|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

NĐT cá nhân bán ròng phiên cuối tháng 6, tâm điểm giao dịch VHM và VPB

07:17 | 01/07/2021
Chia sẻ
Đóng cửa phiên giao dịch cuối tháng, lực bán bất ngờ dâng cao khiến VN-Index điều chỉnh nhẹ về 1.408,55 điểm. Trước áp lực thị trường, NĐT cá nhân bán ròng nhẹ 22,7 tỷ đồng, tập trung ở VHM, VCB trong khi vẫn mua ròng VPB.

Thị trường điều chỉnh phiên cuối tháng 6

Mặc dù chứng kiến diễn biến tích cực trong phiên sáng, áp lực bán bất ngờ dâng cao sau 14h10 kéo VN-Index đảo chiều giảm điểm. Không có bất ngờ nào xuất hiện trong phiên ATC giúp thị trường lại lại sắc xanh trong phiên "chốt NAV" quý II.

Đóng cửa phiên giao dịch cuối tháng 6, VN-Index giảm nhẹ 1,49 điểm (tương đương 0,11%) về mức 1.408,55 điểm, HNX-Index giảm 1,75% còn 311,32 điểm, UPCoM-Index giảm 0,06% xuống 90,25 điểm.

Sắc đỏ chiếm ưu thế trên cả ba sàn. Thống kê trên HOSE, có tới 233 mã giảm giá, áp đảo so với 139 mã tăng giá và 62 mã đứng giá tham chiếu. Tương tự, sàn HNX cũng ghi nhận 118 mã giảm, trong khi chỉ có 75 mã tăng và 73 mã đứng giá tham chiếu.

Thanh khoản trên sàn HOSE đạt 20.876 tỷ đồng. Toàn sàn ghi nhận giá trị giao dịch 24.452 tỷ đồng, giảm 3,7% so với phiên vượt đỉnh trước đó.

Dòng tiền vẫn tập trung ở nhóm ngân hàng và bất động sản, tuy nhiên hai nhóm này lại ghi nhận sự phân hóa khá mạnh. Tại nhóm ngân hàng ngân hàng, VCB (tăng 2,11%), VPB (1,2%) và BID (0,75%) ảnh hưởng tích cực đến VN-Index, trong khi CTG, TCB, ACB và VIB lại kéo chỉ số giảm điểm. Tương tự ở nhóm bất động sản, đà tăng từ VIC cũng gặp lực cản từ sắc đỏ của bộ đôi GVR và VHM.

VN-Index chỉnh nhẹ, NĐT cá nhân chuyển bán ròng 22,7 tỷ đồng - Ảnh 1.

(Nguồn: Fiinpro).

Thống kê về giao dịch theo từng nhóm nhà đầu tư, tương quan giao dịch qua kênh khớp lệnh giữa các nhóm nhà đầu tư không thay đổi nhiều so với phiên liền trước. Theo dữ liệu tổng hợp được, khối ngoại cùng tự doanh duy trì mua ròng với giá trị khớp lệnh lần lượt là 66,5 tỷ đồng và 125,2 tỷ đồng. Ngược lại, các tổ chức trong nước cũng tiếp tục xu hướng bán ròng khi xả 168,9 tỷ đồng.

Riêng nhóm các cá nhân trong nước đã đảo chiều nhẹ sang chiều bán ròng trong phiên VN-Index điều chỉnh. Nhóm này ghi nhận bán ròng 22,7 tỷ đồng trên sàn HOSE, trong đó phần lớn giao dịch diễn ra tại nhóm ngân hàng và thực phẩm đồ uống.

Cá nhân mua ròng cổ ngân hàng, trong khi xả ròng thực phẩm & đồ uống

VN-Index chỉnh nhẹ, NĐT cá nhân chuyển bán ròng 22,7 tỷ đồng - Ảnh 2.

(Nguồn: Thào Bùi tổng hợp).

