Phiên 3/2: Bluechips đồng loạt đảo chiều, VN-Index thu hẹp đà giảm còn hơn 8 điểm
Kết phiên, VN-Index giảm 8,48 điểm (0,91%) xuống 928,14 điểm; HNX-Index giảm 1,03% xuống 101,31 điểm; UPCoM-Index giảm 1,45% xuống 54,33 điểm.
Độ rộng thị trường tiêu cực với 526 mã giảm giá, 136 mã giảm giá và 119 mã đứng giá tham chiếu. Thanh khoản thị trường duy trì ở mức cao với khối lượng giao dịch đạt 358 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 5.881 tỉ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận trên HOSE đạt 705,6 tỉ đồng.
Phiên giao dịch buổi chiều diễn biến tích cực hơn khi dòng tiền bắt đáy chảy mạnh vào thị trường giúp các chỉ số hồi phục. VN-Index từ mức giảm sâu nhất 891,85 điểm hồi phục lên 928,14 điểm, tương đương mức giảm từ 44,77 điểm còn hơn 8 điểm.
Động lực hồi phục đến từ các cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là các mã ngân hàng như BID, CTG, VPB, STB. Cùng với đó, nhóm cổ phiếu y tế CDP, DVN, DNM, DHT, JVC, DHG giao dịch khởi sắc trong suốt phiên giao dịch cũng tác động tích cực lên thị trường.
Bộ đôi cổ phiếu hàng không VJC, HVN hồi phục đáng kể sau khi giảm sàn trong phiên sáng, kết phiên còn giảm lần lượt 3,6% và 5,1%. Các cổ phiếu "họ FLC" AMD, ART, FLC cũng ghi nhận sự tích cực so với phiên sáng, cổ phiếu HAI từ giá sàn 2.260 đồng/cp hồi phục về giá tham chiếu 2.420 đồng/cp.
Ở chiều ngược lại, nhóm thủy sản vẫn chứng kiến hàng loạt mã giảm sàn như ACL, VHC, AGF, ANV. Các cổ phiếu "họ Viettel" CTR, VGI, CTR và khu công nghiệp BCM, VRG, D2D, ITA, NTC cũng chứng kiến sự giảm sâu.
Tính đến 14h00, VN-Index giảm 7,54 điểm (0,81%) xuống 929,08 điểm; HNX-Index giảm 0,56% xuống 101,79 điểm; UPCoM-Index giảm 1,63% xuống 54,26 điểm.
Sang thời gian giao dịch buổi chiều, cầu bắt đáy khiến các chỉ số hồi phục mạnh mẽ. VN-Index còn giảm 7,54 điểm xuống 929,08 điểm. Hàng loạt bluechips đảo chiều tăng giá như BID, CTG, HPG, NVL, VCB, VPB, STB, HDB, VNM, TCB.
Cổ phiếu VJC cũng hồi phục lên 123.300 đồng/cp; mặt khác cổ phiếu ROS vẫn giảm sàn còn 8.680 đồng/cp.
Tạm dừng phiên sáng, VN-Index giảm 29,61 điểm (3,16%) xuống 907,01 điểm; HNX-Index giảm 2,36% xuống 99,94 điểm; UPCoM-Index giảm 2,21% xuống 53,96 điểm.
Độ rộng thị trường ghi nhận 539 mã giảm giá, áp đảo so với 73 mã tăng giá và 79 mã đứng giá tham chiếu.
Thanh khoản thị trường tăng vọt lên 3.495 tỉ đồng, tương đương khối lượng giao dịch 219,9 triệu đơn vị; trong đó giao dịch thỏa thuận trên HOSE đạt 334,9 tỉ đồng.Về cuối phiên sáng, lực cầu bắt đáy tiếp tục gia tăng giúp VN-Index hồi phục lên 907 điểm; đáng chú ý bộ đôi NVL, CTG lấy lại được sắc xanh.
Nhóm cổ phiếu y tế giao dịch khởi sắc cũng góp phần giúp không khí thị trường bớt tiêu cực. Các cổ phiếu DVN, CDP, DNM, DHT, DHG, JVC đồng loạt tăng kịch trần, trong đó các mã DVN, CDP trên thị trường UPCoM ghi nhận mức tăng giá gần 50% chỉ sau 3 phiên đầu năm.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu hàng không chìm trong sắc đỏ do lo ngại ảnh hưởng từ dịch virus corona. Bộ đôi VJC, HVN ghi nhận phiên giảm sàn thứ hai liên tiếp, trong khi các mã SAS, MAS, ACV, SCS, AST tiếp tục giảm sâu.
