|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Việt Nam đang dần thay thế Trung Quốc về xuất khẩu các mặt hàng chủ chốt vào Mỹ?

03:00 | 24/11/2019
Chia sẻ
Trong 9 tháng 2019, lượng hàng hóa mà Mỹ nhập khẩu từ Việt Nam đã tăng 34,8%, trong khi nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc giảm 13,4% so với cùng kì.
avatar_1574500063827

Ảnh: CNBC

Không ai kỳ vọng Việt Nam có thể soán ngôi Trung Quốc như là nhà xuất khẩu số 1 thế giới, nhưng Việt Nam dường như đang thay thế Trung Quốc trong một số hoạt động kinh doanh với Mỹ.

CNBC trích dẫn số liệu từ IHS Markit cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2019, lượng hàng hóa mà Mỹ nhập khẩu từ Việt Nam đã tăng 34,8%, so với mức tăng 5,8% trong cả năm 2018. Trong khi đó, lượng hàng hóa mà Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc đã giảm 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Michael Ryan, phó giám đốc phụ trách dịch vụ công nghiệp cạnh tranh của IHS Markit nhận định, các hàng rào thuế quan chính là nguyên nhân lớn khiến Mỹ nhập ít hàng hóa từ Trung Quốc hơn. 

Ông Michael Ryan cũng nói thêm rằng, máy tính, thiết bị điện thoại và các loại máy móc là những nhóm hàng xuất khẩu từ Việt Nam vào Mỹ có mức tăng trưởng nhanh nhất. Và đó cũng từng là những mặt hàng nhập khẩu hàng đầu của Mỹ từ Trung Quốc, Mông Cổ và Đài Loan trong năm 2018. 

Điều này cho thấy xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ về các mặt hàng kể trên có thể đã bù đắp được sự sụt giảm về dòng chảy hàng hóa giữa Trung Quốc và Mỹ.

Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn đang phải đối diện với một số thách thức. Theo ông Ryan, Mỹ vẫn chưa đầu tư mạnh vào Việt Nam. Hiện giá trị đầu tư của Mỹ vào Việt Nam chỉ chiếm 2,7% tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mà Việt Nam nhận được.

Việt Nam đang dần thay thế Trung Quốc về xuất khẩu các mặt hàng chủ chốt vào Mỹ? - Ảnh 2.

9 tháng đầu năm, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ tăng 34,8%. Ảnh: baodautu.vn

Một trong những nguyên nhân là do Mỹ không có FTA với Việt Nam và Asean. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là “một trong số nhiều nhân tố ảnh hưởng tới tốc độ và sự đa dạng hóa của chuỗi cung ứng” vào Việt Nam, ông Ryan đánh giá.

Việt Nam hiện đang thiếu hụt nguồn lao động trình độ cao, do đó chưa thể đáp ứng được làn sóng chuyển dịch khi các công ty đa quốc gia tìm cách đặt chuỗi cung ứng của họ bên ngoài Trung Quốc.

“Nói một cách đơn giản là nhu cầu vượt quá khả năng cung ứng”, ông Ryan nhận định. Đồng thời, cơ sở hạ tầng quá tải khiến thời gian vận chuyển hàng hóa lâu hơn so với các nước khác

“Những yếu tố này sẽ làm trì hoãn quyết định rút khỏi Trung Quốc của một số công ty nước ngoài”, ông Ryan nhận định.

Hà Linh