1% so với quý II dù vậy thanh khoản có xu hướng giảm do giá trị giao dịch tháng 9 giảm 8% so với tháng 8.

Thanh khoản giảm cho thấy tâm lý thận trọng trước mùa công bố kết quả kinh doanh quý III. Với kịch bản VN-Index tiếp tục tích lũy, phân hóa, bộ phận phân tích của Chứng khoán BIDV (BSC Research) dự báo vốn hóa và thanh khoản sẽ tiếp tục đi ngang trong quý IV.

BSC - Ảnh 1.

Nguồn: Bloomberg, BSC Research.

Theo ghi nhận, VN-Index giảm 4,72% trong khi HNX-Index tăng 10,5% vào quý III. Các chỉ số cũng ghi nhận mức tăng lần lượt 0,8% và 0,4% trong tháng 9. P/E VN-Index cuối quý III ở mức 16,3 lần, giảm 14,8% với quý trước và thấp hơn mức 16,5 lần P/E bình quân 5 năm. Mức P/E sụt giảm là do giá cổ phiếu giảm và lợi nhuận quý II cải thiện tốt.

Do đó, BSC Research cho rằng P/E VN-Index vẫn khá thấp so với khu vực châu Á, được dự báo tăng lên mức 17,5 lần do kết quả kinh doanh quý III dự báo sụt giảm 15 - 20% cùng kỳ.

Đánh giá xu hướng chuyển động giữa các dòng cổ phiếu, thị trường có mức phân hóa mạnh mẽ khi các nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ tăng giá tốt trong khi các nhóm ngành lớn như ngân hàng, tài chính, dầu khí giảm điểm. Sau khi tăng mạnh 31,3% trong quý II, ngành ngân hàng giảm 13,1%. 

Thống kê của công ty chứng khoán cho thấy có 3/11 nhóm ngành có P/E dưới mức bình quân thị trường, 8/11 ngành có P/B tăng so với cuối quý II, ngoại trừ ngành ngân hàng, tài chính và dầu khí.

NĐT ngoại duy trì đà bán ròng trong khi cá nhân trong nước đóng vai trò trụ đỡ

Liên quan đến giao dịch NĐT ngoại, trong quý III, khối ngoại quay trở lại bán ròng tháng 8 và 9 sau khi mua ròng tháng 7. Họ bán ròng 10/12 tháng gần nhất với tổng giá trị bán ròng lên tới 53.800 tỷ đồng.

Thống kê cụ thể, NĐT nước ngoài bán ròng hơn 11.300 tỷ đồng trong quý III, trong đó VIC chịu áp lực xả lớn nhất với giá trị 6.322 tỷ đồng. Đảo chiều so với tháng 7, ETF Fubon rút ròng mạnh nhất trong các ETF trong tháng 8 và 9. Mặt khác, các quỹ ETF có sự phân hóa về trạng thái trong quý.

Với diễn biến hiện tại, nhóm phân tích cho rằng xu hướng bán ròng nhiều khả năng chưa thể đảo chiều trong quý IV.

Giao dịch trái chiều với nhóm NĐT ngoại, cá nhân trong nước tiếp tục duy trì hoạt động giải ngân với động lực mua gia tăng khi thị trường dời về các ngưỡng hỗ trợ. Dù vậy, nhà đầu tư cá nhân có xu hướng giao dịch thận trọng vào thời điểm cuối quý III.

Cơ hội đầu tư khi VN-Index tiến về vùng 1.400 điểm vào cuối năm

Trong kịch bản lạc quan, BSC dự báo VN-Index sẽ chuyển biến tích cực sau giai đoạn tích lũy hẹp từ 1.320 - 1.360 điểm nhờ tâm lý và dòng tiền tích cực trở lại sau dịch bệnh. Hoạt động kinh tế đẩy mạnh sau dịch bệnh và khối ngoại không bán ròng quá mạnh sẽ hỗ trợ cho VN-Index duy trì tích cực kiểm tra lại ngưỡng 1.400 điểm vào cuối năm 2021.

Đối với kịch bản thận trọng, VN-Index diễn biến phân hóa giằng co khi không có nhóm hoặc cổ phiếu lớn dẫn dắt. Nền kinh tế không thể mở cửa nhanh sau dịch bệnh, khối ngoại duy trì đà bán ròng hiện tại, VN-Index có khả năng tiếp tục duy trì xu hướng giao dịch giằng co 1.300 - 1.360 điểm với sự phân hóa mạnh của các dòng cổ phiếu theo kỳ vọng.

Về chiến lược đầu tư trong quý cuối năm, chuyên gia phân tích của BSC gợi ý nhà đầu tư có thể cân nhắc nắm giữ cổ phiếu của ba nhóm ngành.

Đầu tiên là các ngành liên quan đến lĩnh vực đầu tư công như xây dựng hạ tầng, nguyên liệu (đá, thép, xi măng, nhựa đường …) nhờ hưởng lợi việc đẩy đầu tư công trong nước và thế giới.

Thứ hai là các nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ mở cửa như bán lẻ, vận tải, sản xuất và nhóm cổ phiếu có tiềm năng tiếp tục hồi phục như công nghệ thông tin - bưu chính viễn thông.

Thứ ba là nhóm cổ phiếu xuất khẩu như hóa chất, đá, gỗ, may mặc, thủy sản, logistic... nhờ nhu cầu thế giới hồi phục.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư được khuyến nghị cần giữ tỷ trọng danh mục ở mức hợp lý, mua và mở mới vị thế khi các cổ phiếu giảm về những ngưỡng hỗ trợ mạnh hoặc tích lũy ngắn hạn đồng thời tránh việc mua đuổi.

Thu Thảo