|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

VN-Index vượt 1.400 điểm nhưng vẫn có hàng trăm mã cổ phiếu làm nhà đầu tư mất tiền

14:37 | 30/06/2021
Chia sẻ
Một số ít mã cổ phiếu vốn hóa lớn tăng mạnh đã kéo VN-Index liên tiếp lên các đỉnh cao mới nhưng cũng còn rất nhiều cái tên tụt lại phía sau. Nếu không cẩn thận lựa chọn, nhà đầu tư khó bảo toàn được vốn.
VN-Index liên tục phá đỉnh, vẫn có hàng trăm mã cổ phiếu làm nhà đầu tư mất tiền - Ảnh 1.

Cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines là một trong những mã vốn hóa lớn giảm mạnh nhất thị trường ba tháng gần đây. (Ảnh minh họa: Song Ngọc).

Trong ba tháng qua, VN-Index đã lần lượt lấy lại đỉnh cũ 1.204 điểm, vượt mốc 1.300 điểm, rồi băng qua 1.400 điểm. Tính từ 29/3 đến hết ngày 29/6, VN-Index đã tăng 20% và là một trong những chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất thế giới.

Tuy vậy, nhà đầu tư cũng phải nghiên cứu chọn cho đúng mã cổ phiếu, bằng không sẽ chỉ nhận về kết quả thua kém thị trường chung hay thậm chí là tán gia bại sản.

Thống kê 385 mã đang niêm yết ở HOSE cho thấy chỉ có 91 mã (chiếm 23,6%) có tỷ suất sinh lợi trên 20% trong ba tháng gần đây, còn lại 294 mã tụt lại phía sau. Đáng chú ý, trong số những mã thua kém thị trường còn có tới 188 mã (chiếm 49% tổng số mã niêm yết) gây thua lỗ cho nhà đầu tư.

VN-Index liên tục phá đỉnh, vẫn có hàng trăm mã cổ phiếu làm nhà đầu tư mất tiền - Ảnh 2.

VN-Index lên đỉnh mới nhưng số mã giảm nhiều hơn số mã tăng.

Cổ phiếu giảm mạnh nhất HOSE trong ba tháng qua là YEG của tập đoàn truyền thông Yeah1, lao dốc 46%.

Ngày 26/6/2018, tức khoảng ba năm trước, Yeah1 đưa YEG lên sàn niêm yết với giá tham chiếu 250.000 đồng/cp. Kết phiên giao dịch đầu tiên, YEG tăng kịch trần lên 300.000 đồng/cp, là mã có giá cao nhất toàn thị trường khi đó.

Hiện nay, giá YEG chỉ còn khoảng 20.000 đồng/cp, tương ứng vốn hóa 650 tỷ đồng.

Nếu chỉ xét các cổ phiếu vốn hóa trên 30.000 tỷ đồng thì có 13 mã thua kém thị trường chung. Cổ phiếu VCB của đại gia ngân hàng Vietcombank tăng 19,62% trong ba tháng qua, suýt soát tốc độ đi lên của VN-Index. Theo sau là MWG của Thế Giới Di Động và BID của ngân hàng BIDV với mức tăng lần lượt 13% và 10,2%.

Ba mã cổ phiếu lớn tăng dưới 10% là VIC của Vingroup, GAS của PV Gas và PLX của Petrolimex.

Có 7 mã vốn hóa lớn giảm giá, đi xuống mạnh nhất là hai cổ phiếu hàng không: HVN của Vietnam Airlines và VJC của Vietjet, phản ánh tình cảnh khó khăn của ngành hàng không – du lịch trong đại dịch. Cổ phiếu VNM của Vinamilk cũng giảm tới 8% trong giai đoạn 29/3 – 29/6.

VN-Index liên tục phá đỉnh, vẫn có hàng trăm mã cổ phiếu làm nhà đầu tư mất tiền - Ảnh 3.

Tuy số lượng mã đánh bại thị trường nhỏ hơn nhiều so với số mã thua kém VN-Index (91 < 294) nhưng vốn hóa hai nhóm lại tương đương nhau, cùng vào khoảng 2,6 triệu tỷ đồng.

Trong khi nhóm thua kém thị trường chỉ có 13 mã vốn hóa lớn trên 30.000 tỷ đồng thì ở phía bên kia có tới 22 mã. 

Cổ phiếu lớn tăng mạnh nhất là NVL của Novaland. Nhà đầu tư rót 1 tỷ đồng vào NVL ngày 29/3 thì đến ngày 29/6 đã có hơn 2 tỷ đồng.

LPB của LienVietPostBank cũng nhảy vọt tới 86%. Trong 22 mã vốn hóa lớn tăng mạnh nhất HOSE có tới 14 mã ngân hàng, cho thấy đóng góp vượt trội của nhóm này tới đà tăng chung của thị trường.

VN-Index liên tục phá đỉnh, vẫn có hàng trăm mã cổ phiếu làm nhà đầu tư mất tiền - Ảnh 5.

Song Ngọc