Việt Nam trấn áp game trực tuyến bất hợp pháp hoạt động xuyên biên giới
Apple đã loại 9 trong 29 game trực tuyến theo yêu cầu của Chính phủ Việt Nam trong giai đoạn từ tháng 7 tới tháng 12/2018. Ảnh: Reuters
Nikkei Asian Review đưa tin, Báo cáo Minh bạch (Transparency Report) của Apple tiết lộ rằng họ đã loại 9 trong số 29 ứng dụng mà Chính phủ Việt Nam yêu cầu trong khoảng thời gian từ tháng 7 tới tháng 12/2018.
"Các yêu cầu của chính phủ Việt Nam liên quan đến quá trình điều tra ứng dụng ứng dụng cờ bạc trái phép và/hoặc ứng dụng game không có giấy phép", Apple cho hay.
Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam định nghĩa các game trực tuyến bất hợp pháp là game chứa yếu tố bạo lực, cờ bạc và bóp méo lịch sử Việt Nam.
Ngoài ra, các game trực tuyến, bao gồm cả game bên ngoài Việt Nam hoặc xuyên biên giới, đều cần giấy phép và sự chấp thuận của chính phủ Việt Nam trước khi chủ sở hữu chúng phát hành cho khán giả Việt Nam.
Các công ty game nước ngoài có thể hợp tác với doanh nghiệp Vệt Nam và yêu cầu doanh nghiệp đó xin giấy phép cho game của họ.
Một lựa chọn khác của nhà phát hành game là thành lập chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam và tự hoàn thành giấy tờ. Việc không thể xin giấy phép đồng nghĩa với tình trạng game trở thành văn hóa phẩm bất hợp pháp.
Cơ quan chức năng Việt Nam cũng đã cảnh báo các doanh nghiệp địa phương không đóng vai trò trung gian bằng cách thu tiền từ người chơi game trực tuyến trong nước và chuyển tiền cho nhà phát hành game nước ngoài.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh game trong nước lưu trữ dữ liệu về người chơi và cung cấp thông tin người chơi nếu được đề nghị.
Năm 2018, Bộ cho biết cơ quan quản lí đã cấp phép 175 game trực tuyến ở Việt Nam, với 95% game đến từ Trung Quốc.
Theo một báo cáo gần đây của nhà phát hành game Việt Nam Appota, toàn bộ người dùng mạng Việt Nam đã mất trung bình hơn 400.000 giờ/ngày để xem livestream về game.