|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Việt Nam lọt vào tầm ngắm của startup cho thuê xe lớn nhất Ấn Độ

07:41 | 01/09/2021
Chia sẻ
Zoomcar kỳ vọng Đông Nam Á sẽ sớm đóng góp 40% tỷ trọng doanh thu cho startup đang chuẩn bị IPO ở Mỹ này.

Với định giá gần 2 tỷ USD, Zoomcar tự tin nhận mình là cái tên dẫn đầu mảng cho thuê xe ở Ấn Độ. Hiện tại, Zoomcar đang hướng đến thị trường Đông Nam Á. Startup này đang lên kế hoạch đầu tư 100 triệu USD trong 2 đến 3 năm sau vào khu vực này. Bên cạnh đó, Zoomcar nói rằng con số nói trên có thể tăng lên đáng kể khi nó tăng cường sự hiện diện ở Đông Nam Á.

Việt Nam lọt vào tầm ngắm của startup cho thuê xe hơi lớn nhất Ấn Độ - Ảnh 1.

Ông Greg Moran, người đồng sáng lập và CEO Zoomcar. (Ảnh: Zoomcar).

Zoomcar kỳ vọng có thể kêu gọi được nguồn vốn cho kế hoạch mở rộng thông qua đợt IPO sẽ được thực hiện ở Mỹ trong vòng 12 tháng tới, theo Tech in Asia. Ông Greg Moran, người đồng sáng lập và CEO của Zoomcar, cho biết đang cân nhắc việc niêm yết trực tiếp thông qua sáp nhập với một công ty thâu tóm, sáp nhập chuyên dụng (SPAC).

Đầu tháng này, Zoomcar công bố sẽ tiến vào Đông Nam Á với các thị trường tiêu biểu như Indonesia, Việt Nam và Philippines, trong khi đó cũng mở một số cửa hàng ở Ai Cập.

Zoomcar cũng muốn tăng số lượng nhân sự ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, hiện tại, startup này mới chỉ có một đội ngũ nhỏ khoảng từ 10 đến 15 người tại mỗi thị trường Đông Nam Á đã hoạt động, bao gồm cả giám đốc quốc gia.

Ban đầu, Zoomcar sẽ chỉ triển khai dịch vụ cốt lõi là cho thuê xe ở Đông Nam Á. Các dịch vụ khác như Zoomcar Mobility Services, một bộ phần mềm giải pháp di chuyển cho doanh nghiệp, sẽ có mặt sau đó.

Zoomcar kỳ vọng Đông Nam Á sẽ đóng góp tới 40% doanh thu trong năm tài chính tiếp theo, tương đương khoảng 80 triệu USD.

Zoomcar tin rằng mình không có đối thủ trực tiếp tại Đông Nam Á với mô hình C2C. Dù vậy, Tech in Asia nhận định Đông Nam Á thực tế cũng có một số công ty cung các các dịch vụ có thể so sánh với công ty này.

Nền tảng chia sẻ xe Malaysia Moovby là một ví dụ. Nền tảng chia sẻ ngang hàng này hiện có hơn 200.000 người dùng đăng ký và 10.000 xe đăng ký. Hồi tháng 7, Moovby ghi nhận 3.000 lệnh đăng ký theo tháng, mức sử dụng dịch vụ mà startup cho biết là tương đương với mức trước giai đoạn COVID-19.

Một số công ty tương tự ở Indonesia là Trevo và Share Car. Tất cả đều đang cạnh tranh ở mảng cho thuê xe với quy mô được dự đoán đạt 393 triệu USD trong năm nay và tăng lên 788 triệu USD trong năm 2025, theo Statista.

Ở Singapore, nhiều startup cũng hoạt động trong lĩnh vực cho chia sẻ xe cũ và mới như Drive Lah, Tribecar, và GetGo. Ra mắt vào cuối tháng 8, Carzuno tự nhận mình là nền tảng đăng ký thuê xe đầu tiên ở Singapore. Carzuno cũng tham vọng mở rộng ra Đông Nam Á trong tương lai gần.

Dù cạnh tranh tăng lên, ông Moran của Carzoom tin rằng lợi thế của startup này nằm ở kinh nghiệm 8 năm vận hành và là sự kết hợp của công nghệ, dữ liệu và nền tảng vốn mạnh mẽ.

"Ông vua" thuê xe Ấn Độ

Việt Nam lọt vào tầm ngắm của startup cho thuê xe hơi lớn nhất Ấn Độ - Ảnh 2.

Tình hình tài chính của Zoomcar trong hai năm tài chính gần nhất. (Nguồn: Zoomcar, Đồ hoạ: Thái Sơn).

Phần lớn sự lạc quan của Carzoom đến từ thành công của nó ở Ấn Độ. Carzoom dự phóng sẽ có lãi trên cơ sở EBITDA cho tới cuối năm tài chính này. Zoomcar hiện đang có khoảng 85% thị phần ở Ấn Độ và được dự đoán sẽ tiếp tục tăng lên trong vài quý tới.

Startup này cũng đang ghi nhận doanh thu tăng trưởng 30% mỗi tháng và có thể sẽ chạm mốc 100 triệu USD doanh thu vào quý đầu của năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2022, tăng trưởng 2,5 lần so với doanh thu năm tài chính 2020.

"Hơn thế nữa, chúng tôi giảm việc 'đốt tiền' tới 75% trong đại dịch", ông Moran nói thêm. Đây là tin tốt lành với Zoomcar vì startup này đã lỗ tại Ấn Độ trong nhiều năm.

Trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2020, lỗ ròng của Zoomcar ở Ấn Độ tăng gấp đôi lên mốc hơn 57 triệu USD từ 27 triệu USD của năm liền trước, theo hồ sơ điều hành. Các lệnh phong toả vì COVID-19 cũng đang đè nặng áp lực lên Zoomcar. Startup này cũng đối mặt với nhiều khiếu nại từ các khách hàng và nhà thầu liên quan đến chậm thanh toán.

Theo một báo cáo của The Hindu, Zoomcar nợ một nhà thầu có tên DriveU số tiền hơn 67.000 USD. DriveU đã dừng hợp tác với Zoomcar vào tháng 1/2020 và đệ đơn kiện.

Chia sẻ với Tech in Asia, ông Moran nói rằng ông nắm được các vấn đề liên quan đến nhà thầu song ông nói rằng tranh chấp vẫn xảy ra trong kinh doanh. Tuy nhiên, điều này không liên quan đến sức khoẻ tài chính của công ty. Ông nhấn mạnh rằng vì Zoomcar hợp tác với hàng nghìn nhà thầu, các tranh chấp tương tự cũng có thể xảy ra trong tương lại.

Bất chấp khó khăn, Zoomcar là một startup khá trường vốn. Đến thời điểm hiện tại, Zoomcar đã kêu gọi được tổng cộng hơn 134 triệu USD.

Nam Khánh