|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Doanh nghiệp thờ ơ với đăng ký sáng chế

07:52 | 16/11/2019
Chia sẻ
Dù đã hội nhập sâu rộng nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chưa coi trọng bảo hộ tài sản trí tuệ

Theo số liệu của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), Việt Nam đã có 35 năm phát triển sở hữu trí tuệ (SHTT)nhưng đến nay, khung pháp lý cho SHTT vẫn chưa đến được với tất cả doanh nghiệp (DN), một phần do cách làm chưa mang tính thị trường cao.

Mơ hồ về tài sản vô hình

Thời gian gần đây, một bộ phận DN đã có ý thức về quyền SHTT và tiến hành đăng ký các quyền SHTT liên quan. Mặc dù vậy, hầu hết DN chỉ chú trọng vào nhãn hiệu mà chưa quan tâm đến việc đăng ký bảo vệ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp. 

Cụ thể, tỉ lệ đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam chiếm khoảng 70%, đăng ký kiểu dáng công nghiệp khoảng 50%, còn đăng ký sáng chế chỉ trên dưới 10%. 

Năm 2018, cả nước chỉ có 646 đăng ký sáng chế. Trong khi đó, cùng với phong trào khởi nghiệp đang được nhà nước khuyến khích, hỗ trợ và sự lớn mạnh của nền kinh tế, số sản phẩm mới lạ, độc đáo "made in Vietnam" tham gia thị trường hằng năm rất lớn.

Doanh nghiệp thờ ơ với đăng ký sáng chế - Ảnh 1.

Vinamit là một trong những doanh nghiệp Việt đã đăng ký bảo hộ sáng chế cho các công nghệ sản xuất của mình ở Mỹ Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Công ty TNHH Đầu tư Mỹ Kim (Công ty Mỹ Kim) vừa công bố hợp tác với Le Group Ventures để cùng phát triển và sản xuất sản phẩm "Kệ rau thông minh trong nhà - Rau3S": kệ trồng rau thủy canh trong nhà có khả năng cân chỉnh từ ánh sáng, độ ẩm, dinh dưỡng, kể cả việc kiểm soát hàm lượng dinh dưỡng an toàn trong rau cho người tiêu dùng. 

Cùng với kế hoạch tiếp nhận đầu tư để đẩy mạnh tiếp thị bán hàng, Công ty Mỹ Kim tính đến việc đăng ký sáng chế cho sản phẩm để được bảo hộ quyền SHTT. Đây chỉ là một trong số những DN quan tâm đến bảo vệ tài sản trí tuệ.

Giải thích lý do nhiều DN còn "ngó lơ" việc đăng ký phát minh, sáng chế, ông Sĩ Lê, Giám đốc điều hành Công ty CP IP Group (đơn vị chuyên về tư vấn, hỗ trợ đăng ký bảo hộ trí tuệ), cho biết phần lớn DN khởi nghiệp, DN nhỏ và siêu nhỏ còn "lấn cấn" trong việc đăng ký sáng chế. 

"Đăng ký 1 sáng chế mất trên 30 triệu đồng, nhiều DN chưa chủ động dành ngân sách để đăng ký một phần do chưa tự tin về sáng chế của họ, một phần chưa hiểu hết giá trị của việc sở hữu chứng nhận sáng chế. Tình trạng chung là DN khi có ý tưởng hoặc phát minh, sáng chế chỉ muốn thương mại hóa nhanh để thu lợi nhuận chứ chưa nghĩ tới bảo hộ tài sản trí tuệ", ông Sĩ Lê nói.

Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc điều hành Sihub (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM), nhiều năm nay, dù nhà nước đã mở nhiều khóa tập huấn về SHTT nhưng công tác tuyên truyền lẫn kỹ năng hướng dẫn của các cán bộ tập huấn chưa thật sự tốt nên hiệu quả tuyên truyền chưa đạt như mong muốn. 

Do vậy, DN thay vì nhận thức tốt và chủ động tìm hiểu về SHTT lại thấy quy trình rối rắm, phức tạp, tốn kém nên bỏ qua.

Không thể không làm!

Theo các DN chuyên làm dịch vụ đăng ký SHTT, xu hướng DN có nhu cầu đăng ký SHTT nói chung (bao gồm đăng ký quyền sở hữu nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế...) đang tăng dần, có thể tăng lên gấp 2-3 lần trong năm sau. 

