|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Việt Nam tiếp tục dẫn đầu thế giới về xuất khẩu tiêu với thị phần gần 60%

07:22 | 10/03/2021
Chia sẻ
Lượng tiêu xuất khẩu của Việt Nam đạt hơn 282.000 tấn, gần 60% của cả thế giới. Tuy con số này giảm nhẹ 2% so với năm trước đó do giá tiêu tăng, giá cước tàu tăng và nguyên liệu đã được mua dự trữ trong năm ngoái.

Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết theo số liệu của Tổ chức Hồ tiêu Quốc tế (IPC), xuất khẩu hồ tiêu trên toàn thế giới năm 2020 đạt hơn 459.000 tấn, tăng 2% so với năm 2019. Trong đó, lượng tiêu xuất khẩu của Việt Nam đạt hơn 282.000 tấn, tương đương gần 60% của cả thế giới. 

Việt Nam tiếp tục dẫn đầu thế giới về xuất khẩu tiêu với thị phần gần 60% - Ảnh 1.

Xuất khẩu của các quốc gia sản xuất (Đơn vị tấn). (Nguồn: IPC)

Tuy nhiên, lượng tiêu xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2020 giảm nhẹ 2% so với năm trước đó. Theo IPC, xuất khẩu từ Việt Nam giảm nhẹ 4.500 tấn. Một số nguyên nhân có thể do giá tiêu tăng, giá cước tàu tăng và nguyên liệu đã được mua dự trữ trong năm ngoái. 

Ngành vận tải tàu biển đang đối mặt với khó khăn không thể lường trước được là kẹt cảng và hoãn chuyến nghiêm trọng diễn ra trên phạm vi toàn cầu. 

Tình trạng này đã làm gia tăng sự thiếu hụt tàu, buộc các hãng tàu bỏ chuyến từ Trung Quốc đúng thời điểm mà các những chuyến này thể mang về doanh thu khủng. 

Các cảng tại Los Angeles, Long Beach và Oakland của Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi Mỹ nhận lượng nhập khẩu lớn chưa từng có ngay tại thời điểm công nhân và các tài xế xe tải ở cảng bị cắt giảm vì COVID-19

Hơn 1.000 công nhân cảng tại California có kết quả dương tính với COVID-19 vào đầu tháng 2, tăng từ 694 trường hợp vào tháng 1. Thời gian neo tại cảng LA/LB hiện tại là hơn 1 tuần. 

Brazil đứng thứ hai với khoảng cách khá xa so với Việt Nam khi lượng xuất khẩu đạt 89.756 tấn, tăng 6% so với năm 2019.

Ấn Độ là quốc gia có mức tăng trưởng lớn nhất trong top 7 các nước xuất khẩu tiêu lớn nhất thế giới, đạt gần 16.000 tấn, tăng 38% so với năm 2019. 

IPC nhận định trước sự bùng phát của đại dịch COVID-19, thị trường hồ tiêu toàn cầu cũng phải được tái thiết lập. Nhu cầu được dự báo không sụt giảm nghiêm trọng. Mặc khác, nguồn cung tăng bị chậm lại dẫn đến giá tăng gần 20% trong nửa cuối năm 2020. 

“Mặc dù các ngành như du lịch, dịch vụ ăn uống và nhà hàng đang chững lại nhưng nhu cầu vẫn tốt. Nhu cầu dự kiến không tăng và gần như không thay đổi trong năm 2020”, IPC cho biết. 

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo thời gian tới, giá hạt tiêu tăng. Lượng hàng tồn kho của Việt Nam từ vụ trước không còn nhiều và sản lượng hạt tiêu năm 2021 dự kiến thấp hơn năm 2020. Tại Việt Nam, hầu hết các vùng trồng hạt tiêu lớn đều giảm diện tích do giá thấp.

H.Mĩ