|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vietnam Airlines đòi áp giá sàn giống như đàn ông đòi đẻ: 'Vô lý, sai luật, và không bao giờ thành hiện thực'

13:58 | 06/04/2021
Chia sẻ
Chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Ngô Trí Long cho rằng đề xuất áp giá sàn vé máy bay của Vietnam Airlines sẽ không thể được áp dụng trong thực tế vì trái với quy định pháp luật hiện hành, đồng thời không phù hợp lý thuyết kinh tế.
Vietnam Airlines đòi áp giá sàn giống như đàn ông đòi đẻ: 'Vừa vô lý, vừa sai luật' - Ảnh 1.

Đội tàu bay Vietnam Airlines tại Nội Bài. (Ảnh: Song Ngọc).

"Đề xuất áp giá sàn là hoàn toàn sai luật"

Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã: HVN) mới đây đã đề xuất với Cục Hàng không (thuộc Bộ Giao thông vận tải) về việc áp giá sàn và nâng giá trần đối với vé máy bay tùy theo cự ly di chuyển. Mức thấp nhất là 414.000 đồng/vé đối với chặng dưới 500 km và cao nhất là 1,4 triệu đồng/vé với chặng trên 1.280 km.

Trên thị trường hàng không Việt Nam hiện nay có hai hãng lớn là Vietnam Airlines và Vietjet Air, tổng cộng chiếm khoảng 80% thị phần, tạo nên hình thái thị trường "độc quyền nhóm". Thị phần của các hãng còn lại như Bamboo Airways và Vietravel Airlines đều nhỏ hơn đáng kể.

Trao đổi với người viết, PGS. TS. Ngô Trí Long - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) đánh giá: "Thị trường hàng không Việt Nam hiện nay có một số doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh là Vietnam Airlines và Vietjet Air. Về nguyên tắc đối với thị trường loại này, Nhà nước chỉ định giá trần để không cho các hãng cùng nhau đẩy giá lên cao".

Vị chuyên gia này còn so sánh đề xuất của Vietnam Airlines giống như "đàn ông đòi đẻ", chắc chắn không thể trở thành hiện thực: "Luật hiện nay chỉ quy định giá trần vé máy bay, không áp dụng giá sàn để các doanh nghiệp còn cạnh tranh với nhau. Doanh nghiệp làm càng tốt và giá càng thấp thì khách hàng càng được lợi. Vậy nên về mặt luật pháp, đề xuất của Vietnam Airlines hoàn toàn sai".

Thông tư số 17/2019 của Bộ Giao thông vận tải, căn cứ Luật giá năm 2012 chỉ quy định mức giá trần vé máy bay như dưới đây, không áp giá sàn.

* Dưới 500 km (Nhóm đường bay phát triển kinh tế xã hội): giá trần 1,6 triệu đồng/chiều.

* Nhóm đường bay khác dưới 500 km: 1,7 triệu đồng/chiều.

* Từ 500 km đến dưới 850 km: 2,2 triệu đồng/chiều.

* Từ 850 km đến dưới 1.000 km: 2,79 triệu đồng/chiều.

* Từ 1.000 km đến dưới 1.280 km: 3,2 triệu đồng/chiều.

* Từ 1.280 km trở lên: 3,75 triệu đồng/chiều.

Có hay không việc các hãng bán phá giá?

Một phần do ảnh hưởng của COVID-19 nên trong nhiều tháng vừa qua, nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không tụt dốc không phanh. Trong hai tháng đầu năm, 6 hãng bay nội địa đã khai thác tổng cộng 38.588 chuyến, giảm 37% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các hãng đã phải kích cầu đi lại bằng cách giảm sâu giá vé, có khi tung các chương trình khuyến mãi vé 0 đồng, 49.000 đồng hay 88.000 đồng/chặng.

Có ý kiến cho rằng việc áp giá sàn sẽ chấm dứt tình trạng bán phá giá như trên, không để các hãng bay làm suy yếu lẫn nhau.

TS. Ngô Trí Long thì nhìn nhận các chương trình khuyến mãi này không phải hành vi bán phá giá. "Không phải tất cả vé đều có giá thấp. Số lượng vé 0 đồng là rất hạn chế, ai săn được thì săn, còn lại các hãng bán vé với giá bình thường, lấy lợi nhuận từ vé giá cao hơn để bù lỗ cho vé giá thấp hơn".

Vietnam Airlines đòi áp giá sàn giống như đàn ông đòi đẻ: 'Vừa vô lý, vừa sai luật' - Ảnh 3.

Dãy phòng vé máy bay trên đường Trường Chinh, Hà Nội. (Ảnh: Song Ngọc).

"Nếu bán phá giá, các hãng sẽ không tồn tại được và có thể bị xử lý bởi pháp luật về chống bán phá giá", ông Long nói.

Có thể thấy, vấn đề nào có cách xử lý của vấn đề đó. Hãng nào bán phá giá thì có thể bị xử phạt theo luật, không thể lấy lý do đối thủ bán vé giá thấp để đề nghị áp giá sàn. 

Thận trọng khi xem xét tăng giá trần

Ngoài đề nghị áp giá sàn, Vietnam Airlines còn kiến nghị nâng giá trần, mức tăng từ 50.000 đến 250.000 đồng/vé, tùy cự ly bay.

Theo TS. Ngô Trí Long, giá trần được quy định theo từng khoảng thời gian, phụ thuộc vào giá thành. Nếu chi phí đầu vào tăng hoặc giảm đáng kể thì có thể điều chỉnh tăng hoặc giảm giá trần theo tương ứng, giống như điều hành giá xăng.

"Trong bối cảnh hiện nay, các hãng hàng không đang phải tốn thêm chi phí về phòng dịch. Số chuyến bay giảm đi rõ rệt, có khi lại không được chở đầy khách vì phải giãn cách ghế ngồi. Vì vậy, có thể xem xét nâng giá trần, nhưng phải hết sức thận trọng", vị chuyên gia nói.

Nếu nâng giá quá cao, gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì ngành hàng không sẽ bị tẩy chay, hành khách có thể lựa chọn phương thức vận tải khác như đường bộ, đường sắt hay đường thủy.

Hiện nay, Vietnam Airlines đã có ưu thế lớn so với các hãng bay khác khi được Nhà nước hỗ trợ gói vay ưu đãi 4.000 tỷ đồng, đồng thời cho phép phát hành cổ phiếu tăng vốn để huy động 8.000 tỷ đồng dù làm ăn thua lỗ. Các doanh nghiệp khác như Vietjet Air và Bamboo Airways đều mong muốn có gói vay ưu đãi như Vietnam Airlines nhưng không được.

Đức Quyền - Song Ngọc