|
 Thuật ngữ VietnamBiz

Sau hơn hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, bước sang năm 2022 hàng không vui mừng trước triển vọng hồi phục trở lại sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 128 “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19".

Thế nhưng, ít ai có thể ngờ, dịch COVID-19 vừa qua đi, hàng loạt diễn biến phức tạp trên thế giới từ tỷ giá, xung đột Nga – Ukraine, giá xăng dầu tăng cao kỷ lục mọi thời đại lại khiến ngành hàng không rơi vào “nghịch cảnh”.

 

 

Trong năm 2022, thị trường hàng không Việt Nam đặc biệt là thị trường nội địa đã có sự tăng trưởng mạnh về sản lượng. Tuy nhiên, không thể không kể đến những khó khăn mà hàng không gặp phải hậu COVID-19, trong đó gây “ám ảnh” nhiều nhất có lẽ là chi phí nhiên liệu bay tăng kỷ lục.

Tại đại hội đồng cổ đông cuối tháng 5, ông Tô Việt Thắng, Phó tổng giám đốc Vietjet Air, cho biết giá nhiên liệu đang chiếm 40% tổng chi phí khai thác. "Khi giá nhiên liệu tăng trên 100 USD/thùng, chi phí khai thác của các hãng hàng không tăng thêm 50%", ông Thắng nói. 

Theo tài liệu cổ đông của Vietnam Airlines, giá nhiên liệu bay Jet A1 tăng đã khiến chi phí nhiên liệu của hãng năm 2021 đội lên thêm 218 tỷ đồng so với kế hoạch. Chưa dừng lại ở đó, giá Jet A1 tiếp tục tăng phi mã trong năm 2022 khiến Vietnam Airlines tiếp tục thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu.

Cả năm 2022, Vietnam Airlines đặt mục tiêu lỗ ròng 9.335 tỷ đồng, giảm 23,5% so với khoản lỗ năm trước. 

Chia sẻ với chúng tôi, ông Vũ Đức Biên, Tổng Giám đốc Vietravel Airlines, cho biết năm vừa qua đối với Vietravel Airlines gần như một năm “hồi sinh” trở lại sau dịch. Với một hãng hàng không non trẻ vừa mới ra đời chẳng khác một chú chim bị rụng hết lông sau đại dịch và nay mới mọc lại được chút ít nhưng lại gặp phải thời tiết băng giá khi giá nhiên liệu bay tăng quá cao.

Ông Biên đánh giá, năm 2022 thị trường có phục hồi nhưng chưa hoàn toàn. Các hãng hàng không của Việt Nam vì chưa mở ra được đường bay quốc tế nên tập trung hết vào thị trường nội địa. “Toàn bộ lượng tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam là hơn 200 cái mà tập trung hết vào thị trường nội địa thì cung vượt cầu, giá bán vé máy bay chắc chắn thấp, như vậy doanh thu của các hãng giảm đi”, ông Biên nói.

Bên cạnh đó, chi phí xăng dầu lại tăng lên, trung bình giá nhiên liệu bay chỉ khoảng 60-70 USD/thùng nhưng lúc cao điểm nhất lên tới 147 USD/thùng và nay dù có giảm xuống những vẫn cao, ở mức 120 USD/thùng. Chi phí xăng dầu tăng gần gấp đôi khiến các doanh nghiệp hàng không rất khó khăn, CEO Vietravel Airlines cho biết. 

Đại diện hãng hàng không Bamboo Airways thì đánh giá, đầu năm 2022, đại dịch COVID-19 vẫn gây nhiều khó khăn chưa từng có trong tiền lệ, ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch kinh doanh nói chung và hoạt động của ngành hàng không nói riêng.

Tâm lý hành khách vẫn còn nhiều e ngại khiến doanh thu các đường bay nội địa và quốc tế chưa thể hoàn toàn phục hồi. Thêm vào đó, các hãng bay vẫn phải chi trả các chi phí liên quan đến phòng chống dịch bệnh như: Chi phí khử trùng máy bay, mua sắm trang thiết bị bảo hộ, hỗ trợ khách hàng,…, chi phí hoạt động, chi phí tài chính… 

Giai đoạn nửa cuối năm, các hãng lại tiếp tục phải đối diện với nhiều biến động mới nảy sinh như chi phí nhiên liệu tăng mạnh, đồng USD vốn chi phối phần lớn hoạt động của các hãng bay tăng giá so với đồng VND, xung đột địa chính trị leo thang, thiếu hụt nguồn lao động hậu dịch bệnh,….

