NĐT cá nhân đổ thêm hơn 8.300 tỷ đồng đẩy VN-Index lên 1.400 điểm, giải ngân vào nhiều bluechip
Các cá nhân mua ròng mạnh hơn 8.300 tỷ đồng, tập trung rổ VN30
Xuyên suốt tháng 6, thị trường chứng kiến diễn biến khởi sắc khi những cột mốc lịch sử liên tục bị phá vỡ. Đóng cửa phiên giao dịch cuối tháng, VN-Index đạt mốc 1.408.55 điểm, tăng 5,95% so với cuối tháng 5. Cùng diễn biến, chỉ số trên sàn HNX và UPCoM cũng tăng nhẹ lần lượt 1,72% và 1,67%.
Thanh khoản bình quân trên sàn HOSE đạt 23.807 tỷ đồng tương đương hơn 1 tỷ USD, tăng 8,03% so với tháng trước đó và là mức thanh khoản cao nhất trong lịch sử.
Xu hướng giao dịch các nhóm NĐT không thay đổi, nhưng tương quan giữa cán cân mua - bán trên thị trường được thu hẹp. Lực xả của khối ngoại trên sàn HOSE đạt 6.132,6 tỷ đồng, giảm gần 50% so với tháng trước sau diễn biến tích cực của thị trường. Mặc dù nhóm tổ chức trong nước gia tăng hoạt động chốt lời, lực cung này được hấp thụ chủ yếu bởi nhóm NĐT cá nhân.
Theo thống kê, giá trị mua ròng của các cá nhân toàn tháng 6 đạt 8.328 tỷ đồng, giảm 33,4% so với mức hơn 11.109 tỷ của tháng 5. Tuy vậy, dòng tiền khổng lồ của các NĐT cá nhân vẫn là lực đẩy quan trọng đưa VN-Index chinh phục vùng đỉnh mới.
Dòng tiền trung thành với thép và ngân hàng
Diễn biến theo từng nhóm ngành, cổ phiếu tài nguyên cơ bản (thép) tiếp tục được các cá nhân mua ròng mạnh qua kênh khớp lệnh. Giá trị mua ròng tại nhóm này đạt 5.063 tỷ đồng, tăng 30,7%.
Tuy đã "hạ nhiệt" sau đà tăng nóng từ đầu năm, nhóm ngân hàng tiếp tục thu hút dòng tiền NĐT cá nhân. Nhóm này ghi nhận giá trị vào ròng hơn 2.400 tỷ đồng trong tháng 6, trở thành một trong số những cổ phiếu đóng góp mạnh nhất cho đà tăng của chỉ số.
Dòng tiền cá nhân cũng giảm tỷ trọng vào nhóm bất động sản sau những cảnh báo về rủi ro giá đất tăng nóng. Giá trị mua ròng ghi nhận giảm hơn 80% so với tháng trước, về mức 419 tỷ đồng. Đáng chú ý, lực mua cổ phiếu thực phẩm & đồ uống, dịch vụ tài chính, điện nước & xăng dầu khí đốt có động thái đảo chiều sang phía bán ròng nhẹ.
HPG, MBB là tâm điểm mua ròng
Giao dịch tập trung khá nhiều tại giỏ cổ phiếu VN30 với 7/10 mã mua ròng thuộc nhóm này. Nổi bật là cổ phiếu HPG của Hòa Phát khi liên tiếp dẫn đầu cán cân mua ròng trong hai tháng. Giá trị mua ròng tại HPG áp đảo toàn bộ danh mục, đạt 5.197,4 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh. Giao dịch tại HPG đóng góp phần lớn cho vị thế dẫn đầu của cổ phiếu họ tài nguyên cơ bản tại chiều mua.
Theo sau HPG, các đại diện ngân hàng tiếp tục thu hút dòng tiền. MBB (1.843,1 tỷ đồng), VPB (952,1 tỷ đồng), CTG (685,3 tỷ đồng) và ACB (419,2 tỷ đồng) là tâm điểm mua trong tháng 6. Đây đều là những mã ghi nhận mức tăng hàng chục phần trăm kể từ đầu năm.
Tuy "hụt hơi" so với tháng trước, nhóm bất động sản cũng góp mặt trong top mua ròng. VIC (1.008,8 tỷ đồng) và NVL (983,2 tỷ đồng), DXG (941,8 tỷ đồng) đều là những mã ghi nhận giá trị vào ròng "nghìn tỷ" từ các cá nhân. Ngoài ra, dòng tiền cũng tìm đến GEX (656,4 tỷ đồng) và PLX (384,8 tỷ đồng).
Tại chiều bán, bộ đôi vốn hóa lớn VCB và VHM bất ngờ bị xả không dưới 1.000 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh. Áp lực xả hàng từ các cá nhân được khối ngoại hấp thụ mạnh mẽ. Theo ghi nhận, nhóm NĐT nước ngoài liên tục mua ròng khớp lệnh trăm tỷ VHM và VCB trong nhiều phiên giao dịch liên tiếp.
Một cổ phiếu khác thuộc họ Vingroup - VRE cũng chịu lực bán mạnh trong tháng. Theo ghi nhận, dòng tiền nội rút khỏi mã này lên tới 654,3 tỷ đồng. Cùng chiều, cá nhân trong nước cũng rút vốn khỏi các nhóm dịch vụ tài chính, thực phẩm & đồ uống...
Những đại diện ghi nhận giá trị bán ròng trên 200 tỷ đồng phải kể đến là OCB (466,5 tỷ đồng), GAS (430 tỷ đồng), KDH (328,7 tỷ đồng), MSN (320,8 tỷ đồng), NLG (255,6 tỷ đồng), PDR (254,8 tỷ đồng), SSI (244,8 tỷ đồng).