Chuyển động trong dịch tại các doanh nghiệp bán lẻ như Thế Giới Di Động, WinMart, Saigon Co.op,...
Đại dịch COVID-19 rõ ràng đã gây ra nhiều khó khăn cho hầu hết ngành nghề. Cả doanh nghiệp lẫn người lao động đều gặp những vấn đề khác nhau trong thời gian qua. Theo Vietnam Report, bán lẻ được coi là một trong những lĩnh vực chịu tác động mạnh mẽ nhất từ đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, trái với những ngành nghề khác, bán lẻ thể hiện khả năng phục hồi nhanh hơn, được chứng minh theo từng tháng.
Ngành bán lẻ phục hồi nhanh
Từ đầu tháng 2/2020, thời điểm dịch bệnh COVID-19 bắt đầu bùng phát, thị trường bán lẻ Việt Nam có dấu hiệu sụt giảm và lan rộng trong những tháng sau đó bởi các lệnh giãn cách xã hội.
Tới tháng 9/2020, khi các lệnh giãn cách kết thúc, thị trường bắt đầu phục hồi. Năm 2020, thị trường bán lẻ nước ta vẫn duy trì đà tăng trưởng với doanh thu bán lẻ hàng hóa hơn 3,9 tỷ đồng, tăng 6,8% so với năm trước.
Bước sang năm 2021, đợt bùng dịch do biến chủng delta gây ra từ đầu tháng 5 khiến tốc độ tăng trưởng của ngành bán lẻ so với cùng kỳ năm trước giảm. Tuy nhiên, mức giảm thấp chỉ 3,4% so với cùng kỳ năm 2020, với doanh thu bán lẻ hàng hoá 9 tháng đầu năm ước đạt 2.800 nghìn tỷ đồng, theo Tổng cục Thống kê.
Trong đó, doanh thu bán lẻ chỉ tính riêng tháng 8 giảm 8% so với tháng trước và giảm 25,3% so với cùng kỳ, nhưng đã có sự tăng nhẹ gần 4,5% trong tháng 9 khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng tại nhiều tỉnh/thành phố.
Kênh bán lẻ hiện đại lên ngôi
Dù gặp nhiều khó khăn, kênh bán lẻ vẫn khẳng định vai trò quan trọng trong việc phân phối hàng hóa, kết nối giữa sản xuất và tiêu dùng. Trước đây, hệ thống hiện đại chỉ chiếm 30% nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.
Khi đại dịch bùng phát, việc đi lại mua sắm của người dân gặp khó, các cửa hàng, siêu thị đã và đang nỗ lực để thay đổi, thích ứng nhằm chung tay hỗ trợ phục vụ người dân các loại hàng hóa thiết yếu.
Đại dịch COVID-19 đã gây ra cả những ảnh hưởng tích cực và tiêu cực lên ngành bán lẻ. Ngoài ra, sự tương phản còn đến từ những nhóm mặt hàng. Trong khi bán lẻ hàng hóa thiết yếu, thực phẩm và nhu yếu phẩm chứng minh tầm quan trọng thì một số ngành hàng như lâu bền như vàng bạc đá quý, đồ điện tử, điện lạnh,… đã buộc phải đóng cửa, kênh bán hàng online cũng tắc nghẽn do hạn chế giao hàng trong thời gian giãn cách xã hội ở nhiều tỉnh.
Theo Vietnam Report, một số doanh nghiệp bán lẻ hàng lâu bền chỉ ghi nhận doanh số bán hàng trong đợt bùng dịch lần thứ 4 bằng 20% - 40% so với trước đó. Khoảng 71,43% doanh nghiệp nhóm hàng lâu bền đánh giá chịu tác động nghiêm trọng và 28,57% doanh nghiệp chịu tác động nghiêm trọng vừa phải.
Trong khi đó, với nhóm hàng tiêu dùng, siêu thị chỉ có 16,67% doanh nghiệp đánh giá tác động nghiệm trọng; 58,33% đánh giá tác động nghiêm trọng vừa phải và 25% doanh nghiệp đánh giá tác động ít, không đáng kể.
Cũng theo Vietnam Report, những cái tên đứng đầu top 10 công ty bán lẻ uy tín năm 2021 nhóm hàng tiêu dùng gồm Central Retail Việt Nam, WinCommerce, Saigon Co.op,… còn đối với top 10 công ty bán lẻ uy tín năm 2021 nhóm ngành hàng lâu bền là Thế Giới Di Động, Doji, PNJ,…