|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vietnam Airlines lỗ ít hơn kế hoạch, quỹ thù lao ban lãnh đạo tăng 20%

08:20 | 28/01/2023
Chia sẻ
Vietnam Airlines đã thua lỗ 12 quý liên tiếp, riêng số lỗ hợp nhất năm 2022 là 10.369 tỷ đồng, thấp hơn 10% so với kế hoạch mà đại hội cổ đông đề ra. Tổng Công ty tin tưởng hoạt động kinh doanh đã từng bước ổn định và đang chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng cho giai đoạn phục hồi và phát triển sắp tới.

Chủ tịch Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hòa biểu quyết trong đại hội cổ đông thường niên năm 2022. (Ảnh: Song Ngọc).

Đại hội cổ đông thường niên năm 2022 của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã: HVN) đề ra kế hoạch lỗ sau thuế hợp nhất 11.465 tỷ đồng, lỗ riêng công ty mẹ 9.335 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính quý IV được công bố mới đây, Vietnam Airlines thực tế lỗ hợp nhất 10.369 tỷ và lỗ công ty mẹ 8.635 tỷ, tức là đều khả quan hơn mục tiêu đã đề ra. So với số lỗ 13.279 tỷ đồng của năm 2021, kết quả năm 2022 cải thiện khoảng 22%.

Quỹ lương và thù lao của các lãnh đạo Vietnam Airlines trong năm vừa qua cũng có cải thiện so với 2021. Cụ thể, các Thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT), Ban Điều hành và Ban Kiểm soát (BKS) nhận về tổng cộng 9,63 tỷ đồng trong năm 2022, tăng 20% so với năm trước. Vietnam Airlines cho biết thu nhập bình quân của các lãnh đạo là 67,24 triệu đồng/người/tháng.

Một số lãnh đạo có thu nhập biến động lớn do mới được bầu, bổ nhiệm hoặc miễn nhiệm, dẫn tới khoảng thời gian so sánh không đều nhanh.

Ví dụ: Ông Đinh Việt Tùng và ông Trương Việt Phước được bầu làm Thành viên HĐQT từ ngày 14/12/2021 nên thù lao của năm 2021 chỉ là 7,67 triệu đồng cho nửa cuối tháng 12. Sang năm 2022, ông Tùng và ông Phước làm lãnh đạo đủ 12 tháng nên thu nhập tăng lên thành 129 triệu đồng/người/năm (tức 10,75 triệu đồng/người/tháng).

Ông Tomoji Ishii được miễn nhiệm chức danh Thành viên HĐQT vào giữa năm 2022 nên thù lao giảm quá nửa so với năm 2021. Ông Hiroyuki Kometani thay thế vị trí của ông Tomoji Ishii từ ngày 28/6/2022 và không có số liệu năm 2021 để so sánh.

Quỹ lương và thù lao ban lãnh đạo Vietnam Airlines tăng 20% trong năm 2022.

Tổng quỹ lương và thù lao năm vừa qua tăng 1,6 tỷ đồng so với năm 2021, đa phần do có thêm hai Phó Tổng Giám đốc là ông Lê Đức Cảnh và ông Nguyễn Thế Bảo. Mỗi vị lãnh đạo này thu về 561,8 triệu đồng trong năm 2022, ít hơn so với các Phó Tổng Giám đốc khác vì ông Cảnh và ông Bảo mới được bổ nhiệm vào ngày 1/5.

Một số lãnh đạo lâu năm của Vietnam Airlines có thu nhập suy giảm trong năm qua như Chủ tịch HĐQT Đặng Ngọc Hòa, Thành viên HĐQT Tạ Mạnh Hùng, Trưởng Ban Kiểm soát Nguyễn Thị Thiên Kim.

CEO Vietnam Airlines. (Ảnh: Song Ngọc).

Một số lãnh đạo khác có tiền lương và thù lao tăng lên như Kế toán trưởng Trần Thanh Hiền và Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Lê Hồng Hà. Ông Lê Hồng Hà là người có thu nhập cao nhất trong ban lãnh đạo Vietnam Airlines và là người duy nhất vượt mốc 1 tỷ đồng trong năm qua.

Trước khi làm Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, từ tháng 3/2012 đến tháng 10/2016, ông Hà được biệt phái giữ chức Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hàng không Jetstar Pacific Airlines (nay đã đổi tên thành Pacific Airlines) – một công ty con của Vietnam Airlines. 

Vốn chủ sở hữu âm, tổng tài sản giảm sút

Riêng quý IV vừa qua, Vietnam Airlines lỗ sau thuế hợp nhất gần 2.586 tỷ đồng, gấp 2,3 lần khoản lỗ cùng kỳ năm 2021 và đánh dấu quý thua lỗ thứ 12 liên tiếp của Tổng công ty kể từ khi COVID-19 bùng phát.

Tổng số lỗ của Vietnam Airlines trong ba năm đại dịch 2020 – 2021 – 2022 là 34.826 tỷ đồng, gấp hơn ba lần tổng số lãi trong 10 năm trước đó (2010 – 2019) cộng lại.

Vì vậy, việc Vietnam Airlines lỗ lũy kế 34.200 tỷ đồng tại ngày 31/12/2022 là điều không đáng ngạc nhiên. Số lỗ lũy kế này lớn hơn vốn điều lệ 22.144 tỷ đồng của Vietnam Airlines, đồng thời làm cho vốn chủ sở hữu âm 10.200 tỷ.

Tổng số lỗ của Vietnam Airlines trong ba năm đại dịch 2020 – 2021 – 2022 lớn gấp hơn ba lần tổng số lãi trong 10 năm trước đó (2010 – 2019) cộng lại. 

Điểm e Khoản 1 Điều 120 của Nghị định 155/2020 quy định rõ: Cổ phiếu của công ty đại chúng bị hủy bỏ niêm yết khi kết quả sản xuất kinh doanh bị thua lỗ trong ba năm liên tục, hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp, hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.  

Có thể thấy, Vietnam Airlines nhiều khả năng sẽ vướng vào cả ba kịch bản hủy niêm yết kể trên. Kết quả cuối cùng sẽ được định đoạt sau khi Tổng Công ty công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022, hạn chót là vào ngày 31/3/2023.

Do vốn chủ sở hữu âm nên tổng nợ phải trả lớn hơn tổng nguồn vốn. Tại ngày cuối năm 2022, Vietnam Airlines đang nợ 70.778 tỷ đồng trong khi giá trị tổng tài sản là 60.579 tỷ. Đây là mức tài sản thấp nhất kể từ khi Vietnam Airlines gia nhập thị trường chứng khoán vào năm 2015 cho đến nay.

Vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines âm tại ngày kết thúc 4 quý liên tiếp trong năm 2022. 

Vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines từng rơi xuống dưới 0 vào cuối quý II/2021 nhưng sau đó quay lại mức dương nhờ phát hành tăng vốn cho cổ đông hiện hữu, riêng Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã góp gần 6.900 tỷ đồng. Vì Vietnam Airlines tiếp tục thua lỗ, vốn chủ sở hữu đã quay xuống dưới 0 trong năm 2022.

Đức Quyền - Song Ngọc