|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vinatex báo lãi trước thuế 1.200 tỷ đồng năm 2021

11:26 | 24/12/2021
Chia sẻ
Kết thúc năm 2021, ngành dệt may Việt Nam đã cán đích doanh thu xuất khẩu, vượt qua Bangladesh để lên Top 2 thị phần thế giới chỉ sau Trung Quốc. Trong đó, Tập đoàn Dệt may báo lãi gấp đôi năm ngoái và vượt xa kế hoạch năm.

Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex - Mã: VGT) vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2021 với doanh thu hợp nhất 16.436 tỷ đồng, tăng 10,7% so với năm trước. 

Lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 1.200 tỷ đồng và gấp đôi cùng kỳ. Con số lợi nhuận này cũng cao hơn 70% so với kết quả năm 2019 - thời điểm chưa có dịch COVID-19.

Với kế hoạch 17.365 tỷ đồng doanh thu và 700 tỷ đồng lãi trước thuế cho năm nay, tập đoàn đã thực hiện được 95% chỉ tiêu doanh thu và vượt 71% mục tiêu lãi trước thuế năm.

Có được kết quả trên, Tổng giám đốc Vinatex nhận định nhờ vào thị trường ngành sợi tốt nhất trong nhiều năm trở lại đây. 

Nếu như trước đây biên lợi nhuận của Vinatex ngành may chiếm khoảng 80%, ngành sợi khoảng 20% thì năm 2021 ngành sợi chiếm 50%, thậm chí đóng góp cao hơn vào doanh thu và lợi nhuận của tập đoàn.

Bên cạnh đó, trước đây Vinatex có khoảng gần 100 đơn vị thành viên thì đến nay chỉ còn khoảng 14 đơn vị thành viên có vốn chi phối, một số doanh nghiệp lớn không được gộp vào báo cáo doanh thu hợp nhất của tập đoàn. Việc có được kết quả này là "một sự nỗ lực không nhỏ" của tập đoàn.

Cho năm sau, Vinatex đặt mục tiêu tăng trưởng chung trên 8%, chú trọng chất lượng tăng trưởng thể hiện qua tỷ lệ giá trị gia tăng và tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu. 

Bên cạnh đó, Vinatex sẽ cùng các đơn vị thành viên đẩy mạnh phối hợp xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ Sợi – Dệt – Nhuộm – May hướng tới trở thành “một điểm đến trọn gói cho khách hàng trong ngành dệt may thời trang”.

Giai đoạn 2022 – 2025, tập đoàn sẽ hình thành năng lực cung ứng đủ lớn cho ngành hàng dệt kim, đáp ứng được yêu cầu ban đầu của các chuỗi cung ứng quy mô lớn của thế giới, trên nền tảng của ngành sợi đang phát triển trong 5 năm qua.

Tính chung với ngành dệt may Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đã cán đích, đạt 39 tỷ USD, tăng hơn 11% so với năm 2020 và bằng ngưỡng trước dịch, năm 2019.

Việt Nam vẫn giữ được vị trí top 3 các nước xuất khẩu dệt may, cụ thể là vượt qua Bangladesh, chỉ xếp sau Trung Quốc và được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá ở vị trí cao nhất trong cơ hội phục hồi năm 2022.

Minh Hằng

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.