NĐT cá nhân dè dặt xuống tiền khi VN-Index vượt 1.410 điểm, nhưng vẫn gom mạnh nhóm ngân hàng
VN-Index liên tục vượt đỉnh, dòng tiền trở nên thận trọng
Sau phiên vượt đỉnh 1.400 điểm, thị trường giao dịch khởi sắc, có thời điểm VN-Index chạm mốc 1.416 điểm. Tuy áp lực bán gia tăng ở cuối phiên khiến đà tăng bị thu hẹp, thị trường vẫn đóng cửa ở kỷ lục mới. Đóng cửa, VN-Index tăng 4,23 điểm (tương đương 0,3%) lên 1.410,04 điểm, HNX-Index tăng 0,21% lên 323,79 điểm, UPCoM-Index tăng 0,52% lên 90,26 điểm.
Về độ rộng của thị trường, sàn HOSE ghi nhận số mã giảm giá chiếm ưu thế với 244 mã trong khi có 153 mã tăng giá và 46 mã đứng giá tham chiếu. Trong khí đó, rổ VN30 giao dịch khá cân bằng với 15 cổ phiếu tăng giá, 13 mã giảm giá và 2 mã đứng giá tham chiếu.
Thanh khoản trên sàn HOSE đạt 20.458 tỷ đồng. Giá trị giao dịch toàn thị trường đạt 25.394 tỷ đồng, giảm 7,5% so với phiên bùng nổ liền trước.
(Nguồn: Fiinpro).
Là nhóm dẫn dắt thị trường, không khó hiểu khi lực mua của các NĐT cá nhân cũng trở nên thận trọng hơn. Áp lực bán xuất hiện nhiều nhất vào cuối phiên đã thu hẹp chênh lệch giữa cán cân mua - bán. Tính riêng giao dịch trên sàn HOSE, các cá nhân trong nước mua ròng vỏn vẹn 6 tỷ đồng.
Bên cạnh các cá nhân, tự doanh và khối ngoại cũng bất ngờ đảo chiều mua ròng. Trong đó, giá trị vào ròng khớp lệnh ghi nhận tại 2 nhóm này lần lượt là 149,7 tỷ đồng và 14,4 tỷ đồng.
Các tổ chức trong nước là bên bán ròng trong phiên 29/6. Theo thống kê trên sàn HOSE, các tổ chức rút ròng 170,1 tỷ đồng.
Ngân hàng tiếp tục là tâm điểm thu hút dòng tiền thị trường với sắc xanh bao phủ 25/27 cổ phiếu. Tuy vậy, sức nóng của bất động sản cũng đóng góp không nhỏ tới VN-Index. Chỉ riêng bộ đôi "họ" Vingroup là VHM (tăng 2,68%) và VIC (1,11%) đã đóng góp 3,9 điểm cho đà tăng của chỉ số.
(Nguồn: Thào Bùi tổng hợp).
Cá nhân mua ròng nhẹ 6 tỷ đồng, tập trung ở nhóm ngân hàng
Tương quan giữa chiều mua – bán của NĐT cá nhân không còn phân hóa mạnh với giá trị mua ròng khá khiêm tốn là 6 tỷ đồng. Tính riêng giao dịch khớp lệnh, họ mua ròng 7/18 nhóm ngành. Dòng tiền chủ yếu tìm đến các cổ phiếu họ ngân hàng với giá trị mua ròng áp đảo những nhóm còn lại là 254 tỷ đồng. Đây là nhóm duy nhất ghi nhận giá trị vào ròng ba chữ số trong phiên.
Bên cạnh ngân hàng, dòng tiền các cá nhân cũng lan tỏa tới các cổ phiếu họ tài nguyên cơ bản và công nghệ thông tin. Giá trị vào ròng tại 2 nhóm này lần lượt là 45,8 tỷ đồng và 30,1 tỷ đồng.
