Dòng tiền thông minh 3/2: Tự doanh mua ròng 270 tỉ đồng phiên cuối tuần, gom trăm tỉ mã ROS dù giảm dưới mệnh giá
VN-Index tiếp tục chịu ảnh hưởng từ coronavirus
Kết thúc giai đoạn nghỉ tết, VN-Index điều chỉnh giảm mạnh xuống dưới ngưỡng 940 điểm. Thị trường vận động tiêu cực do tâm lí lo sợ về sự bùng phát của dịch 2019-nCoV. Không như kì vọng tăng giá như những diễn biến tích cực trước kì nghỉ Lễ, VN-Index đột ngột giảm mạnh, xuyên qua các ngưỡng hỗ trợ quan trọng.
Cùng với đó, hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ mô phỏng theo VN30 tác động tiêu cực nhất định đối với các cổ phiếu bị loại. Khối ngoại quay trở lại bán ròng. Thanh khoản tăng mạnh phản ánh phần nào tâm lí hoảng loạn trước các thông tin tiêu cực của dịch bệnh.
Ngành y tế là ngành duy nhất tăng điểm trong số 19 ngành trong khi chỉ còn 76 cổ phiếu tăng so với 272 cổ phiếu giảm điểm. Cùng với VNM và GAS, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã không còn là trụ đỡ cho thị trường và góp mức giảm lần lượt 5, 4 và 3 điểm cho thị trường từ VCB, BID và TCB.
Diễn biến bệnh dịch vẫn tác động mạnh thị trường trong tuần này, trước khi chỉ số có thể cân bằng và hồi phục lại khi có thông tin hỗ trợ.
Khối tự doanh mua ròng gần 270 tỉ đồng trong phiên cuối tuần trước
Thống kê giao dịch trong phiên cuối tuần, bộ phận tự doanh công ty chứng khoán mua ròng 269,5 tỉ đồng với khối lượng 18,6 triệu đơn vị.
Đáng chú ý, duy nhất cổ phiếu ROS ghi nhận giá trị mua trên trăm tỉ đồng, cụ thể đạt 194 tỉ đồng. Đồng thời, đóng cửa phiên 31/1, cổ phiếu ROS của FLC Faros giảm 6,7% xuống còn 9.330 đồng/cp. Đây là phiên đầu tiên cổ phiếu này đóng cửa dưới mệnh giá 10.000 đồng/cp trong lịch sử giao dịch hơn 3 năm qua.
Cùng chiều mua vào, khối tự doanh tìm đến cổ phiếu MWG (41,6 tỉ đồng), theo sau là FPT (28,75 tỉ đồng), VNM (15,1 tỉ đồng) và PLX (15 tỉ đồng). Với giá trị mua trên 10 tỉ đồng còn có cổ phiếu GAB (13,6 tỉ đồng), TCB (12,7 tỉ đồng), VPB (12 tỉ đồng) và VIC (11,1 tỉ đồng). Duy nhất mã MBB trong top mua vào đạt giá trị dưới 10 tỉ đồng.
Trong khi đó, tại phía bán ra, khối tự doanh tạo áp lực lên ROS với giá trị là 47,2 tỉ đồng. Mặt khác, bộ phận tự doanh còn rút khỏi cổ phiếu VNM (21 tỉ đồng), FPT (14,7 tỉ đồng), chứng chỉ quĩ E1VFVN30 (12,7 tỉ đồng), VPB (11,8 tỉ đồng) và NT2 (11,1 tỉ đồng).
Bên cạnh đó, khối tự doanh bán ra mã HPG, MWG, MBB và TCB. Các mã này đều ghi nhận giá trị bán dưới 10 tỉ đồng trong phiên.
Đà bán ròng của khối ngoại suy giảm, tập trung cổ phiếu VNM
Trên sàn HOSE, khối ngoại tiếp tục bán ròng 22,74 tỉ đồng với khối lượng 511.590 đơn vị trong phiên trước đó. Trong đó, cổ phiếu VNM bị khối này xả mạnh nhất là 51,2 tỉ đồng. Hai mã CTG và VIC theo sau với giá trị bán ròng lần lượt 28,5 tỉ đồng và 19,6 tỉ đồng. Đáng chú ý, khối ngoại bán ròng 16,5 tỉ đồng cổ phiếu VJC trong phiên giảm sàn.
Diễn biến trái chiều, NĐT nước ngoài gom chủ yếu cổ phiếu 48,2 tỉ đồng, theo sau là VPB (31,68 tỉ đồng), VHM (31,26 tỉ đồng). Hai cổ phiếu GAS và NT2 được mua ròng với giá trị lần lượt 21,2 tỉ đồng và 10,62 tỉ đồng.
Sàn HNX ghi nhận giá trị bán ròng hơn 2,62 tỉ đồng cùng khối lượng 150.934 đơn vị. SHB và PVS là hai cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất trong phiên hôm nay với giá trị lần lượt là 1,3 tỉ đồng và 1 tỉ đồng. Ngược lại, khối ngoại mua ròng một số mã như CEO, BVS, IDV.
Giao dịch tại UPCoM, khối ngoại mua ròng 8,67 tỉ đồng cùng khối lượng 42.364 đơn vị. Hoạt động mua ròng tập trung ở các cổ phiếu như QNS (3,5 tỉ đồng), VEA (2,43 tỉ đồng), ACV (2,07 tỉ đồng), VTP (1,6 tỉ đồng). Trong khi các mã nổi bật bị xả trên thị trường này có BSR, MPC, TTD.
Công ty riêng của ông Lê Phước Vũ muốn thoái bớt gần hết vốn tại Tập đoàn Hoa Sen
Về thông tin giao dịch nổi bật trong phiên cuối tuần, Công ty TNHH MTV Tam Hỷ do ông Lê Phước Vũ sở hữu vừa đăng kí bán ra 1,05 triệu cp HSG của Tập đoàn Hoa Sen. Thời gian thoái vốn dự kiến từ ngày 4/2 đến 4/3 theo phương thức thỏa thuận.
Nếu lần bán ra này thành công, công ty riêng của ông Vũ sẽ giảm tỉ lệ sở hữu tại Hoa Sen từ 0,25% còn 0,002%, tương ứng 8.750 cp HSG.
Được biết, ông Vũ hiện là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen với số lượng cổ phần nắm giữ hơn 49,7 triệu cp, tương ứng 11,74% vốn điều lệ.