Chênh lệch giữa cán cân mua – bán của các NĐT cá nhân tiếp tục duy trì khá cân bằng, dù nghiêng nhẹ về chiều bán ròng với giá trị 22,7 tỷ đồng trên sàn HOSE. Lực xả mạnh nhất được ghi nhận ở nhóm thực phẩm & đồ uống với giá trị 43,6 tỷ đồng. Cùng chiều, dòng tiền cá nhân cũng tiếp tục rút khỏi nhóm bất động sản khi bán ròng 29,1 tỷ đồng trong phiên.

Ở chiều ngược lại, dòng tiền mua chủ yếu tìm đến các cổ phiếu họ ngân hàng, mặc dù diễn biến trong phiên khá phân hóa. Mặc dù lực vào ròng suy yếu khoảng 73,2% chỉ còn 66,8 tỷ đồng, đây vẫn là nhóm duy nhất ghi nhận giá trị mua trên 50 tỷ đồng trong phiên.

Dòng tiền phân hóa tại nhóm bluechips: xả mạnh VHM và VCB, trong khi gom mua VPB

VN-Index chỉnh nhẹ, NĐT cá nhân chuyển bán ròng 22,7 tỷ đồng - Ảnh 3.

(Nguồn: Thào Bùi tổng hợp).

Mã VHM của Vinhomes tiếp tục dẫn đầu chiều rút ròng với giá trị giao dịch khớp lệnh đạt 210,7 tỷ đồng, tăng 15,2% so với phiên trước. Lực bán tăng mạnh về cuối phiên khiến cổ phiếu VHM quay đầu giảm 0,5%, chốt phiên tại 118.000 đồng/cp dù trước đó là một trong những mã tác động tích cực nhất lên VN-Index.

Mặc dù là trụ cột chống đỡ áp lực giảm của VN-Index, "anh cả" ngành ngân hàng VCB theo chân VHM trong danh mục bán ròng. Giá trị rút ròng tăng nhẹ 9%, đạt mức 145 tỷ đồng. Tuy vậy, lực bán của các cá nhân được khối ngoại hấp thụ mạnh, giúp thị giá cổ phiếu này tăng 2,11% và đóng cửa ở 116.400 đồng/cp.

Cùng chiều, dòng tiền cá nhân cũng rút khỏi BID (62 tỷ đồng), SSI (53,1 tỷ đồng), KDH (43,3 tỷ đồng), SSB (31,8 tỷ đồng), HDB (25 tỷ đồng) và GAS (21,1 tỷ đồng).

Đáng chú ý, bộ đôi ngành thực phẩm & đồ uống là MSN và VNM bị xả ròng với tổng giá trị 43,1 tỷ đồng đã đưa nhóm này dẫn đầu chiều bán ròng của các cá nhân.

Ở chiều ngược lại, dòng tiền mua tiếp tục tìm đến VPB của VPBank. Thống kê về giá trị, các cá nhân trong nước đã mua ròng 250,1 tỷ đồng trong phiên 30/6. Tuy lực mua suy yếu 10% so với phiên liền trước, VPB là mã duy nhất thu hút dòng tiền ròng trên 100 tỷ đồng. Cổ phiếu này đóng cửa ở mức 67,700 đồng/cp, tăng 1,2% so với đóng cửa phiên 29/6.

Hai đại diện khác cũng đóng góp vào giá trị mua ròng toàn ngành ngân hàng là MBB (53,1 tỷ đồng) và MSB (26,6 tỷ đồng). Tuy vậy, áp lực bán vẫn lớn hơn khiến hai mã này đóng cửa trong sắc đỏ và giảm điểm nhẹ về cuối phiên.

Bên cạnh ngân hàng, danh mục mua ròng của các cá nhân trong nước tiếp tục chứng kiến sự góp mặt của những "đại gia" ngành bất động sản. NVL (82,2 tỷ đồng), VRE (36,1 tỷ đồng), VIC (34,2 tỷ đồng) và FLC (32,2 tỷ đồng) đều được NĐT "chọn mặt gửi vàng", tuy lực mua ròng đã giảm nhiệt sau nhiều phiên.

Một số cổ phiếu khác cũng ghi nhận giá trị mua ròng nhẹ là HPG (32,6 tỷ đồng), PDR (20 tỷ đồng) và HDC (19,9 tỷ đồng).

Thảo Bùi

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.