Cổ phiếu ngành nào sẽ nổi sóng trong quý III?
Những chủ đề đầu tư trong quý III
Trong báo cáo phân tích mới đây của Chứng khoán KB (Việt Nam), công ty chứng khoán này đã đưa ra những chủ đề đầu từ trong quý III. Theo đó, bốn chủ đề đầu tư được khuyến nghị cho các nhà đầu tư trong quý tới.
Thứ nhất, với giả định môi trường lãi suất thấp, kinh tế tăng trưởng cao, KB Việt Nam cho rằng cổ phiếu nhóm ngân hàng, bất động sản sẽ được hưởng lợi.
Thứ hai, trong xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng đến Việt Nam và việc thương mại quốc tế dần hồi phục khi chương trình tiêm vắc xin được đẩy mạnh ở các nước phá triển, cổ phiếu nhóm bất động sản khu công nghiệp, cảng biển, thủy sản sẽ hưởng lợi.
Chủ đề đầu tư thứ ba là xu hướng tăng giá của hàng hóa, khi đó nhóm thép và dầu khí sẽ hưởng lợi. Cuối cùng, với các ngành tăng trưởng ổn định được xem xét là công nghệ thông tin và điện.
Triển vọng nhóm cổ phiếu ngân hàng
Theo khối phân tích của Chứng khoán KB Việt Nam, thách thức về vốn hóa vẫn còn khi các khoản nợ xấu mới phát sinh từ các khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19 sẽ làm tăng giá trị tài sản rủi ro. Từ đó sẽ đặt ra những thách thức về vốn hóa hơn cho các ngân hàng và đẩy mạnh nhu cầu tăng vốn trong năm 2021, đặc biệt các ngân hàng có CAR dưới 10%.
Trong khi đó, những ngân hàng có cơ bản tốt, đã trích lập dự phòng lớn và có nhiều điểm nhấn đầu tư như chuyển sàn, ghi nhập thu nhập bất thường… trong năm 2021 là các cơ hội đầu tư thích hợp.
3 điểm nhấn đầu tư cổ phiếu bất động sản
Về nhóm bất động sản, các nhà phân tích của KB Việt Nam nêu điểm nhấn đầu tư đối với ngành bất động sản trong 6 tháng cuối năm 2021 (1) Đẩy mạnh đầu tư công với 1 số dự án lớn như cao tốc Bắc – Nam, sân bay Long Thành, các trục giao thông nối TP HCM với các tỉnh thành lân cận (2) Thông tin về các đề án quy hoạch vùng ven thúc đẩy nhu cầu đầu tư bất động sản (3) Lãi suất thấp tương đối cũng thúc đẩy nhu cầu vay vốn mua nhà hoặc đầu tư bất động sản trong năm 2021.
Dựa trên nhận định trên, những doanh nghiệp có quỹ đất sạch lớn với đầy đủ pháp lý và có cơ cấu tài chính an toàn, tiến độ bán hàng khả quan là các cơ hội đầu tư khi thị trường ổn định hơn sau dịch COVID-19.
Dự báo giá dầu trên 70 USD/thùng
Triển vọng về nhóm dầu khí, trong quý II/2021, giá dầu thô Brent giữ vững được đà phục hồi khi các nước OPEC+ tiếp tục duy trì kế hoạch cắt giảm sản lượng theo kế hoạch 5,8 triệu thùng/ngày cho đến tháng 7 và có thể điều chỉnh sản lượng sản xuất để duy trì giá dầu trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi trong những tháng sắp tới - ngay cả khi lệnh trừng phạt Iran được dỡ bỏ.
Bên cạnh đó, kì vọng về sự phục hồi của nền kinh tế thể giới khi những chương trình tiêm chủng trên toàn cầu đang diễn ra đúng kế hoạch. KB Việt Nam duy trì quan điểm giá dầu Brent trong quý III/2021 khả năng cao sẽ đạt trên mốc 70 USD/thùng với tiềm năng phục hồi nền kinh tế cũng như các hoạt động thường ngày quay trở lại hỗ trợ cho nhu cầu tiêu thụ dầu thô.
Đánh giá tích cực nhóm thủy sản
Cùng với các nhóm trên, cổ phiếu thủy sản cũng được KB Việt Nam đánh giá tích cực. Lũy kế 5 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 1.34 tỷ USD (tăng 14% so với cùng kỳ năm 2020). KB Việt Nam dự kiến xuất khẩu sẽ hồi phục và tăng trưởng trên 10% trong quý III/2021 nhờ gia tăng thị phần tại thị trường Trung Quốc và Mỹ khi các đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam (Ấn Độ, Ecuador) vẫn còn bị gián đoạn nguồn cung do đại dịch.
Xuất khẩu cá tra Việt Nam lũy kế 5 tháng đầu năm 2021 tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 623 triệu USD chủ yếu do tăng trưởng mạnh ở thị trường Mỹ, với mức tăng 136% trong tháng 4 và tăng khoảng 200% trong tháng 5.
Xuất khẩu cá tra Việt Nam kỳ vọng sẽ duy trì đà tăng trưởng trên 10% trong quý III nhờ hai yếu tố (1) Tác động của các FTA tại các thị trường Mỹ, EU, CPTPP và (2) Nhu cầu hồi phục mạnh sau đại dịch tại các thị trường xuất khẩu chủ lực.
Bên cạnh đó, theo Vasep, xuất khẩu thủy sản dự báo tăng tốc từ tháng 3/2021 do các doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị kĩ về nguồn cung. Ngoài ra, các thị trường tiêu thụ thủy sản của Việt Nam dự báo cũng sẽ mở cửa dần nền kinh tế sau khi vắc xin COVID-19 được phổ cập, dẫn tới thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân, đặc biệt là tại thị trường Mỹ.
Hàng rào thuế quan đối với thủy sản Việt Nam cũng được tháo gỡ đáng kể khi các hiệp định FTA đi vào hiệu lực và áp lực từ thuế chống bán phá giá được giảm nhẹ hơn trong năm 2021.