NĐT cá nhân rót thêm hơn 2.600 tỷ đồng vào thị trường tuần này, tập trung VPB sau tin cổ tức khủng
VN-Index tiếp diễn xu hướng tăng, NĐT cá nhân là bên mua ròng duy nhất
Sau một tuần giao dịch thăng hoa với 4 phiên tăng điểm so với 1 phiên giảm, VN-Index tăng 3,19 điểm (0,23%) lên 1.420,27 điểm, HNX-Index tăng 0,7% lên 328,01 điểm, UPCoM-Index tăng 0,22% lên 90,64 điểm.
Dòng tiền tự tin đổ vào thị trường sau khi VN-Index thành công vượt qua vùng đỉnh cũ. Thanh khoản trung bình một phiên trên sàn HOSE đạt 23.069 tỷ đồng (gần 1 tỷ USD), tăng mạnh 12,56% so với tuần trước đó.
Đánh giá theo nhóm nhà đầu tư, các tổ chức trong nước, tự doanh và khối ngoại đều gia tăng chốt lời khi VN-Index đã liên tiếp vượt đỉnh cũ. Cụ thể, các tổ chức trong nước và tự doanh đều tăng mạnh áp lực bán ròng trong phiên, lần lượt đạt 1.704 tỷ đồng và 373 tỷ đồng. Tuy giảm mạnh hơn 27% lực bán, khối ngoại cũng rút ròng 657 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh.
Bất chấp áp lực chốt lời, lực mua của NĐT cá nhân tiếp tục tăng mạnh 88% so với tuần trước. Theo thống kê qua kênh khớp lệnh, các cá nhân trong nước mua ròng 2.735 tỷ đồng. Đây cũng là nhóm mua ròng duy nhất với lực cầu khủng, tiếp tục khẳng định vai trò động lực cho sự thăng hoa của chỉ số.
NĐT cá nhân chủ yếu mua ròng cổ phiếu ngân hàng. Với giá trị mua ròng áp đảo 2.645 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh, tăng 5,4 lần so với tuần trước, ngân hàng trở thành nhóm được mua nhiều nhất, ảnh hưởng tích cực đến chỉ số. Theo sau ngân hàng, lực mua tại nhóm tài nguyên cơ bản (thép) cũng tăng 28,7% đạt 607 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, dòng tiền mua tuần trước đảo chiều tại nhóm thực phẩm và đồ uống với 417 tỷ đồng bán ròng. Đây là nhóm bị "xả" nhiều nhất tuần qua. Theo sau, cổ phiếu bất động sản cũng bất ngờ bị chốt lãi sau tuần mua ròng. Theo ghi nhận, NĐT cá nhân rút ròng 211 tỷ đồng ở nhóm này.
Chiều mua áp đảo với giá trị khớp lệnh khủng VPB
VPB của VPBank dẫn dắt sự trở lại của nhóm ngân hàng với giá trị mua ròng áp đảo 1.896 tỷ đồng, tăng hơn 6 lần so với tuần trước. Dòng tiền tìm đến VPB tăng mạnh sau thông tin ngân hàng này sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ khủng 80%, ngày đăng ký cuối cùng là 13/7 tới đây. Sau thông tin trên, giá cổ phiếu VPB tăng mạnh 5,72%, hiện đang giao dịch ở mức 72.100 đồng/cp.
Cổ phiếu HPG của Hòa Phát vẫn được các cá nhân trong nước lựa chọn mua ròng với giá trị 640,3 tỷ đồng. So với tuần trước, lực mua vào cổ phiếu này cũng tăng mạnh hơn 50%. Diễn biến giá cổ phiếu trong tuần khá giằng co. HPG đóng cửa ở 52.300 đồng, tăng nhẹ 3,16% so với đầu tuần.
Theo sau HPG, danh mục mua ròng của NĐT tiếp tục có sự góp mặt của các đại diện ngành ngân hàng. CTG (615,7 tỷ đồng), MSB (274,8 tỷ đồng), TCB (219,9 tỷ đồng) và STB (197,2 tỷ đồng) lần lượt được NĐT chọn mặt gửi vàng.
Lực mua của các cá nhân cũng phân bổ tại một số cổ phiếu gồm DPM (81,2 tỷ đồng), GEX (72,7 tỷ đồng). Ngoài ra, hai ông lớn của ngành bất động sản là NVL (321 tỷ đồng) và VIC (144,9 tỷ đồng) cũng được mua ròng nhẹ.
Ngược lại, VHM (538,8 tỷ đồng), KDH (104,8 tỷ đồng), DXG (65,4 tỷ đồng) lại đóng vai trò kéo cán cân giao dịch tại nhóm cổ phiếu bất động sản về chiều bán ròng. Mặc dù vậy, VHM lại liên tục được khối ngoại mua ròng với giá trị lớn. Đây cũng là cổ phiếu đóng góp mạnh nhất trong tuần VN-Index tiếp tục vượt đỉnh với 5,27 điểm ảnh hưởng.
Ông lớn ngành ngân hàng VCB cũng tiếp tục bị NĐT cá nhân chốt lời mạnh tại vùng đỉnh. Thống kê giá trị bán ròng cổ phiếu VCB trong tuần đạt 433,1 tỷ đồng. Lực xả này được khối ngoại tích cực hấp thụ, giúp giá cổ phiếu VCB tăng nhẹ 2,04% so với cuối tuần trước. SSB, HDB và BID là những mã ngân hàng ghi nhận lực xả nhẹ hơn, lần lượt là 146,4 tỷ đồng, 105,7 tỷ đồng và 73,1 tỷ đồng.
Cùng chiều, dòng tiền nội rút mạnh khỏi VNM và MSN đóng góp tới 95,9% giá trị bán ròng toàn ngành thực phẩm & đồ uống. Cụ thể, VNM ghi nhận giá trị rút ròng 212,2 tỷ đồng, theo sau là MSN với 188,3 tỷ đồng. Theo sau, các cá nhân trong nước cũng bán ròng GAS (121,4 tỷ đồng).