|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Việt Nam cùng 2 nhà cung cấp tôm lớn nhất cho Mỹ chạy nước rút cuối năm

17:17 | 22/09/2021
Chia sẻ
Trong khi Ấn Độ, Ecuador đều có chiến lược gia tăng thị phần xuất khẩu tôm ở thị trường Mỹ thì Việt Nam lại phải đối mặt về chi phí logistics, thiếu container. Do đó, doanh nghiệp xuất khẩu tôm cần sớm ổn định sản xuất và chạy nước rút cho nhu cầu cuối năm.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), tháng 7 nhập khẩu tôm của Mỹ đạt 76 nghìn tấn, tăng 12% so với tháng 7/2020.

Lũy kế 7 tháng đầu năm nay, nhập khẩu tôm của Mỹ đạt 478,5 nghìn tấn, trong đó nhập khẩu từ Ấn Độ và Ecuador đều tăng 25% và nhập khẩu từ Việt Nam tăng gần 40% so với cùng kỳ năm 2020.

Dù xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Mỹ có tăng trưởng tích cực song thị phần tôm của Việt Nam vẫn còn hạn chế, chỉ chiếm 9%. Trong khi, thị phần của Ấn Độ chiếm 36%, Ecuador chiến 22% trong tổng khối lượng nhập khẩu tôm của Mỹ.

7 tháng đầu năm nay, tôm thịt đông lạnh là sản phẩm tôm chính nhập khẩu vào Mỹ, chiếm 37% tổng khối lượng nhập khẩu tôm của Mỹ, tăng 16% về lượng và 14% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, Ấn Độ là nhà cung cấp lớn nhất sản phẩm này, tăng 16% về lượng và 14% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Ecuador đứng thứ 3 tăng 75% về lượng và 95% về giá trị. Sau đó đến Việt Nam với vị trí thứ 4, tăng 7% về lượng giảm 9% về giá trị.

Hiện nay, xuất khẩu tôm của Ecuador sang Trung Quốc gặp trở ngại từ tháng 7/2020 do Trung Quốc đình chỉ nhập khẩu từ một số công ty chế biến tôm lớn của Ecuador và luôn duy trì các biện pháp kiểm tra vệ sinh nghiêm ngặt để phòng chống COVID-19.

Ấn Độ cũng gặp phải một số trở ngại khi các container từ Ấn Độ bị từ chối tại biên giới Trung Quốc. 

3 nhà cung cấp tôm cho Mỹ cạnh tranh chạy nước rút  cuối năm - Ảnh 1.

Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc gặp trở ngại, Ấn Độ, Ecuador tập trung sang thị trường Mỹ (Ảnh: Fimex)

Do vậy, hai nguồn cung này tập trung nhiều cho thị trường Mỹ. Do đó, nhập khẩu tôm vào Mỹ từ hai nguồn cung này sẽ còn tiếp tục tăng trong các tháng cuối năm.

Ecuador với lợi thế vị trí địa lý gần với Mỹ, vận chuyển dễ dàng và đang nỗ lực nâng cao trình độ chế biến. Ecuador trỗi dậy tập trung cho thị trường này.

Trước đây, Ecuador chỉ bán tôm nguyên con vì không có lao động chế biến, nay Ecuador tăng cường nhập lao động nữ từ các nước lân cận để nâng cao trình độ chế biến.

Giữa tháng 9, Ấn Độ đang tăng thả nuôi trở lại khi giá tôm nguyên liệu tăng và số ca nhiễm COVID-19 có dấu hiệu giảm.

Cả hai nguồn cung này đều có chiến lược bài bản để gia tăng thị phần trên thị trường Mỹ. Trong khi, Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức về logistics, giá container tăng liên tục, thiếu container và thời gian vận chuyển dài hơn.

Tuy nhiên, Ecuador chỉ giỏi về chế biến tôm bóc vỏ trong khi Việt Nam có lợi thế hơn về chế biến sản phẩm giá trị gia tăng, tôm hấp, bóc vỏ rút chỉ lưng phục vụ phân khúc bán lẻ.

Nhu cầu nhập khẩu tôm từ thị trường Mỹ từ nay đến cuối năm vẫn rất lớn để đáp ứng nhu cầu nội địa phục vụ các dịp lễ cuối năm.

Tồn kho đang thấp, các nhà nhập khẩu Mỹ đang cạnh tranh mua vào để đảm bảo nguồn cung sản phẩm. Các nhà bán lẻ cũng đang cố gắng đảm bảo nguồn cung trên thị trường Mỹ đến quý I/2022.

VASEP nhận định để bù lại những gián đoạn trong sản xuất do giãn cách xã hội, ngành tôm cần khẩn trương ổn định lại sản xuất.

Trước tiên, doanh nghiệp rất cần tiêm đầy đủ vắc xin cho toàn bộ công nhân, giao thông đi lại trong nước được thông suốt và các chính sách hỗ trợ giảm chi phí đầu vào cụ thể như điện, lãi suất ngân hàng, bảo hiểm xã hội, phí công đoàn.

Hoàng Anh