Tháng 6: Tự doanh mua ròng nhóm ngân hàng gần gấp đôi tháng 5, mã nào được gom nhiều nhất?
Tự doanh duy trì mua ròng, tập trung ở nhóm VN30
Thị trường chứng khoán tiếp tục trải qua tháng 6 thăng hoa. Đóng cửa tháng, VN-Index ở 1.408.55 điểm, tăng 5,95% so với cuối tháng 5. Chỉ số trên sàn HNX và UPCoM có phần thận trọng hơn khi tăng lần lượt 1,72% và 1,67%.
Trong diễn biến tích cực của thị trường, đà bán ròng của khối ngoại được thu hẹp chỉ còn hơn 6.100 tỷ đồng, giảm mạnh so với trước đó. Các cá nhân trong nước vẫn duy trì vai trò lực mua chủ đạo, tuy giao dịch cũng chứng kiến những biến động giảm nhất định.
Cùng chiều với NĐT cá nhân, bộ phận tự doanh công ty chứng khoán duy trì vị thế mua ròng hơn 540 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh trên sàn HOSE. Nhưng thống kê trên cả hai kênh khớp lệnh và thỏa thuận, chiều bán chiếm ưu thế hơn với 485,66 tỷ đồng. Giao dịch tập trung tại cổ phiếu VN30 khi nhóm này ghi nhận giá trị mua khớp lệnh 717,8 tỷ đồng.
(Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp).
So sánh với tháng 5, giao dịch của khối tự doanh có phần tiêu cực hơn khi giảm nhẹ lực mua ròng khoảng 10%. Tuy vậy, khối này vẫn nằm trong hai nhóm duy nhất mua ròng trên sàn HOSE, tác động tích cực đến đà tăng của chỉ số.
Ngân hàng tiếp tục hút tiền
(Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp).
Diễn biến theo từng nhóm ngành, cổ phiếu ngân hàng tiếp tục được khối tự doanh mua ròng mạnh mẽ qua kênh khớp lệnh. Giá trị mua ròng tại nhóm này là 720,9 tỷ đồng, tăng 183% so với mức 393,5 tỷ đồng của tháng 5.
Theo thống kê, dòng tiền từ khối tự doanh còn trở lại một số nhóm ngành như tài nguyên cơ bản, thực phẩm và đồ uống. Đáng chú ý, lực bán tại cổ phiếu tài nguyên cơ bản trong tháng trước bất ngờ đảo chiều sang cán cân mua ròng, tăng mạnh 307,7 tỷ đồng.
Chiều ngược lại, khối tự doanh bán ròng tại các nhóm ngành như dịch vụ tài chính (chứng khoán) và công nghệ thông tin. Giá trị bán ròng tại nhóm dịch vụ tài chính tăng từ 20,4 tỷ đồng lên 386,6 tỷ đồng. Hoạt động bán ròng tại nhóm công nghệ thông tin cũng tăng hơn 3 lần từ 33,7 tỷ đồng lên 113,2 tỷ đồng.
Tâm điểm mua VCB, VPB trong khi bán chứng chỉ quỹ FUEVFVND
(Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp).
Như nêu trước đó, dòng tiền khối tự doanh tập trung nhiều ở danh mục VN30. Trong 10 mã được mua ròng nhiều nhất có 7 đại diện của nhóm VN30, trong đó có 4 cổ phiếu nhóm ngân hàng. Bộ đôi VCB và VPB dẫn đầu chiều mua ròng với tổng giá trị mua ròng lên tới 755,3 tỷ đồng.
Trong đó, VCB ghi nhận giá trị mua 439,9 tỷ đồng, còn VPB theo sau với 315,4 tỷ đồng. Cá biệt trong phiên VN-Index điều chỉnh giảm sâu 15/6, khối tự doanh công ty chứng khoán mua ròng mạnh cổ phiếu của VPBank với giá trị 141,4 tỷ đồng, tương ứng khối lượng gần 2,1 triệu đơn vị.
Sau bộ đôi ngành ngân hàng, dòng tiền hướng đến một cổ phiếu vốn hóa lớn khác là HPG với 194,3 tỷ đồng mua ròng. Theo sau, IJC (170,2 tỷ đồng), DBC (131,7 tỷ đồng) và TCB (125,9 tỷ đồng) cũng là ba đại diện được khối tự doanh các công ty chứng khoán tin tưởng chọn mặt gửi vàng trên 100 tỷ đồng.
Dòng tiền khối tự doanh cũng tìm đến danh mục VN30 với các đại diện BID (84,6 tỷ đồng), VRE (50,8 tỷ đồng), VNM (44,7 tỷ đồng).
Tại chiều bán, chứng chỉ quỹ ETF nội FUEVFVND bất ngờ bị xả hơn 334 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh. Đặc biệt, giá trị giao dịch chứng chỉ quỹ này đạt mức cao đột biến 11,3 triệu đơn vị trong phiên 14/6, tương ứng giá trị trao tay trên 278 tỷ đồng.
Theo sau FUEVFVND, dòng tiền tự doanh cũng rút khỏi các đại diện lớn ngành ngân hàng, bán lẻ, công nghệ thông tin và bất động sản. STB, MWG, KBC và FPT đều ghi nhận giá trị bán ròng quanh mức 100 – 111 tỷ đồng. Hoạt động bán ròng của khối tự doanh còn diễn ra tại một số mã vốn hóa trung bình khác như TPB, SSI, AAA, OCB, REE với giá trị hơn 45 tỷ đồng.