Tuy là nhóm ảnh hưởng tích cực đến chỉ số, bất động sản bất ngờ là nhóm bị các cá nhân trong nước xả nhiều nhất. Lực rút ròng được ghi nhận đạt 144 tỷ đồng, tăng nhẹ so với phiên liền trước. Có thể coi đây là động thái chốt lời tại vùng đỉnh của NĐT cá nhân sau thời gian dài gom mua cổ phiếu họ bất động sản.
Theo sau nhóm này, thực phẩm và đồ uống cũng bất ngờ góp mặt trong danh mục bán ròng của các cá nhân trong nước với giá trị 126,2 tỷ đồng, tăng mạnh 121,8% so với phiên trước. Đây là 2 nhóm ghi nhận giá trị rút ròng trên 100 tỷ đồng.
(Nguồn: Thào Bùi tổng hợp).
Tâm điểm mua VPB, MSB, CTG, trong khi xả mạnh VHM, VCB
Cổ phiếu VPB tiếp tục giữ vị trí dẫn dắt chiều mua ròng với giá trị 277,3 tỷ đồng. Tuy giá trị mua ròng giảm 10,4% so với phiên trước, VPB vẫn là mã được mua ròng nhiều nhất trong phiên. Kết phiên, giá cổ phiếu VPBank đóng cửa giảm nhẹ 1,18%, về mức 66.900 đồng/cp.
Dòng tiền cá nhân cũng tìm đến hai đại diện ngành ngân hàng là MSB và CTG. Giá trị vào ròng tại hai mã này theo sát nhau, lần lượt là 100,3 tỷ đồng và 96,6 tỷ đồng. Đáng chú ý, sau khi công bố lãi ước đạt 2.800 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, cao gấp 3 lần cùng kỳ năm trước, cổ phiếu MSB đã tăng 6,88% sau 4 phiên giao dịch.
TCB cũng vươn lên top 10 mua ròng của NĐT cá nhân. Tuy vậy, giá trị mua ròng khiêm tốn hơn, đạt 27,6 tỷ đồng. Tuy đóng cửa giảm nhẹ 0,19%, cổ phiếu TCB hiện đã ở vùng đỉnh với mức tăng 69,84% so với đầu năm 2021.
Theo sau nhóm ngân hàng, sức mua được phân bổ khá đều tại danh mục mua ròng gồm VIC (42,3 tỷ đồng), HPG (26,1 tỷ đồng), NVL (25,1 tỷ đồng), GEX (24,8 tỷ đồng), FLC (23 tỷ đồng) và SGT (20,6 tỷ đồng).
Ở chiều giao dịch ngược lại, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn là VHM, VCB và VNM dẫn đầu chiều bán với giá trị rút ròng tại mỗi mã đều lớn hơn 100 tỷ đồng. Giao dịch của NĐT cá nhân tại nhóm này khá đối ứng với khối ngoại.
Cổ phiếu VHM của Vinhomes dẫn đầu danh mục bán ròng với giá trị bán khớp lệnh đạt 178 tỷ đồng, tăng 27,1% so với phiên liền trước. VCB của Vietcombank theo sát sau với 133,9 tỷ đồng bán ròng. Lực bán của các cá nhân trong nước tại mã này đã tăng mạnh tới 2,26 lần.
Ở nhóm thực phẩm & đồ uống, VNM của Vinamilk bất ngờ bị xả mạnh 102,6 tỷ đồng. Khối lượng giao dịch trong phiên cũng tăng đột biến, đạt 4,36 triệu đơn vị so với 1,93 triệu đơn vị ở phiên đầu tuần.
Cùng chiều, một số cổ phiếu bị NĐT cá nhân xả ròng trong phiên là STB (70,1 tỷ đồng), IJC (31,5 tỷ đồng), SSB (28,4 tỷ đồng), VJC (28,3 tỷ đồng). Các cổ phiếu và chứng chỉ ETF bị xả ròng với khối lượng khoảng 18 tỷ đồng bao gồm HDB, GAS và E1VFVN30.