Điểm mặt những cổ phiếu penny tăng bằng lần nửa đầu 2021
Kể từ đầu năm 2021, thị trường chứng khoán chứng kiến nhiều cột mốc lịch sử bị phá vỡ. Thanh khoản trung bình mỗi phiên đạt hơn 1 tỷ USD, cá biệt có những phiên lên tới 1,5 tỷ USD. VN-Index liên tục vượt đỉnh, đóng cửa phiên 30/6 ở mức 1.408,55, giảm nhẹ 0,13% nhưng vẫn tăng 26,4% so với đầu năm.
Thị trường khởi sắc đi cùng với sóng tăng của nhiều cổ phiếu. Đáng chú ý, trong 6 tháng qua, thị trường đã ghi nhận nhiều cổ phiếu tăng mạnh với mức tăng tính bằng lần. Hầu hết đây đều là các cổ phiếu penny có thị giá thấp.
Mặc dù đã bị chuyển vào diện kiểm soát và chỉ được giao dịch trong phiên chiều kể từ 7/6/2021, cổ phiếu TGG của Công ty Cổ phần Xây dựng và Đầu tư Trường Giang dẫn đầu với mức tăng trên sàn HOSE, lên tới 726,5%. Tuy ghi nhận lỗ 43,5 tỷ đồng vào năm 2020, và tiếp tục lỗ 344 triệu đồng trong quý 1/2021, giá giao dịch cổ phiếu đã tăng hơn 7 lần kể từ đầu năm.
Đáng chú ý, cổ phiếu TGG trải qua nhiều chuỗi tăng trần liên tục, với khối lượng giao dịch đột biến tới 9,6 triệu cổ phiếu. Tính đến phiên 30/6, TGG vẫn tiếp tục tăng trần 9.670 đồng/cp với khối lượng giao dịch trung bình 10 phiên 712.710 đơn vị.
Mã TNT của Công ty Cổ phần Tập đoàn TNT cũng là một mã penny ghi nhận mức tăng đột biến 6 tháng vừa qua, có tỷ lệ tăng giá 404,89%.
Theo ghi nhận, TNT đã tăng phi mã lên mốc 8.420 đồng/cp vào cuối tháng 4. Cổ phiếu này đảo chiều giảm sàn và giao dịch quanh mức 7.500 đồng trước khi tiếp tục chuỗi 5 phiên tăng điểm vào cuối tháng 6. Tuy vậy, đà tăng chấm dứt trong phiên giao dịch cuối tháng 6, TNT đã quay đầu giảm sàn về mức 9.120 đồng/cp.
Tuy có mức tăng khiêm tốn hơn, RIC của Công ty Cổ phần Quốc tế Hoàng Gia cũng đã tăng hơn 2,7 lần kể từ đầu năm, tuy khối lượng giao dịch trung bình chỉ đạt 23.460 đơn vị/phiên. Cổ phiếu này cũng ghi nhận mức tăng phi mã trong 2 tháng đầu năm khi duy trì chuỗi kỷ lục 34 phiên tăng trần liên tiếp.
Tại thời điểm giao dịch nhộn nhịp nhất đầu tháng 3, RIC từng được giao dịch tại vùng đỉnh kỷ lục 46.150 đồng/cp trước khi quay đầu giảm sàn hàng chục phiên về gần mệnh giá. Sau giai đoạn này, diễn biến giá đan xen với nhiều phiên tăng trần - giảm sàn. Đáng chú ý, RIC đã nằm trong diện kiểm soát từ 8/4/2020 do lợi nhuận sau thuế liên tục âm kể từ năm 2019 và chưa có dấu hiệu phục hồi trong quý 1/2021.
Trở lại năm 2021 với phương án tăng vốn gần 5.000 tỷ đồng để tài trợ cho nhiều dự án, FLC của Công ty cổ phần Tập đoàn FLC thành công "ghi danh" vào top cổ phiếu tăng bằng lần. Sau nhiều chuỗi tăng trần ấn tượng 5 phiên, FLC đang được giao dịch tại vùng giá cao nhất trong nhiều năm.
Kết phiên 30/6, cổ phiếu FLC đóng cửa tại 13.300 đồng, giảm nhẹ 2,6%. Khối lượng giao dịch bình quân đạt 29,247,226 đơn vị, với phiên sôi động nhất lên tới 68,6 triệu đơn vị. Cổ phiếu này cũng nhiều lần góp mặt trong danh mục mua ròng của NĐT cá nhân và NĐT nước ngoài.
Cũng nằm trong diện kiểm soát nhưng vẫn được giao dịch toàn thời gian, VOS của Công ty Cổ phần Vận tải biển Việt Nam cũng là một "hiện tượng" khi tăng giá hơn 2,2 lần. Sau chuỗi 12 phiên tăng điểm liên tiếp với 10 phiên tăng trần, cổ phiếu VOS tiến lên vùng đỉnh cao nhất trong 10 năm.
Tuy vậy, cũng như nhiều trường hợp khác, VOS đã quay đầu với 2 phiên giảm sàn và đà giảm chưa có dấu hiệu dừng lại. Trong tình hình kinh doanh ảm đạm của vận tải biển Việt Nam, lỗ sau thuế của công ty có phần khởi sắc khi chỉ còn 19,5 tỷ đồng so với mức lỗ 86,5 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Mặc dù giao dịch ảm đạm trong 4 tháng đầu năm, cổ phiếu KMR của Công ty cổ phần Mirae đã liên tiếp phủ sắc tím sau khi Bộ Công thương đưa ra những triển vọng sáng của ngành dệt may. Hiện KMR đang được giao dịch tại vùng 9.220 đồng/cp, tăng 211,2% so với đầu năm.
Một số đại diện ghi nhận mức tăng giá hơn 200% phải kể đến là TSC, DTL, CIG, SGT.