|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Vốn hóa thị trường chứng khoán tăng 1,5 triệu tỷ đồng trong nửa năm, có công ty thêm 5 tỷ USD

18:08 | 01/07/2021
Chia sẻ
Giá trị niêm yết của riêng sàn HOSE đã tăng hơn 1,2 triệu tỷ trong 6 tháng đầu 2021, sàn HNX thêm 156.000 tỷ và thị trường UPCoM tăng khoảng 133.000 tỷ.

Trong 6 tháng đầu năm nay, chỉ số VN-Index tăng gần 28%, HNX-Index nhảy vọt 59% và UPCoM-Index thêm 21%. Vốn hóa của thị trường chứng khoán cũng đi lên tương ứng.

Theo thống kê của Shứng khoán SSI, tổng giá trị niêm yết tại HOSE vào cuối ngày 30/6/2021 là gần 5.314 nghìn tỷ đồng, của HNX và UPCoM lần lượt là 404 nghìn tỷ và 1.138 nghìn tỷ.

So với ngày cuối năm 2020, quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng thêm khoảng 1,5 triệu tỷ đồng, tương đương thêm khoảng 65 tỷ USD. Phần lớn giá trị tăng thêm đến từ HOSE, đa số các cổ phiếu vốn hóa lớn cũng tập trung ở sàn TP HCM.

Cụ thể, tại ngày 30/6, Việt Nam có 45 mã cổ phiếu với vốn hóa trên 1 tỷ USD (hơn 23.000 tỷ đồng). Trong số này chỉ có hai mã niêm yết ở HNX, 6 mã giao dịch ở UPCoM, còn lại tới 37 mã niêm yết ở HOSE.  Top 10 giá trị niêm yết toàn thị trường đều là những cổ phiếu ở HOSE.

Vốn hóa thị trường chứng khoán tăng 1,5 triệu tỷ đồng trong nửa năm, có công ty thêm 5 tỷ USD - Ảnh 1.

Cổ phiếu có vốn hóa tăng mạnh nhất trong 6 tháng qua là NVL của CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland), từ 65.000 tỷ lên 178.000 tỷ, tức là thêm khoảng 5 tỷ USD.

Ngày 10/6 vừa qua, Novaland đã phát hành 386 triệu cổ phiếu NVL để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu, nâng tổng số cổ phần có quyền lưu hành lên 1,47 tỷ đơn vị.

Vốn hóa thị trường chứng khoán tăng 1,5 triệu tỷ đồng trong nửa năm, có công ty thêm 5 tỷ USD - Ảnh 2.

Những mã cổ phiếu có vốn hóa tăng thêm hơn 1 tỷ USD trogn 6 tháng đầu 2021. Vốn hóa của SSB tính từ ngày lên sàn 24/3.

Một cái tên khác cũng ghi nhận vốn hóa tăng mạnh cùng với việc gia tăng số lượng cổ phiếu là HPG của Tập đoàn Hòa Phát. Trong tháng 6, Hòa Phát đã phát hành 1,16 tỷ cổ phiếu HPG để trả cổ tức năm 2020 theo tỷ lệ 35%, nâng vốn điều lệ lên 44.729 tỷ đồng - cao nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Vốn hóa HPG tại ngày 30/6 là hơn 230.000 tỷ đồng (10 tỷ USD), tăng 93.000 tỷ so với 6 tháng trước.

Nhóm ngân hàng có giá trị niêm yết tăng trưởng mạnh mẽ nhất và góp mặt đông đảo nhất với hàng loạt cái tên như VPB của VPBank, TCB của Techcombank, VCB của Vietcombank, CTG của VietinBank, MBB của Ngân hàng Quân Đội, ...

Cổ phiếu SSB của SeABank đến cuối tháng 3 mới lên sàn nhưng cũng gia tăng vốn hóa tới hơn 29.000 tỷ đồng. 

Trong 26 mã ngân hàng trên thị trường chứng khoán vào ngày cuối tháng 6 có tới 25 mã tăng giá so với đầu năm, BID của BIDV là cổ phiếu duy nhất đi xuống.

Hai cổ phiếu lớn nhất sàn HNX là SHB của Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội và THD của Thaiholdings ghi nhận giá trị niêm yết thêm lần lượt 25.400 và 32.200 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, cũng có không ít cổ phiếu làm nhà đầu tư mất tiền và kéo giảm vốn hóa thị trường chung như VNM của Vinamilk, SAB của Sabeco, ACV của Tổng Công ty Cảng Hàng không, ...

Vốn hóa thị trường chứng khoán tăng 1,5 triệu tỷ đồng trong nửa năm, có công ty thêm 5 tỷ USD - Ảnh 4.

Nhìn chung, nhóm vốn hóa lớn tăng trưởng mạnh mẽ đã kéo chỉ số thị trường đi lên. Tuy nhiên nhiều cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ lại diễn biến tiêu cực. Số mã tăng ít hơn số mã giảm, số cổ phiếu đánh bại thị trường lại càng ít.

Song Ngọc - Đức Quyền

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng khẳng định sẽ không buông bỏ VinFast và tiếp tục hỗ trợ 1 tỷ USD
Theo quan điểm của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, VinFast là dự án làm vì trách nhiệm xã hội, muốn đóng góp cho đất nước một thương hiệu, top đầu về xe trên thế giới.