Nhóm bất động sản ghi nhận hàng loạt cổ phiếu giảm sàn như NDN, L14, NTL, DPG, VRC, LDG, HDC, QCG. Xu hướng tiêu cực cũng diễn ra tại các nhóm thép, chứng khoán, ngân hàng, dầu khí, cao su, thủy sản, cảng biển.
Cổ phiếu "họ FLC" đồng loạt giảm hết biên độ và dư bán sàn như ART, KLF, ROS, FLC, HAI, AMD. Riêng cổ phiếu GAB đảo chiều giảm sàn vào giữa phiên sáng, tuy nhiên lại tăng kịch trần ngay sau đó.
Tính đến 10h30, VN-Index giảm 31,74 điểm (3,39%) xuống 904,88 điểm; HNX-Index giảm 2,5% xuống 99,8 điểm; UPCoM-Index giảm 2,21% xuống 53,96 điểm.
Thị trường bắt đầu có sự xuất hiện của lực cầu bắt đáy giúp các chỉ số thu hẹp đáng kể đà giảm. Nhóm VN30 chỉ còn VJC và ROS giảm sàn, thậm chí cổ phiếu CTG có thời điểm đã lấy lại sắc xanh.
Cổ phiếu GAB bất ngờ giảm sàn sau chuỗi 12 phiên tăng trần, hiện còn 41.150 đồng/cp. Các cổ phiếu khác "họ FLC" như AMD, HAI, FLC, ROS, KLF cũng đang giao dịch tại giá thấp nhất phiên.
Tính đến 9h30, VN-Index giảm 43,7 điểm (4,67%) xuống 892,92 điểm; HNX-Index giảm 2,48% xuống 99,81 điểm; UPCoM-Index giảm 1,71% xuống 54,18 điểm.
Hôm nay (3/2), thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục hoạt động trở lại sau kì nghỉ Tết nguyên đán. Do ảnh hưởng từ dịch virus corona, thị trường này lao dốc 9% ngay đầu phiên, các thị trường châu Á khác cũng chìm trong sắc đỏ.
Tại sàn Thẩm Quyến, chỉ số Shenzhen Component có lúc sụt 9,03%, chỉ số Shenzhen Composite mất 9%. Tại sàn Thượng Hải, chỉ số Shanghai Composite cũng mất hơn 8,7%.
Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,54%, Topix mất 1,25%. Ở Hàn Quốc, chỉ số Kospi sụt 1,48%. Chỉ số ASX 200 của Australia cũng giảm 1,69%. Tính chung, chỉ số MSCI Asia ex-Japan mất 1,39% đầu phiên giao dịch ngày 3/2.
Tại Việt Nam, VN-Index mất thêm hơn 37 điểm ngay từ đầu phiên, HNX-Index cũng rơi khỏi mốc 100 điểm. Sắc đỏ bao phủ thị trường với 369 mã giảm giá, áp đảo so với 61 mã tăng giá và 56 mã đứng giá tham chiếu.
Các mã ngân hàng TPB, LPB, VCB giảm trên 6%, cùng nhiều mã khác như BID, VPB, MBB, EIB, HDB, ACB, CTG, STB tác động nhiều nhất lên đà giảm thị trường. Nhiều mã chứng khoán lộ giá sàn như VND, AGR, CTS, HCM, SSI.
Nhóm VN30 tiếp tục ghi nhận nhiều mã đồng loạt giảm sàn như VJC, ROS, MSN, VNM, VRE, BVH, SAB. Cổ phiếu POW cũng giảm kịch sàn trong phiên đầu tiên giao dịch chính thức trong rổ VN30.
Kịch bản giảm sàn cũng diễn ra với các mã "họ FLC" AMD, HAI, FLC, ROS, KLF. Trong khi đó, cổ phiếu GAB tiếp tục tăng kịch trần lên 47.250 đồng/cp.
Đáng chú ý, trong bối cảnh thị trường giảm sâu, nhóm cổ phiếu y tế vẫn ngược chiều bứt phá với nhiều mã tăng trần, nổi bật là DVN, CDP, DNM, DHG, JVC, DHT.
Phiên thứ Sáu tuần trước, thị trường chứng khoán Mỹ cũng giảm sốc, xóa sạch mọi thành quả tăng điểm của Dow Jones khi nhà đầu tư ngày càng lo lắng về tác động kinh tế của virus corona.
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 603,41 điểm, tương đương 2,1%, đánh dấu phiên giao dịch tồi tệ nhất của chỉ số này từ tháng 8/2019. Chỉ số S&P 500 cũng sụt gần 1,8% và ghi nhận phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 10 năm ngoái. Nasdaq Composite cũng giảm 1,6%.