Vietnam Report: Omnichannel là xu hướng bán lẻ mới tại Việt Nam, chiến lược mà Thế Giới Di Động, WinMart,... đã theo đuổi từ lâu
Vừa qua, Vietnam Report đã công bố bảng xếp hạng top 10 công ty bán lẻ uy tín năm 2021. Các đánh giá về công ty để đưa ra bảng xếp hạng dựa vào ba tiêu chí chính: Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất; Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding - mã hóa các bài viết về công ty trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng; Khảo sát đối tượng nghiên cứu và các bên liên quan được thực hiện trong tháng 8 và 9/2021.
Ngoài ra, top 10 sẽ chia ra hai nhóm: Nhóm ngành tiêu dùng hàng nhanh, siêu thị và Nhóm hàng lâu bền. Không quá ngạc nhiên khi những tập đoàn lớn như Central Retail Việt Nam, WinCommerce, Saigon Co.op, Thế Giới Di Động, Doji, PNJ,… đều có tên ở những vị trí đầu trên bảng xếp hạng năm nay.
Theo Vietnam Report, năm 2021 tiếp tục là một năm mà ngành bán lẻ gặp nhiều thách thức bởi đại dịch COVID-19. Khi dịch bệnh dần được kiểm soát, cũng là lúc thích hợp để các chuyên gia Vietnam Report đưa ra những dự đoán về các xu hướng mới của lĩnh vực bán lẻ trong thời kỳ bình thường mới.
Mô hình cửa hàng hỗn hợp Omnichannel
Theo Vietnam Report, bán lẻ sẽ được yêu cầu phải có hành động liên tục để đáp ứng những thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng và các mô hình kinh doanh mới được chính phủ ủng hộ liên quan đến hạn chế tập trung đông người.
Đại dịch đã thúc đẩy sự xuất hiện của một mô hình cửa hàng hỗn hợp đa kênh mới với tên gọi là Omnichannel. Mô hình này sẽ tiếp tục phát triển cùng với sự tái cấu trúc hoạt động từ cửa hàng vật lý, nhà kho đến trụ sở văn phòng hỗ trợ.
Một cuộc khảo sát từ Vietnam Report chỉ ra có gần 52% người sẽ mua sắm trực tuyến thường xuyên như khi xảy ra đại dịch và hơn 45% người cho rằng sẽ mua sắm trực tuyến ít hơn so với khi đại dịch bùng phát nhưng nhiều hơn so với trước khi có dịch.
Bên cạnh đó, 4/6 yếu tố hàng đầu thúc đẩy khách hàng mua sắm đa kênh có liên quan đến hậu cần, gồm: Giao hàng tận nơi, và tốc độ giao hàng (89,22%); Sản phẩm đa dạng, phong phú (52,94%); Phương thức đặt hàng dễ dàng (50,98%); Tiết kiệm thời gian mua sắm (49,02%); Có nhiều chương trình khuyến mãi (49,02%); Không phải xếp hàng chen chúc và tiếp xúc nhiều người (34,31%).
Vì vậy, việc tạo ra một mạng lưới đáp ứng nhanh hơn là điều quan trọng mà các nhà bán lẻ cần xây dựng để duy trì khả năng cạnh tranh trong bán hàng đa kênh.
Tuy nhiên, Vietnam Report khẳng định thương mại điện tử sẽ không thể thay các cửa hàng vật lý tại Việt Nam. Dù vậy, các cửa hàng không còn là một địa điểm chỉ để trưng bày các mặt hàng mà có vai trò trong tích hợp vào quy trình mua hàng trực tuyến khi xu hướng hướng mô hình trực tuyến-hợp nhất-ngoại tuyến (OMO) sẽ tiếp tục phát triển.
Trụ sở văn phòng hỗ trợ các cửa hàng, siêu thị cũng sẽ được cải tổ lớn. Khi làm việc từ xa đang trở nên phổ biến hơn, các doanh nghiệp bán lẻ cần phải cải thiện triệt để hiệu quả hoạt động và chuyển nhiều hơn sang các phong cách làm việc kỹ thuật số.
Trải nghiệm kỹ thuật số tại cửa hàng
Rõ ràng, dịch bệnh đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, thay đổi quy trình và thói quen mua sắm của khách hàng. Khi các lệnh giãn cách xã hội được nới lỏng, người tiêu dùng có thể sẽ quay lại các cửa hàng, siêu thị.
Trải nghiệm này phần lớn sẽ được thúc đẩy bởi mức độ mà các cửa hàng bán lẻ tích hợp một cách chặt chẽ với các công nghệ như tương tác công nghệ di động, số hóa sản phẩm, thông tin hàng tồn kho theo thời gian, quản lý khách hàng thân thiết và thiết kế tại cửa hàng.
Vì vậy, quá trình chọn các yếu tố số hóa phù hợp sẽ rất quan trọng. Ngoài ra, sự kết hợp của những công nghệ trí tuệ nhân tạo như AI, Robot, IoT, Thực tế ảo VR,… sẽ cho phép khách hàng mua sắm mà không cần trực tiếp chạm vào sản phẩm, đảm bảo những yêu cầu trong thời kỳ bình thường mới.
Người tiêu dùng hiện nay đang cảnh giác với những hình thức thanh toán trực tiếp như tiền mặt, cắm thẻ vào thiết bị thanh toán,… nên những phương thức thanh toán an toàn, không tiếp xúc ngày càng được ưa chuộng.
Dữ liệu từ Vietnam Report tính đến tháng 8 cho thấy trước khi đại dịch bùng phát, tiền mặt vẫn là hình thức thanh toán được ưa chuộng nhất. Dù vậy, internet banking, ví điện tử và quét mã QR là những hình thức đã được thúc đẩy sau khi có sự bùng phát của dịch bệnh. Tuy nhiên, nhiều người vẫn tỏ ra e ngại với những hình thức mới này, đặc biệt là vấn đề liên quan tới bảo mật.
Quan tâm đến tính bền vững, sức khỏe
Trong hai năm qua, dịch bệnh và thiên tai đã gây ra những thiệt hại nặng nề, qua đó cũng tác động tới tâm lý người tiêu dùng. Giờ đây, người mua có xu hướng tìm kiếm các thương hiệu bền vững.
Gần 99% người tham gia khảo sát của Vietnam Report cho biết hoàn toàn đồng ý mua sản phẩm từ những công ty danh tiếng, cam kết trách nhiệm xã hội. Một số người tiêu dùng khác lại chọn các thương hiệu mới, nhỏ hơn, mới hơn mà họ cho là xác thực và sáng tạo hơn.
Do đó, các công ty có trách nhiệm với xã hội sẽ được tôn trọng hơn và được hưởng lợi thế cạnh tranh. Ngoài ra, việc tập trung vào tính bền vững có thể giúp làm giảm chi phí tiềm năng từ việc sử dụng hoặc lãng phí tài nguyên.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/