Vietnam Airlines giảm lỗ 70 tỷ so với kế hoạch 2022, doanh thu gấp 2,6 lần năm trước
Năm 2022, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã: HVN) ước tính đã vận chuyển hơn 18 triệu lượt khách, đạt gần 108% kế hoạch; xấp xỉ 212.000 tấn hàng hoá, đạt 78% mục tiêu mà đại hội cổ đồng đề ra.
Doanh thu hợp nhất ước đạt 72.359 tỷ đồng, tương đương 121% kế hoạch, trong đó công ty mẹ ghi nhận 50.617 tỷ đồng, ứng với 112% kế hoạch. Đây là những thông tin do Tổng Giám đốc Lê Hồng Hà công bố tại Hội nghị tổng kết năm 2022, triển khai kế hoạch năm 2023 của Vietnam Airlines.
Ông Hà cũng cho biết Tổng Công ty đã thực hiện nhiều giải pháp tự thân để tiết kiệm và cắt giảm chi phí gần 4.300 tỷ đồng; giảm lỗ gần 70 tỷ đồng so với kế hoạch; điều hành thành công dòng tiền giúp duy trì hoạt động liên tục.
Với kết quả này, Vietnam Airlines ghi nhận năm thua lỗ thứ ba liên tiếp kể từ khi COVID-19 bùng phát năm 2020.
Doanh thu hồi phục mạnh hậu mở cửa
Doanh thu ước tính năm 2022 của Vietnam Airlines lớn hơn cả hai năm đầu đại dịch cộng lại. Nhân tố hỗ trợ chính cho Vietnam Airlines nói riêng và ngành hàng không Việt Nam nói chung là chính sách mở cửa du lịch bắt đầu từ tháng 3/2022.
Ngay từ tháng 4, thị trường nội địa đã quay về mức tương đương cùng kỳ năm 2019 khi chưa phát dịch. Với sự bùng nổ của nhu cầu trong dịp hè, thị trường nội địa vào các tháng 7 và 8 đã hồi phục hoàn toàn và tăng trưởng trên 30% so với so cùng kỳ 2019.
Các hãng hàng không Việt Nam đã mở rộng hoạt động khai thác, mở đường bay mới, tăng tần suất để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách với 69 đường bay nội địa thường lệ được khai thác bởi 5 hãng hàng không (Vietnam Airlines, Vasco, Vietjet Air, Bamboo Airways, Pacific Airlines và Vietravel Airlines) nối Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh với 19 sân bay địa phương theo hệ thống mạng đường bay trục-nan, liên vùng, nội vùng rộng khắp toàn quốc.
Đối với thị trường quốc tế, tốc độ hồi phục còn chậm mặc dù Việt Nam đã dỡ bỏ các hạn chế đối với hành khách nhập cảnh từ 15/3, khôi phục lại chính sách miễn thị thực cho 25 quốc gia từ tháng 5/2022.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, năm 2022, dự kiến thị trường vận tải hàng không đạt 55 triệu khách (tăng 3,7 lần so năm 2021 và bằng xấp xỉ % so năm 2019) và 1,25 triệu tấn hàng hóa (bằng 95% so với năm 2021 và tương đương năm 2019).
Số liệu của Cục Hàng không cho thấy, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (bao gồm ba hãng hàng không Vietnam Airlines, Pacific Airlines, và VASCO) đã thực hiện 128.430 chuyến bay trong 11 tháng đầu năm 2022, chiếm 45% thị phần toàn ngành, đồng thời tăng trưởng 135% so với cùng kỳ năm ngoái.
- TIN LIÊN QUAN
-
Vietnam Airlines dẫn đầu số chuyến bay, Bamboo Airways đúng giờ nhất 11 tháng 28/12/2022 - 18:23
Các hãng hàng không Việt Nam đều ghi nhận số chuyến bay tăng trưởng ba chữ số, như biểu đồ dưới đây cho thấy. Vietnam Airlines tiếp tục dẫn đầu, Vietjet Air bám đuổi sát phía sau. Thị phần số chuyến bay của Bamboo Airways giảm từ 20% trong năm 2021 xuống còn 16% trong 11 tháng đầu năm nay.
Năm 2023 nhiều bất trắc
Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, năm 2023 được dự báo sẽ mang đến cả cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp vận tải hàng không. Các yếu tố bất lợi có thể kể đến là xung đột địa chính trị kéo dài, giá nhiên liệu và tỷ giá biến động khó lường, lạm phát tăng, sức mua suy giảm.
Các yếu tố thuận lợi đến từ việc các thị trường quốc tế quan trọng đã mở cửa đón khách quốc tế, trong đó phải kể đến thị trường truyền thống lớn của nước ta là Trung Quốc. Các nhà chức trách của đất nước tỷ dân đã chính thức thông báo sẽ mở cửa hoàn toàn kể từ ngày 8/1/2023 sau ba năm đóng cửa biên giới do dịch COVID-19.
Đồng thời, thị trường nội địa phục hồi tốt, kinh tế trong nước được dự báo tăng trưởng ổn định cũng là một yếu tố hết sức thuận lợi đối với Vietnam Airlines nói riêng và các doanh nghiệp hàng không khác nói chung.