|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

VietCredit báo lãi quý IV nhờ thu về hơn 400 tỷ từ xử lý nợ xấu

10:28 | 30/01/2024
Chia sẻ
Mặc dù ghi nhận khoản lãi đột biến trong quý IV nhờ xử lý nợ xấu, lợi nhuận cả năm của VietCredit vẫn giảm sâu do hoạt động kinh doanh chính sụt giảm và chi phí dự phòng tăng cao.

Công ty Tài chính Cổ phần Tín Việt (VietCredit - Mã: TIN) đã công bố báo cáo tài chính quý IV/2023 với lợi nhuận sau thuế ở mức 155,3 tỷ đồng. Cùng kỳ năm trước, công ty lỗ 20,3 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận quý cao kỷ lục của công ty tài chính này. 

Tuy nhiên, động lực tăng trưởng lợi nhuận lại không đến từ mảng kinh doanh chính mà nhờ khoản thu bất thường từ xử lý nợ xấu.

Trong bối cảnh ngành tài chính tiêu dùng tiếp tục gặp khó khăn, thu nhập lãi thuần quý IV của VietCredit đã giảm 53,5%, xuống 158,2 tỷ đồng. Những mảng kinh doanh khác như dịch vụ, ngoại hối hay chứng khoán đầu tư cũng ghi nhận kết quả không quá khả quan và đóng góp không đáng kể vào lợi nhuận.

 

Trong khi đó, hoạt động kinh doanh khác lại ghi nhận tăng đột biến mang về hơn 404 tỷ đồng, tăng 804,5% đã giúp tổng thu nhập hoạt động (TOI) của VietCredit vọt lên 548,6 tỷ đồng, tăng 47,7%.

Theo thuyết minh báo cáo tài chính, phần lớn thu nhập đột biến trên đến từ hoạt động xử lý nợ xấu(400 tỷ đồng trong cả năm 2023).

VietCredit thu 400 tỷ đồng từ xử lý nợ xấu.

Ngoài ra, chi phí hoạt động giảm 14,6% đã giúp lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của công ty tăng trưởng tới 112,8% so với cùng kỳ, đạt 386,4 tỷ đồng.

Chi phí dự phòng không thay đổi đáng kể, giúp lợi nhuận trước thuế quý IV của VietCredit đạt 161,8 tỷ đồng, cao nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, do kết quả không khả quan trong hai quý trước đó, lợi nhuận trước thuế cả năm của VietCredit vẫn giảm 66,1%, xuống  còn 25,6 tỷ đồng. 

 

Lãi suất cho vay từ 8 - 57%/năm

Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của VietCredit đã tăng 4,9% so với đầu năm đạt 6.852 tỷ đồng, số dư cho vay khác hàng tăng 4,6%, lên 4.621 tỷ đồng. Cả hai kết quả trên đều cải thiện so với cuối quý III, khi cả tổng tài sản và cho vay khách hàng đều đi xuống.

Theo thuyết minh, công ty đang cho vay với mức lãi suất từ 8% đến 57%/năm, cao hơn so với cuối năm ngoái. VietCredit cũng đã chuyển một phần cơ cấu dư nợ sang cho vay các tổ chức kinh tế, tương đương hơn 1.055 tỷ đồng, hay gần 23% tổng dư nợ, trong bối cảnh cho vay tiêu dùng gặp nhiều khó khăn. Vào cuối năm ngoái, gần như toàn bộ dư nợ của công ty phục vụ đối tương khách hàng cá nhân và đoàn thể. 

Trong khi đó, huy động từ các tổ chức tín dụng khác đã tăng từ 1.274 tỷ đồng lên 2.470 tỷ đồng. Cuối năm 2023, VietCredit đang nhận tiền gửi của các tổ chức tín dụng với lãi suất từ 0,6% đến 6,9%/năm, trong khi vào cuối năm ngoái, lãi suất của các khoản tiền gửi này từ 4,4% đến 9%/năm.

Về lãi vay các tổ chức tín dụng, VietCredit đang huy động với lãi suất từ 6% đến 12,4%/năm, cao hơn so với mức 5,6% đến 9,5%/năm ghi nhận vào cuối năm 2022. Phát hành giấy tờ có giá giảm 23,8%, xuống 2.815 tỷ đồng. Công ty đang phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất từ 4,75% đến 14%/năm. 

 

Sau khi gia tăng trong 4 quý liên tiếp, nợ xấu của của VietCredit đã đạt đỉnh vào cuối quý III. Sang tới quý IV, số dư nợ xấu đã giảm xuống 853 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ nợ xấu 18,47%. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu này vẫn cao hơn đáng kể so với đầu năm 2023. 

Nợ xấu của VietCredit dường như đã đạt đỉnh. 

Hiện VietCredit vẫn còn tài sản gán nợ, chuyển giao chờ xử lý là các tàu biển đã và đang  chờ hoàn thiện. Trong năm 2023, VietCredit đã thanh lý được một tàu biển CFC 3 của CTCP Hương Thủy. Hiện công ty vẫn còn 4 tàu biển khác, với giá trị ghi sổ là 113,5 tỷ đồng, giảm 7 tỷ đồng so với cuối năm 2022 do khấu hao.

Số nhân viên vào cuối năm 2023 của VietCredit là 1.327 người, giảm đáng kể so với 1.736 nhân viên vào cuối năm ngoái. Tuy nhiên, nhờ cắt giảm mạnh số lượng nhân viên, chi phí bình quân cho mỗi nhân viên đã lên mức 21,4 triệu đồng/người/tháng, cao hơn cả một số ngân hàng như SaigonBank hay BVBank.

Minh Quang