Việt Nam có thêm 7 công ty vốn hóa tỷ đô trong 6 tháng qua
Tính đến hết phiên 2/7, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận 45 doanh nghiệp có vốn hóa từ 23.000 tỷ đồng (1 tỷ USD) trở lên. Nhỏ nhất là Nhà Khang Điền (Mã: KDH) với giá trị 23.424 tỷ và lớn nhất là Vietcombank (Mã: VCB) với hơn 426.000 tỷ.
Tổng vốn hóa của 45 doanh nghiệp top đầu đạt gần 5,1 triệu tỷ đồng, chiếm 73% tổng giá trị cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Tại ngày 31/12/2020, các con số tương ứng là 38 doanh nghiệp, 3,76 triệu tỷ đồng và 70%.
Masan High-Tech Materials (Mã: MSR) là doanh nghiệp duy nhất rời khỏi nhóm vốn hóa tỷ đô nhưng giá trị niêm yết cũng không giảm nhiều, từ 23.890 tỷ còn 22.640 tỷ. Chỉ cần một vài phiên tăng, MSR sẽ có thể quay lại câu lạc bộ.
Mặt khác, 8 doanh nghiệp mới góp mặt bao gồm: LienVietPostBank (Mã: LPB), Chứng khoán SSI (Mã: SSI), Bất động sản Phát Đạt (Mã: PDR), Nhà Khang Điền (Mã: KDH), Ngân hàng Hàng Hải (Mã: MSB), Ngân hàng Phương Đông (Mã: OCB), SeABank (Mã: SSB) và Vinalines (Mã: MVN).
Có thể thấy, 4/8 cái tên mới đến từ ngành ngân hàng. Trong số 45 doanh nghiệp vốn hóa tỷ đô hiện nay, nhóm ngân hàng góp mặt đông đảo nhất với 17 thành viên. Cổ phiếu của các nhà băng tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa đầu năm nay đã có công lớn trong việc đẩy VN-Index và VN30-Index lên các đỉnh cao mới.
Nhân tố hỗ trợ mạnh nhất cho chỉ số phải kể đến VPB của VPBank, TCB của Techcombank, CTG của VietinBank, ...
Nhóm bất động sản cũng có tới 8 đại diện bao gồm ba công ty họ Vingroup (VIC, VHM, VRE), NVL, THD, BCM, PDR và KDH.
Nhóm chứng khoán và bán lẻ đều có một đại diện duy nhất, lần lượt là SSI và MWG (Thế Giới Di Động).
Ba cổ phiếu trong ngành hàng không là ACV, HVN (Vietnam Airlines) và VJC (Vietjet) đều ghi nhận vốn hóa giảm nhưng vẫn ở trong nhóm tỷ đô.
Một số cổ phiếu khác cũng có vốn hóa sụt giảm là VNM của Vinamilk, SAB của Sabeco, VGI của Đầu tư Quốc tế Viettel, ...
Ngành dầu khí vẫn có hai đại diện là PLX (Petrolimex) và BSR (Lọc hóa dầu Bình Sơn). Trong bối cảnh giá xăng dầu Việt Nam và thế giới hồi phục sau đại dịch, kết quả kinh doanh của BSR tăng trưởng mạnh mẽ.
Lợi nhuận của riêng quý I đã đạt gần 1.850 tỷ đồng, gấp hơn hai lần kế hoạch cả năm 2021 và trái ngược với số lỗ gần 2.900 tỷ của cả năm ngoái.
Doanh thu 6 tháng ước đạt 49.483 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận nửa đầu năm khoảng 3.000 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 5.451 tỷ.
Vốn hóa của BSR hiện nay cao hơn 34.000 tỷ so với đầu năm, giá cổ phiếu cũng tăng tới 111% tuy nhiên vẫn chưa quay lại được mức giá ngày đầu tiên lên sàn sau IPO năm 2018.
HPG của Tập đoàn Hòa Phát ghi nhận vốn hóa tăng gần 97.000 tỷ để leo lên top 4 thị trường trong bối cảnh kết quả kinh doanh khả quan cũng như phương án chia cổ tức khủng lên tới 40%.