|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Nhiều cổ phiếu ngân hàng tăng vọt trong 6 tháng đầu năm dù bị khối ngoại xả nghìn tỷ

09:47 | 28/06/2021
Chia sẻ
CTG, MBB, VPB là những cổ phiếu ngân hàng bị nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh nhưng vẫn tăng vượt trội so với thị trường chung.
Nhiều cổ phiếu ngân hàng tăng vọt trong 6 tháng đầu năm dù bị khối ngoại xả nghìn tỷ - Ảnh 1.

CTG của VietinBank là cổ phiếu ngân hàng mà khối ngoại bán ròng nhiều nhất trong gần 6 tháng đầu năm 2021. (Ảnh minh họa: Song Ngọc).

Thống kê của Algo Platform cho thấy, từ đầu năm đến nay khối ngoại đã bán ròng khoảng 30.500 tỷ đồng trên Sở giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE), nhiều nhất là nhóm cổ phiếu kim loại với giá trị hơn 13.100 tỷ, bám theo sau là nhóm ngân hàng với gần 12.200 tỷ.

Trong khi đà bán ròng ở ngành kim loại tập trung gần như hoàn toàn vào cổ phiếu HPG của Tâp đoàn Hòa Phát (hơn 12.800 tỷ) thì ở nhóm ngân hàng, lực bán phân tán ra một số cổ phiếu vốn hóa lớn.

Cụ thể, CTG của VietinBank, VPB của VPBank, MBB của Ngân hàng Quân Đội, và BID của BIDV đều có giá trị bán ròng từ trên 1.000 đến gần 6.000 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, STB của Sacombank, OCB của Ngân hàng Phương Đông là những mã được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng nhiều nhất kể từ đầu năm đến hết phiên 25/6.

Nhiều cổ phiếu ngân hàng tăng vọt trong 6 tháng đầu năm dù bị khối ngoại xả nghìn tỷ - Ảnh 2.

Cổ phiếu của các ngân hàng nhỏ giao dịch ở thị trường UPCoM như VBB, ABB, NAB, SGB, KLB, ... không thu hút được sự chú ý của nhà đầu tư ngoại, giá trị mua và bán rất nhỏ và giá trị ròng cũng gần bằng 0.

Một số cổ phiếu ngân hàng khác ít được nhà đầu tư nước ngoài giao dịch vì vướng giới hạn room ngoại, cụ thể như TCB của Techcombank, TPB của TPBank hay ACB của Ngân hàng Á Châu.

Nhiều cổ phiếu ngân hàng tăng vọt trong 6 tháng đầu năm dù bị khối ngoại xả nghìn tỷ - Ảnh 3.

Số liệu tính từ đầu năm 2021 đến hết phiên gần đây nhất 25/6. Thống kê của OCB, SSB và BAB tính từ ngày đầu giao dịch trên HOSE.

Tuy bị khối ngoại bán ròng mạnh nhưng nhìn chung cổ phiếu ngân hàng vẫn diễn biến khá tích cực với 25/26 mã tăng giá so với ngày đầu năm. 

Quán quân tăng giá thuộc về SSB của SeABank (tính từ ngày đầu lên HOSE là 24/3) và LPB của LienVietPostBank. Ba cổ phiếu bị xả nhiều nhất là CTG, VPB và MBB cũng tăng khoảng 55% - 110%. BID là mã ngân hàng duy nhất giảm giá so với đầu năm, mất gần 5%.

Năm 2021, BIDV muốn tăng vốn điều lệ thêm 8.304 tỷ đồng, bao gồm việc trả cổ tức năm 2019 bằng cổ phiếu tỷ lệ 5,2%, cổ tức năm 2020 cũng bằng cổ phiếu tỷ lệ 7%, và chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ 341,5 triệu đơn vị BID.

Nếu các kế hoạch trên được hoàn tất, vốn điều lệ của BIDV sẽ tăng lên thành 48.524 tỷ đồng.

VietinBank đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận phương án tăng vốn điều lệ từ 37.234 tỷ đồng hiện nay lên trên 48.000 tỷ đồng bằng cách trả cổ tức các năm 2017, 2018, 2019 bằng cổ phiếu với tổng tỷ lệ 29,07%. 

Ngày đăng ký cuối cùng để nhận cổ tức là 8/7. Ngân hàng Nhà nước dự kiến sẽ góp thêm 6.977 tỷ đồng vào VietinBank để duy trì tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại ngân hàng này.

Vietcombank có kế hoạch chia cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 27,6%. Tổng số cổ phần dự kiến phát hành là hơn 1,02 tỷ đơn vị, tức là vốn điều lệ sẽ tăng lên mức 47.300 tỷ.

Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBB) cũng dự định phát hành gần 980 triệu cổ phiếu để trả cổ tức tỷ lệ 35%, tăng vốn điều lệ lên hơn 38.600 tỷ đồng. Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước thông báo đã nhận đầy đủ tài liệu báo cáo phát hành cổ phiếu để trả cổ tức của MBB nhưng hiện chưa rõ ngày chốt danh sách cổ đông.

Song Ngọc