'Vietnam Airlines phải cải tổ để cạnh tranh, đừng đòi quay về thời độc quyền như trước'
Áp giá sàn chỉ có lợi cho Vietnam Airlines
Thị trường hàng không Việt Nam trong khoảng 10 năm qua đã có những thay đổi rõ rệt. Từ chỗ chỉ có một mình Vietnam Airlines, hiện nay khách hàng đã có thể lựa chọn các hãng bay tư nhân trẻ trung hơn như Vietjet Air, Bamboo Airways hay Vietravel Airlines.
Trao đổi với người viết, PGS. TS. Nguyễn Thiện Tống đánh giá sự cạnh tranh trên thị trường hàng không Việt Nam thời gian qua đã cải thiện rất nhiều, chính Vietnam Airlines cũng tiến bộ nhiều so với thời còn độc quyền. Vì thế, nếu áp giá sàn vé máy bay, sự cạnh tranh sẽ bị sụt giảm và thị trường sẽ phải chịu một bước thụt lùi.
Ông Tống cho biết cơ chế giá trần với vé máy bay là tàn tích còn sót lại từ thời xưa, khi Vietnam Airlines còn độc quyền. Hiện nay, thị trường đã có sự cạnh tranh giữa các hãng nên việc đặt giá trần là không cần thiết, do vậy càng không nên nâng giá trần như đề xuất của Vietnam Airlines mà nên bỏ hẳn đi.
"Hãng hàng không nào dại dột nâng giá lên cao thì cứ việc nâng, hành khách sẽ chọn hãng khác có giá rẻ hơn", ông Tống nói. "Quy luật thị trường cạnh tranh sẽ điều chỉnh mức giá. Việc áp giá sàn sẽ chỉ có lợi cho Vietnam Airlines mà thôi. […] Mức giá sàn mà Vietnam Airlines đưa ra rất cao, nếu áp dụng thì nhiều người không được đi máy bay".
Hiện nay Nhà nước không quy định giá sàn và các hãng đôi khi vẫn có các chương trình khuyến mại với giá vé 0 đồng.
Theo phương án mà Vietnam Airlines đưa ra, giá sàn và giá trần sẽ thay đổi theo cự ly của chặng bay. Mức giá sàn thấp nhất là 414.000 đồng/vé đối với chặng dưới 500 km và cao nhất là 1,4 triệu đồng/vé với chặng trên 1.280 km. Mức giá trần đề xuất sẽ tăng từ 50.000 đồng đến 250.000 đồng/vé so với hiện nay.
PGS. TS. Ngô Trí Long thì cho rằng thị trường hàng không Việt Nam có sự cạnh tranh hạn chế, số lượng hãng không nhiều nên có thể vẫn cần mức giá trần để ngăn ngừa khả năng các hãng thông đồng với nhau cùng nâng giá. Tuy nhiên, trước đề xuất tăng mức giá trần, TS. Long đề nghị phải xem xét hết sức thận trọng để không gây tổn hại cho người tiêu dùng.
Về việc áp giá sàn, ông Long cũng khẳng định đề xuất này vi phạm pháp luật về giá và cạnh tranh, không hợp lý, và chắc chắn không thể được chấp thuận.
TS. Nguyễn Thiện Tống nói thêm: "Tháng 4/2017, Vietnam Airlines đã đề xuất áp giá sàn tương tự như bây giờ nhưng Cục Hàng không và Bộ Giao thông vận tải khi đó đã rất sáng suốt và không đồng ý. Trong tình hình dịch bệnh ngày nay, các cơ quan càng phải sáng suốt hơn và bác bỏ đề xuất này để giúp tất cả hãng hàng không hồi phục".
Cần sự bình đẳng cho các hãng tư nhân
Ngoài đề xuất về giá trần – sàn, Vietnam Airlines còn mong muốn được phân bổ 50% số slot bay nội địa và 100% slot bay quốc tế trong đợt tới. Chuyên gia Nguyễn Thiện Tống cho rằng đề xuất này nếu được thực thi sẽ gây bất công lớn cho các hãng bay khác và tạo ra sự độc quyền cho Vietnam Airlines.
"Bay quốc tế có lãi lớn hơn bay nội địa rất nhiều. Nếu để cho Vietnam Airlines độc quyền bay quốc tế thì thị trường sẽ quay về thời xưa, giá vé rất đắt", ông Tống cho hay.
Vị chuyên gia này cũng chỉ ra rằng Vietnam Airlines đã được Quốc hội và Chính phủ phê chuẩn gói vay hỗ trợ thanh khoản 4.000 tỷ đồng với lãi suất rất thấp, trong khi các hãng khác đều mong muốn nhưng không được hỗ trợ tương tự.
"Quốc hội và Chính phủ nên đưa ra một gói cứu trợ chung cho các hãng hàng không để tạo ra một sân chơi bình đẳng, không phân biệt hãng bay Nhà nước hay tư nhân. Vietnam Airlines cần cải tổ quản lý sao cho đủ mạnh để cạnh tranh, không nên dựa vào cơ chế như thời bao cấp, độc quyền ngày xưa".
Ông Tống còn cho rằng Vietnam Airlines hiện nay là hãng lớn nhất và mạnh nhất nhưng không phải mạnh về sức cạnh tranh mà là mạnh nhờ cơ chế và sự thiên vị. "Vietnam Airlines một mình một chợ trong nhiều năm, lẽ ra phải giỏi hơn các hãng khác, đằng này lại đòi các chính sách ưu ái cho mình và bất công cho người khác. Vietnam Airlines cần cải tổ để có thể cạnh tranh công bằng, bình đẳng với các hãng bay tư nhân".