VietinBankSc: Năm 2018, LienVietPostBank dự kiến lãi sau thuế trên 1.890 tỷ đồng
Dự kiến lợi nhuận 2018 trên 1.890 tỷ đồng
CTCP Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBankSc) có báo cáo phân tích về Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank - Mã: LPB).
Trong năm 2017, LienVietPostBank đã tăng vốn điều lệ lên 7.500 tỷ đồng thông qua chia cổ phiếu thưởng, phát hành ESOP và cho cổ đông hiện hữu.
Theo VietinBankSc, giá trị sổ sách dự phóng 2018 của cổ phiếu LVB sẽ là 14.871 đồng/cp và lợi nhuận trên một cổ phần (EPS) dự phóng 2018 là 2.524 đồng.
LienVietPostBank hiện có mức định giá rất thấp so với doanh nghiệp trong ngành, trong khi chất lượng tài sản và tiềm năng tăng trưởng đều ở mức khá. Do đó, VietinBankSc đánh giá một cách thận trọng giá trị của LPB dựa trên những gì nhà đầu tư đã trả cho LPB trong quá khứ với hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu (P/E) tối đa và tỷ lệ giá cổ phiếu trên giá trị sổ sách (P/B) tối đa lần lượt là 8,90 và 1,22.
Tuy nhiên, đây vẫn là mức tương đối thấp nếu so với trung bình ngành hiện nay với P/E và P/B lần lượt là 16,9 (bỏ NVB - Ngân hàng TMCP Quốc dân) và 1,64 (bỏ VCB - Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam), điều này tạo ra một biên độ an toàn để đầu tư vào LPB, VietinBankSc nhận định.
Theo đó, VietinBankSc dự kiến lợi nhuận sau thuế của Ngân hàng năm 2018 ở mức 1.893 tỷ đồng, tăng khoảng 38% so với năm 2017.
Tỷ lệ nợ xấu giảm, thấp hơn mức trung bình ngành
Kết quả những năm qua cho thấy mô hình kinh doanh đặc biệt giúp LienVietPostBank trở thành ngân hàng duy nhất được có Phòng giao dịch đến tất cả các đơn vị hành chính cấp huyện trên cả nước với hơn 10.000 điểm giao dịch bưu điện và bưu cục văn hóa xã. Nhờ đó, LPB khai thác các thị trường tín dụng ngách như tín dụng hưu trí, vay nông nghiệp, lực lượng vũ trang.
Với dư địa lớn về vốn, hệ thống giao dịch, VietinBankSc kỳ vọng vào kế hoạch duy trì lãi suất hấp dẫn đẩy mạnh tín dụng của LienVietPostBank trong vài năm sắp tới là khả thi.
Năm 2017, tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ của Ngân hàng giảm nhẹ so với 2016, xuống 1,07% thấp hơn trung bình ngành là 2,34% (tính đến cuối 9/2017, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước - NHNN). Nếu tính cả trái phiếu VAMC thì tỷ lệ này là 2,73% (so với toàn ngành là 8,61%, số liệu NHNN tính đến 9/2017). Tỷ lệ bao phủ nợ xấu trong năm 2017 đạt 114,5% (năm 2016 đạt 109,3%); chỉ thấp hơn VCB, ACB và cao hơn khá nhiều so với nhưng ngân hàng tư nhân khác như VIB, SHB…
NIM tăng đều qua các năm
Báo cáo cũng ghi nhận, tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) của LienVietPostBank tăng đều qua các năm từ 2,9% (2014) lên 3,6% (2017). Nguyên nhân đến từ chi phí vốn thấp hơn so với những ngân hàng có quy mô tương tự (4,3% so với trung bình 4,5%) và định hướng phát triển mảng bán lẻ.
Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao so với mức trung bình ngành cũng là một nhân tố giúp giảm chi phí vốn, qua đó tăng NIM của LienVietPostBank. Tính đến cuối 2017, ROE và ROA của Ngân hàng đạt lần lượt 15,45% và 0,9%. Đây là kết quả cao nhất của LPB từ năm 2013 đến nay và vượt trên mức trung bình ngành (11,52% và 0,86%).
Một số chỉ tiêu tài chính của LienVietPostBank giai đoạn 2013-2017. (Nguồn: VietinBankSc) |
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/