Vingroup soán ngôi Vinamilk, trở thành thương hiệu nội địa số một Việt Nam
Theo khảo sát người dùng của Campaign Asia – Pacific và NielsenIQ, Tập đoàn Vingroup đã vượt Vinamilk để trở thành thương hiệu nội địa số một Việt Nam năm 2021.
Được thành lập bởi tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Vingroup khởi đầu là một doanh nghiệp sản xuất thực phẩm sấy khô tại Ukraine vào năm 1993. Tập đoàn đã mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác nhau trong những năm qua, bao gồm phát triển bất động sản, bán lẻ, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, công nghệ và sản xuất điện thoại thông minh.
Với sự ra đời của VinFast năm 2017, Vingroup cũng sở hữu nhà sản xuất ô tô nội địa đầu tiên tại Việt Nam. VinFast đã phát triển nhanh chóng kể từ năm 2019, trở thành hãng xe đứng thứ 5 tại nước nhà xét trên doanh số bán hàng.
Không dừng lại ở đó, VinFast còn hướng mục tiêu đánh chiếm thị trường xe điện cả trong và ngoài nước, với những bước đi rõ ràng như mở các chi nhánh ở Mỹ, Canada và các nước châu Âu.
Tháng 7, VinFast đã bổ nhiệm cựu lãnh đạo Volkswagen Group America, Michael Lohscheller, làm Giám đốc điều hành toàn cầu để lãnh đạo công cuộc mở rộng quy mô.
Ngoài ra, VinFast dường như cũng quan tâm đến việc IPO tại Mỹ. Để "huy động mọi nguồn lực" cho sự phát triển của VinFast, đầu năm nay, Vingroup đã tuyên bố đóng cửa đơn vị sản xuất thiết bị điện tử như điện thoại, tivi VinSmart.
Saby Mishra, người sáng lập và Giám đốc điều hành của MullenLowe Mishra có trụ sở tại TP HCM giải thích: "Là một thương hiệu nội địa, Vingroup đã đã thể hiện đầy đủ sự tự tin cả ở thị trường trong nước lẫn quốc tế".
Trong khi đó, Hesperus Mak, người đứng đầu bộ phận Hoạch định chiến lược của TBWA Group Việt Nam cho biết: " Vingroup là công ty tiên phong trong ngành công nghiệp ô tô và công nghệ, những kế hoạch đầy tham vọng của VinFast mang ý nghĩa niềm tự hào dân tộc đối với người Việt".
Bên cạnh những thành tích đại diện cho Việt Nam trên thị trường quốc tế, việc Vingroup vươn lên thành thương hiệu nội địa số một Việt Nam năm 2021 còn nhờ vào những hành động thiết thực hỗ trợ các cấp chính quyền và người dân phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Tai Le, Giám đốc phụ trách hoạt động và thương mại điện tử của Red2Digital giải thích: "Việc Vingroup soán ngôi Vinamilk là do các hoạt động khác nhau của các thương hiệu này trong thời kỳ đại dịch. Trong hoàn cảnh khó khăn nhất, họ đã cung cấp và hỗ trợ các đội ngũ chống dịch những thiết bị y tế, liều vắc xin cũng như tài trợ cho chính phủ trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19. Nhờ vào những hành động thiết thực này, mức độ nhận diện thương hiệu của Vingroup đã tăng nhanh tại Việt Nam".
Mishra cũng đồng ý rằng Vingroup đã giữ thái độ "chủ động và thực hiện sớm" trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19 tại Việt Nam. Mishra cho biết: "Vingroup đã đưa tin về việc tìm nguồn cung ứng vắc xin trên quy mô lớn và toàn quốc.
Sau đó, họ đã đàm phán để có được công nghệ vắc xin mRNA COVID-19 từ một công ty của Mỹ. Họ đã sản xuất và xuất khẩu những chiếc máy thở từ Việt Nam đầu tiên với giá cả phải chăng. Tất cả những điều này đều đến từ một tập đoàn trong nước. Những hành động sớm của Vingroup rõ ràng đã góp phần công sức cho cuộc chiến chống lại dịch bệnh".
Danh sách được Campaign Asia – Pacific và NielsenIQ đưa ra không bao gồm các công ty đa quốc gia. Dù vậy, vẫn có bảng xếp hạng chung cho cả những doanh nghiệp nước ngoài. Có 6 thương hiệu quốc tế lọt vào danh sách 10 thương hiệu nội địa hàng đầu Việt Nam năm nay - gấp đôi so với năm 2020.
Bao gồm các công ty mới gia nhập như Google (7), LG (8) và Panasonic (10), bên cạnh các thương hiệu đã góp mặt những năm trước như Honda (3), Samsung (5) và Apple (9). Năm ngoái, Coca-Cola từng lọt vào top 10 nhưng đã bị tụt hạng trong năm nay.
Riêng với bảng xếp hạng của các doanh nghiệp thuần Việt, đứng sau Vingroup và Vinamilk lần lượt là Viettel, Cà phê Trung Nguyên, Bia Hà Nội, Hảo Hảo, FPT,…