|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chứng khoán Việt Nam tăng trưởng bất ngờ nhưng không hề bất thường, khối ngoại vẫn đang chờ cơ hội xuống tiền

14:20 | 29/06/2021
Chia sẻ
Đánh giá diễn biến thăng hoa trên thị trường chứng khoán Việt Nam, các chuyên gia cho rằng có yếu tố bất ngờ nhưng không hề bất thường. Hiện nay, cơ hội tăng trưởng vẫn đang nhiều hơn thách thức.

Tăng trưởng 23% kể từ đầu năm, chứng khoán Việt Nam song hành với thế giới

Trong sự kiện "Thị trường chứng khoán và dự báo" được tổ chức mới đây, các chuyên gia đã nêu quan điểm cá nhân về diễn biến hiện tại và triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam. Chia sẻ về sự tăng trưởng, bà Tạ Thanh Bình – Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng thị trường chứng khoán đã chứng kiến diễn biến tích cực trên toàn cầu kể từ đầu 2021.

Theo quan sát các quốc gia lớn, thị trường Mỹ tăng trưởng 12,4%, Anh tăng 10%, Pháp tăng 19%. Tại khu vực châu Á, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản đều tăng từ 10-12%. Ở Việt Nam, VN-Index tăng 23% so với đầu năm, trong khi vốn hóa thị trường tăng 21%. Đây là diễn biến cùng chiều và tích cực hơn đôi chút so với xu hướng chung toàn cầu.

Lý giải cho sự tăng trưởng, theo bà Bình, thành tích của chính phủ trong kiểm soát đại dịch đóng vai trò củng cố niềm tin cho nhà đầu tư. Năm 2020, Việt Nam là nền kinh tế hiếm hoi ghi nhận tăng trưởng dương.

Chứng khoán Việt Nam tăng trưởng bất ngờ nhưng không hề bất thường - Ảnh 1.

Talkshow "Thị trường chứng khoán và Dự báo". (Nguồn: Ảnh chụp màn hình).

Đà tăng này đã kéo dài tới 5 tháng đầu năm 2021. Điểm sáng vĩ mô tại Việt Nam là xuất khẩu tăng 30%, CPI tăng 1,29%, mức thấp nhất kể từ 2016. Lãi suất tín dụng cũng được duy trì ở mức thấp cùng nhiều chính sách tiền tệ nới lỏng để phục hồi nền kinh tế.

Số liệu doanh thu và lợi nhuận bình quân của các doanh nghiệp tăng lần lượt 10,9% và 66,8% so với cùng kỳ 2020. Sức chống chịu của doanh nghiệp được cải thiện trong làn sóng COVID-19 lần thứ 4. Nhiều đơn vị đã đổi mới để thích nghi trong trạng thái bình thường mới. 

Mặc dù khoảng 80 - 90% doanh nghiệp bị tác động tiêu cực trên nhiều mặt, COVID-19 đã tạo ra "cách chơi" mới cho thị trường. Đặc biệt là cho các công ty công nghệ và tài chính ngân hàng, nhóm đóng góp tới 43% lợi nhuận toàn thị trường.

Sự phát triển của thị trường cũng nhờ vào độ lớn của dòng tiền NĐT cá nhân. Khi các kênh đầu tư khác như tiền ảo, bất động sản trong thời gian gần đây đã chững lại do biện pháp quản lý của nhà nước, dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán như một kênh sinh lời.

Diễn biến thị trường chứng khoán sẽ đi trước diễn biến nền kinh tế. Theo bà Bình, sự tăng điểm thời gian gần đây đã thể hiện kỳ vọng rất lớn của NĐT vào tiềm năng tăng trưởng thời gian sắp tới của nền kinh tế.

Khối ngoại bán ròng chứ không rút ròng, đang chờ đợi cơ hội mới

Dù thị trường chứng chứng khoán thăng hoa, khối ngoại lại liên tục bán ròng cổ phiếu, đồng thời mua ròng trái phiếu. Đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng hiện tượng này chưa đến mức tiêu cực và cần sự tác động của chính sách. Đây là sự dịch chuyển danh mục đầu tư từ cổ phiếu sang trái phiếu.

Hơn nữa, bà Tạ Thanh Bình đánh giá việc bán ròng khác với rút ròng. Con số thống kê của UBCKNN cho thấy số dư tiền mặt trên tài khoản NĐT nước ngoài vẫn lớn. Động thái của nhóm này là chốt lời chờ cơ hội đầu tư tốt trong tương lai, chứ không phải hoàn toàn rút khỏi thị trường.

Thứ ba, giá trị tuyệt đối về rút ròng ở thị trường Việt Nam không cao nếu so sánh với các nước trong khu vực. 

Con số này ở Việt Nam là 497 triệu USD, trong khi đó ở Thái Lan (1,1 tỷ USD), Đài Loan (2,1 tỷ USD), Hàn Quốc (7,97 tỷ USD). Điều này để thấy rằng, về giá trị tuyệt đối, con số trên chưa đáng lo ngại.

Nói về tương lai của thị trường chứng khoán, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đánh giá cơ hội lớn hơn thách thức, và vẫn còn nhiều yếu tố hỗ trợ tích cực cho đà tăng của thị trường Việt Nam.

Nốt trầm chờ nâng hạng thị trường

Trở lại bối cảnh thị trường hiện nay, việc tiếp tục "giậm chân tại chỗ" trong tiến trình nâng hạng là trở ngại đối trong việc thu hút dòng vốn ngoại. Chứng kiến sự thăng hoa, song, Việt Nam tiếp tục ở trong danh sách thị trường cận biên và danh sách chờ nâng hạng của các tổ chức xếp hạng thị trường. 

Lý do được cho là NĐT nước ngoài chưa thấy hài lòng về trải nghiệm trên thị trường chứng khoán. Hạn chế về sở hữu nước ngoài, tiếp cận thông tin doanh nghiệp bằng tiếng anh, mức độ tự do hóa của thị trường ngoại hối là những rào cản gia nhập thị trường đối với nhiều tổ chức và quỹ đầu tư quốc tế.

Mặt khác, một số kỹ thuật giao dịch chưa được triển khai (như giao dịch bán khống, cơ chế ký quỹ trước giao dịch, giao dịch T0,….) do hệ thống hạ tầng chưa đáp ứng. 

Bà Tạ Thanh Bình kỳ vọng hệ thống gói thầu 04 do KRX triển khai vận hành sẽ thay đổi nền tảng hạ tầng toàn bộ thị trường cũng như hệ thống thanh toán thanh toán bù trừ, hỗ trợ nhiều kỹ thuật giao dịch mới.

Thông tư 119 hiệu lực từ ngày 15/2/2021 cũng đã đơn giản hóa thủ tục cho các giao dịch của NĐT nước ngoài khi hết "room". Trong thời gian tới, các chính sách thị trường được vận hành sẽ thay đổi nhận định của quốc tế về thị trường Việt Nam.

Thảo Bùi