“Đây là những yếu tố níu đà phục hồi của các hãng hàng không nói chung, làm trầm trọng hóa tình trạng cạn kiệt thanh khoản vốn đã làm suy yếu sức khỏe tài chính của các hãng bay trong nhiều năm qua”, đại diện Bamboo Airways cho biết.

 

 

Mặc dù đối mặt với hàng loạt khó khăn, thách thức, song với sự ứng biến linh hoạt và nỗ lực không ngừng nghỉ, ngành hàng không Việt Nam đã vượt qua “nghịch cảnh” một cách rất ấn tượng.

Theo thống kê từ Cục Hàng không Việt Nam, trong năm 2022 thị trường vận tải hàng không đạt 55 triệu lượt khách, tăng 3,7 lần so năm 2021 nhưng mới chỉ bằng 69,6% so năm 2019. Vận tải hàng hoá ước đạt 1,25 triệu tấn hàng hóa, bằng 95% so năm 2021 và tương đương năm 2019.

Đáng chú ý, hàng không nội địa đã hồi phục và tăng trưởng trở lại, vượt qua cả thời điểm trước dịch. Lượng khách nội địa đạt 43,2 triệu khách, tăng 3,5 lần so năm 2021 và tăng 15,6% so năm 2019. Vận tải hàng hoá đạt 152 nghìn tấn tương đương năm 2021 và bằng 60% so với năm 2019.

Trong khi đó, hàng không quốc tế vẫn chưa thực sự hồi phục mà mới chỉ đạt chưa đến 1/3 thời điểm trước dịch. Theo đó, lượng khách quốc tế đạt 11 triệu khách, tăng 22 lần so năm 2021 và bằng 27% so năm 2019; vận tải hàng hoá ước đạt 1,1 triệu tấn hàng hóa, xấp xỉ năm 2021 và tăng 10% so năm 2019.

Kinh doanh trong bối cảnh đầy biến động, ông Vũ Đức Biên, CEO của Vietravel Airlines, chia sẻ chiến lược của năm nay là: “Không có chiến lược gì cả”, bởi bất kể chiến lược như thế nào cũng phải được biến hoá linh hoạt để phù hợp với tình hình thực tế. Với bối cảnh vĩ mô biến động mạnh như hiện nay, chiến lược của Vietravel Airlines là làm sao thay đổi nhanh nhất, đối phó với tình hình để sống sót.

Tinh thần “làm nhanh, ngay và luôn” cũng được ban lãnh đạo Bamboo Airways đưa ra để ứng phó với tình hình thay đổi chóng mặt.

Bamboo Airways đang tích cực mở lại đường bay quốc tế. (Ảnh: Bamboo Airways).

Trong khoảng đầu năm, khi lượng khách hạn chế do dịch bệnh, Bamboo Airways đã hoán cải một phần đội tàu bay chuyển sang chở hàng, thậm chí với những chuyến bay “lệch đầu”, chở khách đến điểm đến và khi về được phục vụ để chở hàng hóa ngay chính trên khoang khách.

Bamboo Airways cũng tiến hành chở hàng hóa quốc tế định kỳ cho nhiều đối tác lớn để tạo nguồn thu. Phương pháp hoán đổi này đã giúp hãng phần nào vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt.

Đến khi thị trường hàng không hồi phục trở lại, đặc biệt là hãng không nội địa, hãng chọn cách tập trung khai thác thị trường nội địa khi các đường bay quốc tế bị gián đoạn do dịch, mở các đường bay mới, đặc biệt là đường bay ngách chưa có hãng hàng không nào khai thác trước đó như đến Côn Đảo, Điện Biên, Rạch Giá,…

Trong khi những hãng hàng không lớn tập trung khai thác những đường bay chính như Hà Nội – TP HCM, Hà Nội/TP HCM – Phú Quốc, Hà Nội/TP HCM – Đà Nẵng, Nha Trang thì Bamboo Airways mở rộng thêm các đường bay ngách mà ít hãng triển khai, những chuyến bay với tỷ lệ lấp đầy trên 90% tới Côn Đảo hay hàng loạt đường bay ngắn được khai thác bằng dòng máy bay cỡ nhỏ Embraer đã cho thấy tầm nhìn chiến lược của hãng. 