Một số DN lớn đăng ký sáng chế tại nước ngoài, đặc biệt là tại Mỹ, châu Âu để bảo vệ quyền lợi những thị trường này và cả những thị trường khác trong khu vực. Vinamit, Dược Hậu Giang, Điện Quang, Masan, Viettel... là những cái tên đã đăng ký bảo hộ tại Mỹ không chỉ cho 1 mà khá nhiều sáng chế của DN.

Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinamit, cho biết Vinamit đã tốn rất nhiều tiền để đăng ký bảo hộ cho hàng chục phát minh sáng chế tại Mỹ (chi phí trung bình cho mỗi hồ sơ trên dưới 12.000 USD - PV) vì đó là "việc phải làm để tự vệ trước sự cạnh tranh tại thị trường Mỹ, Việt Nam lẫn các nước Đông Nam Á". 

"Thời điểm Vinamit phát minh ra công nghệ làm mít sấy, bảo hộ sáng chế tại Việt Nam còn quá yếu nên một số công ty đã ăn cắp công nghệ này và sản xuất sản phẩm cùng loại rồi cạnh tranh trực tiếp với Vinamit nhưng chúng tôi đành... cho qua. 

Rút kinh nghiệm với những sáng chế gần đây liên quan đến công nghệ sấy đông khô, sản phẩm sinh học… Vinamit chọn đăng ký tại Mỹ lẫn Việt Nam để giảm thiểu rủi ro bị xâm phạm sáng chế và có đủ công cụ tự vệ trong trường hợp bị xâm phạm" - vị chủ tịch của Vinamit chia sẻ.

Tổng giám đốc một DN chế biến thực phẩm cũng đăng ký sáng chế thành công tại Mỹ giải thích sở dĩ chọn Mỹ là do chứng nhận do Mỹ cấp có sức ảnh hưởng tại nhiều thị trường, kể cả Việt Nam. 

"Chúng tôi tốn rất nhiều thời gian, tiền bạc nghiên cứu, thử nghiệm mới có được sáng chế, nếu không kịp thời đăng ký bảo hộ sẽ khó đòi được quyền lợi chính đáng khi bị ăn cắp" - vị tổng giám đốc này nói và dẫn chứng một số sản phẩm của công ty đã nghiên cứu rất công phu mới hoàn chỉnh, đưa ra thị trường nhưng gần như ngay sau đó đã bị sản xuất theo, tung sản phẩm với giá rất cạnh tranh. 

"Giờ thì không phải lo nữa, nếu muốn, có thể yêu cầu những DN đó trả tiền sáng chế mới được sản xuất hoặc kiện họ ra tòa để đòi bồi thường. Trong những trường hợp này, ai có chứng nhận sáng chế, người đó sẽ thắng kiện" - đại diện DN này tuyên bố. 

Đăng ký như thế nào?

Theo ông Huỳnh Kim Tước, nếu muốn đăng ký SHTT, DN nên liên hệ sở khoa học và công nghệ, Sihub hoặc các vườn ươm, các trung tâm, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, khu công nghệ cao hoặc các tổ chức trung gian chuyên làm dịch vụ tư vấn đăng ký SHTT để được hỗ trợ rà soát đánh giá và tư vấn thực hiện. "Trước hết, cần tra cứu xem sáng chế DN muốn đăng ký đã có cá nhân, tổ chức nào đăng ký chưa; nên đăng ký cả sản phẩm hay chỉ một bộ phận, một linh kiện trong đó và đánh giá tính khả thi, tính thị trường của sản phẩm/linh kiện muốn đăng ký. Nếu đáp ứng các yêu cầu trên sẽ được tư vấn trình tự thủ tục, mô tả sáng chế ra sao cho thuyết phục hội đồng thẩm định... để tiết kiệm thời gian, chi phí và hiệu quả nhất" - ông Huỳnh Kim Tước lưu ý.

Còn ông Sĩ Lê lại cho biết để sáng chế được cấp chứng nhận, việc viết mô tả sáng chế đóng vai trò quan trọng nhất. Theo ông Sĩ Lê, mỗi hồ sơ đăng ký sáng chế tại nước ngoài mất khoảng 1,5-2 năm, tại Việt Nam cũng mất chừng đó thời gian nhưng còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, nhất là khâu thẩm định hồ sơ.

Phương An