Việt Nam có thể không cần xây thêm nhà máy điện than
Việt Nam sẽ cấp phép 3 dự án nhà máy điện than trị giá 7,5 tỷ USD |
Nhà máy điện mặt trời của TTC ở Thừa Thiên-Huế vừa đi vào hoạt động
ẢNH: THANH XUÂN |
Đó là nội dung chính của “Bản thiết kế cho tương lai năng lượng sạch của VN” do Trung tâm phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) công bố gần đây. Bản thiết kế được xây dựng theo hướng có lợi cho sức khỏe, hợp lý về chi phí và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Theo ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn TTC, phát triển năng lượng sạch là xu hướng tất yếu và đã tăng trưởng nhiều trong các năm qua trên thế giới. VN đang phát triển, có nhu cầu sử dụng điện cao, việc giảm tỷ lệ năng lượng hóa thạch thay thế bằng nguồn năng lượng sạch đang là hướng đi được Chính phủ đặc biệt quan tâm và chỉ đạo thúc đẩy trong thời gian qua. TTC đang thực hiện các dự án năng lượng khác như điện gió, điện mặt trời, rooftop (điện mặt trời trên mái nhà)… Chỉ tính riêng mảng năng lượng mặt trời, TTC đang triển khai 6 nhà máy được bổ sung quy hoạch, vận hành trước tháng 6.2019. Ngoài việc khánh thành Nhà máy điện mặt trời TTC Phong Điền, dự kiến vào quý 4/2018, Công ty CP điện Gia Lai (GEC) cũng sẽ chính thức đưa Nhà máy điện mặt trời TTC Krông Pa tại tỉnh Gia Lai đi vào hoạt động. Dự án có công suất 49 MW, tổng vốn đầu tư trên 1.406 tỉ đồng. Kế hoạch chiến lược đến năm 2020, TTC sẽ năng công suất lên 1.000 MW tại các tỉnh thành có tiềm năng phát triển điện mặt trời như Bình Thuận, Ninh Thuận, Tây Ninh, Bến Tre…
Với sự tham gia mạnh mẽ của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, có thể VN không cần phát triển thêm các dự án nhiệt điện than. Nghiên cứu của GreenID cho thấy, so với QHĐ VII ĐC, bản thiết kế này đề xuất đến năm 2030 tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo từ khoảng 21% lên khoảng 30%; tăng tỷ trọng nhiệt điện khí từ khoảng 14,7% lên khoảng 22,8%; và giảm tỷ trọng của nhiệt điện than từ khoảng 42,6% xuống còn khoảng 24,4%.
Bản thiết kế chỉ ra 6 lợi ích quan trọng mang lại cho VN khi giảm điện than gồm: Tăng cường an ninh năng lượng do giảm tỷ lệ nhập khẩu than. Tránh được việc phải xây dựng thêm khoảng 30.000 MW nhiệt điện than vào năm 2030, tương đương khoảng 25 nhà máy điện than. Giảm áp lực huy động 60 tỉ USD vốn đầu tư cho những dự án nhiệt điện than này. Tránh được việc đốt khoảng 70 triệu tấn than/năm tương ứng với 7 tỉ USD/năm cho việc nhập khẩu than. Giảm phát thải khoảng 116 triệu tấn CO2/năm so với QHĐ VII ĐC, đưa VN theo đúng với mục tiêu của Thỏa thuận Paris. Giảm ô nhiễm không khí và nguồn nước. Ước tính kịch bản này sẽ giúp tránh được khoảng 7.600 ca tử vong sớm hằng năm vào năm 2030 so với QHĐ VII ĐC.
“Chuyển dịch sang năng lượng xanh là rất quan trọng và cần thiết vì VN là một trong số ít các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Hơn nữa, phát triển xanh là hướng đi thông minh cho VN, một quốc gia có tiềm năng năng lượng tái tạo dồi dào, đặc biệt là năng lượng mặt trời và năng lượng gió”, ông Nghiêm Vũ Khải, Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật VN (VUSTA), chia sẻ.
Theo thạc sĩ Trần Đình Sính, Phó giám đốc GreenID, chiến lược điện và an ninh năng lượng của VN hiện tại tập trung quá nhiều vào điện than, cũng giống như bỏ trứng quá nhiều vào cùng một giỏ. Tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo là cách để đảm bảo an ninh năng lượng. Ở các nước phát triển, phát triển năng lượng và phát triển kinh tế theo tỷ lệ 1/1, còn VN tỷ lệ phát triển điện thường cao gấp đôi tỷ lệ phát triển kinh tế. Lý do VN có quá nhiều ngành công nghiệp nặng tiêu tốn nhiều điện. Điều này cho thấy sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả của VN còn dư địa rất lớn, đó là giải pháp cần tính đến.
Theo bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc GreenID, sắp tới Chính phủ sẽ ra QHĐ VIII, theo đó cần nâng cao tỷ lệ các loại năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn, vốn hiện tại quá thấp. Từ đó xây dựng các chính sách ổn định lâu dài cho điện mặt trời, gió để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư và được sự hỗ trợ từ các tổ chức tài chính.