Đấu thầu gửi tiền quỹ vắc xin COVID-19 tại các ngân hàng thương mại, ứng viên sáng giá là nhóm Big4
Theo thông báo mới nhất từ Bộ Tài Chính, tính đến thời điểm 17h ngày 25/6/2021, số dư của Quỹ vắc xin phòng chống COVID-19 đã đạt 7.610 tỷ đồng (đã bao gồm ngoại tệ quy đổi).
Ban Quản lý quỹ cho biết số tiền nhàn rỗi của quỹ vắc xin sẽ được phép sử dụng gửi tại các ngân hàng thương mại (NHTM) nhằm mục đích bảo toàn và phát triển vốn cho quỹ, nhưng phải đảm bảo an toàn. Kỳ hạn gửi tiền không quá 3 tháng.
Đây là điều được quy định tại Thông tư 41 của Bộ Tài chính hướng dẫn về tổ chức, hoạt động, quản lý, sử dụng và kế toán, quyết toán, công khai tài chính Quỹ Vắc xin phòng chống COVID-19.
Ông Lưu Hoàng, Phó Giám đốc Ban Quản lý Quỹ vắc xin COVID-19, Cục trưởng Cục Quản lý Ngân quỹ (KBNN) cho biết trên TTXVN, việc lựa chọn các ngân hàng đảm bảo công khai, minh bạch và công bằng trên cơ sở xếp hạng của Ngân hàng Nhà nước cũng như các tiêu chí đánh giá cụ thể về quy mô tổng tài sản, tổng vốn chủ sở hữu, chất lượng tín dụng, kết quả hoạt động kinh doanh của mỗi ngân hàng.
"Các ngân hàng thương mại được KBNN và Quỹ lựa chọn đều là các ngân hàng có uy tín, có năng lực, phù hợp với nguyên tắc đảm bảo an toàn trong quản lý tài chính của quỹ.
Hiện Ban Quản lý Quỹ đang thực hiện quy trình đấu thầu số tiền nhàn rỗi của quỹ và dự kiến ngay trong tuần này sẽ có bản chào mời thầu gửi đến các ngân hàng thương mại", ông nói.
Cũng theo Thông tư 41, những ngân hàng mà quỹ được phép gửi tiền là nhóm mà KBNN lựa chọn để gửi có kỳ hạn các khoản ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi. Trong đó, 4 ngân hàng có vốn nhà nước lớn gồm Agribank, BIDV, Vietcombank và VietinBank là những ứng viên sáng giá.
Quy trình gửi tiền cũng được quy định phải iến hành chặt chẽ, công khai, minh bạch theo từng bước, bao gồm: Thông báo nhu cầu gửi tiền của quỹ tới các NHTM; nhận, mở bản chào nhận tiền gửi của các NHTM; xác định lãi suất, khối lượng gửi tiền theo nguyên tắc cạnh tranh về lãi suất và ký kết hợp đồng gửi tiền với các NHTM.
Lãi suất gửi áp dụng cho mỗi NHTM là mức lãi suất chào của NHTM đó, được xét chọn theo thứ tự từ cao xuống thấp của lãi suất chào thỏa mãn điều kiện: không thấp hơn lãi suất gửi tiền có kỳ hạn ngân quỹ nhà nước tối thiểu được Bộ Tài chính quy định.
Lượng tiền gửi tại mỗi NHTM tương đương với khối lượng nhận tiền gửi đăng ký tại mức lãi suất được quỹ lựa chọn.
Theo tìm hiểu của người viết, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến 3 tháng tại các "ông lớn" ngân hàng trên dao động từ 3% đếm 3,4%/năm tuỳ từng kỳ hạn, đối với các khoản tiền gửi thông thường.
Ước tính với mức lãi suất này, nếu gửi ngân hàng số tiền 7.600 tỷ đồng thì mỗi tháng quỹ sẽ có thêm 19 - 20 tỷ đồng tiền lãi. Lãi suất tại các ngân hàng cổ phần thì có phần cao hơn, mức cao nhất dao động từ 3,95% đến 4%/năm.
Toàn bộ số tiền lãi phát sinh (dự kiến) sẽ tiếp tục bổ sung vào quỹ vắc xin COVID-19 để sử dụng với mục đích chung của quỹ.
Ban quản lý quỹ vắc xin phòng chống COVID-19 là đơn vị có trách nhiệm công khai báo cáo tài chính quỹ hàng tháng, 6 tháng, năm và báo cáo quyết toán qua Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính và một số hình thức khác.
Nội dung công khai bao gồm số tiền huy động, danh sách các tổ chức, cá nhân tài trợ, đóng góp, nội dung và số tiền đã chi, số dư quỹ còn lại.