|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Việt Nam chưa thực sự phát huy hết tiềm lực sở hữu trí tuệ

21:29 | 10/05/2019
Chia sẻ
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0, Việt Nam chưa thực sự phát huy hết tiềm lực sở hữu trí tuệ (SHTT) và còn có sự hạn chế nhất định.

Nhận định trên được ông Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) chia sẻ tại tọa đàm “Vai trò của sở hữu trí tuệ với phát triển kinh tế - xã hội” do Bộ KH&CN phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) được tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Tại buổi tọa đàm, ông Chu Ngọc Anh cho biết, mặc dù số lượng tài sản trí tuệ như: sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, tác phẩm văn hóa - nghệ thuật… của Việt Nam không ngừng gia tăng và sáng tạo, nhưng hệ thống SHTT của Việt Nam chưa tiếp cận được với cách thức mới trong khi đây là một cấu phần quan trọng trong hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Do đó, đóng góp của SHTT vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước còn nhiều hạn chế.

Việt Nam chưa thực sự phát huy hết tiềm lực sở hữu trí tuệ - Ảnh 1.

Việt Nam chưa thực sự phát huy hết tiềm lực sở hữu trí tuệ (Ảnh minh họa)

Ông Andrew Michael Ong, Phụ trách Văn phòng khu vực châu Á - Thái Bình Dương, WIPO chia sẻ, năm 2018 Việt Nam đứng thứ 2 về chỉ số đổi mới sáng tạo (GILL) trong nhóm 30 quốc gia có thu nhập trung bình thấp, và đứng thứ 45 toàn cầu.

Để duy trì thứ hạng cao trong thời gian dài, Việt Nam cần xây dựng hệ thống SHTT phù hợp với nhu cầu và mong muốn của quốc gia, lồng ghép vấn đề SHTT vào các chính sách, chương trình và thể chế phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Chu Ngọc Anh cho biết thêm, trong thời gian tới, để xây dựng chiến lược SHTT quốc gia, Bộ KH&CN đã thành lập ban soạn thảo và tổ biên tập với sự tham gia tích cực của các thành viên đến từ các Bộ, ngành hữu quan và nhận được sự hỗ trợ, tư vấn của các chuyên gia quốc tế, đặc biệt là chuyên gia đến từ WIPO.

Về bảo hộ độc quyền SHTT, ông Chu Ngọc Anh cũng nhận định, bên cạnh ý nghĩa bảo vệ thành quả sáng tạo thì việc làm này còn chống cạnh tranh không lành mạnh, làm giàu tài sản trí tuệ và đây là nguồn tài nguyên vô tận tạo nên nội lực quốc gia và sự phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng hiện nay ở Việt Nam những đóng góp của SHTT còn có những rào cản nhất định, điển hình như số lượng tài sản trí tuệ có giá trị cao, có khả năng cạnh tranh quốc tế của Việt Nam không nhiều.

"Vì vậy, với yêu cầu phát triển kinh tế hiện nay chúng ta phải tăng cường đổi mới sáng tạo, thúc đẩy việc ứng dụng tri thức để tạo ra sản phẩm, dịch vụ cho xã hội, đảm bảo tiến trình biến đổi tri thức thành các lợi ích kinh tế và lợi ích xã hội, thương mại hóa tài sản trí tuệ", ông Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.

Các chuyên gia cũng đồng lòng khuyến nghị, cần lồng ghép SHTT vào các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, chính sách khoa học công nghệ và chính sách của các ngành, lĩnh vực để sở hữu trí tuệ phát huy tốt nhất vai trò của mình và đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội.

Nguyễn Hưng