Dòng máy bay này phù hợp với nhu cầu của đường bay và cũng giúp hãng tiết kiệm nhiên liệu thay vì bay với dòng máy bay cỡ lớn mà tỷ lệ lấp đầy không cao. Bên cạnh đó, hãng cũng theo sát xu hướng nhu cầu của khách hàng, phát triển các sản phẩm đáp ứng nhu cầu di chuyển đặc thù mới của khách hàng trong dịch như: sản phẩm bay chuyên cơ, chuyên khoang, các sản phẩm thẻ bay, combo bay - nghỉ khép kín,

 

Bước sang năm 2023, hàng không Việt đứng trước nhiều cơ hội quan trọng, trong đó, thị trường quốc tế là mục tiêu mà các hãng hàng không đều hướng đến. Để chuẩn bị tốt cho mục tiêu năm mới, các hãng hàng không đều đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Đại diện Bamboo Airways cho biết tranh thủ thời điểm giảm tần suất hoạt động bay quốc tế, hãng đã tập trung chuẩn bị cho việc nối lại và mở mới thêm nhiều đường bay quốc tế. Nhờ đó kịp thời đưa vào triển khai các đường bay thẳng kết nối tới các sân bay lớn có vị thế là tụ điểm hàng không lớn của châu lục ngay khi hoạt động bay quốc tế được mở cửa trở lại.

Ngày 6/12/2022, Bamboo Airways đã hoàn tất chuyến bay thẳng đầu tiên từ Hà Nội tới Thiên Tân, một trong bốn thành phố trực thuộc trung ương của Trung Quốc. Hãng dự kiến sẽ triển khai các chuyến bay khứ hồi giữa hai điểm này vào thứ ba hàng tuần. Đây là tiền đề quan trọng để hãng nhanh chóng đẩy mạnh mở rộng mạng bay thường lệ đến thị trường tỷ dân trong tương lai gần.

Một tín hiệu rất tích cực đối với ngành hàng không Việt Nam, là ngày 9/12/2022, Vietnam Airlines đã nối lại đường bay bay thương mại thường lệ giữa Việt Nam và Trung Quốc sau gần ba năm tạm dừng. Trong giai đoạn đầu, Vietnam Airlines sẽ nối lại ba đường bay đến Trung Quốc bao gồm: TP HCM - Quảng Châu từ ngày 9/12, Hà Nội - Thượng Hải từ ngày 12/12; và TP HCM - Thượng Hải từ ngày 14/12.

Vietravel Airlines, “tân binh” của hàng không Việt cũng đã chính thức khai trương đường bay quốc tế đầu tiên sau gần hai năm hoạt động, đường bay kết nối Hà Nội – Bangkok (Thái Lan) trước thềm năm mới 2023.

CEO Vietravel Airlines, ông Vũ Đức Biên chia sẻ hãng đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nguồn lực để chính thức tham gia bầu trời hàng không quốc tế với điểm đến đầu tiên là Bangkok thị trường được đánh giá là thích hợp ở thời điểm hiện tại. 

Ông Biên cũng dự báo năm 2023 thị trường hàng không quốc tế chắc chắn sẽ phục hồi hơn so với năm trước, đặc biệt việc Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 là một cơ hội rất lớn với ngành hàng không bởi đây là một thị trường rất quan trọng với Việt Nam. Năm 2019 (thời điểm trước dịch), du khách Trung Quốc chiếm hơn 30% lượng khách nước ngoài đến Việt Nam. 

Bên cạnh đó, giá nhiên liệu bay hiện đang có xu hướng giảm dần, đây là yếu tố hỗ trợ rất lớn đối với các doanh nghiệp vận tải nói chung và hàng không nói riêng, ông Biên đánh giá.

Đối với yếu tố hỗ trợ ngành hàng không năm 2023, các hãng hàng không cũng kỳ vọng sẽ được Chính phủ, các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, như tiếp tục gia hạn giảm thuế giá trị gia tăng; tiếp tục giảm thuế đối với nhiên liệu bay như đang áp dụng để hỗ trợ kịp thời cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các hãng bay.

Trích Đặc san "Doanh nhân Việt Nam - Xuân Quý Mão"- Số tháng 1/2023

Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam.

Hạ An
Alex Chu
Dòng vốn Kinh doanh