|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Viện nghiên cứu Đông Nam Á đánh giá cao sự phát triển kinh tế của Việt Nam

03:40 | 05/09/2020
Chia sẻ
Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) ngày 2/9 đăng bài viết về sự phát triển của kinh tế Việt Nam, trong đó nhấn mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam trong 30 năm qua phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với các công ty có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 67,9% tổng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2019.
Viện nghiên cứu Đông Nam Á đánh giá cao sự phát triển kinh tế của Việt Nam - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: AFP

Bài viết nêu rõ giao thương quốc tế và FDI trong hơn 30 năm qua đã giúp Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới. Chẳng hạn, năm 2017, tỷ trọng thương mại trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam là 200,4%, mức cao thứ 6 trên thế giới. 

Tại châu Á, Việt Nam chỉ đứng sau Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) với 375,1% và Singapore với 322,4%. Tương tự, FDI cũng đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của Việt Nam. 

Năm 2019, dòng vốn FDI hàng năm của Việt Nam tương đương 6,3% GDP, cao thứ 4 ở Đông Nam Á, sau Singapore (28,3%), Campuchia (13,7%) và Lào (7,4%).

Sự cởi mở của Việt Nam đối với thương mại và FDI bắt nguồn từ sự kết hợp giữa những tính toán cả về mặt chiến lược và kinh tế. Việt Nam coi hội nhập kinh tế quốc tế là biện pháp chủ chốt để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; coi thương mại và đầu tư là các công cụ quan trọng để chuyển đổi và nâng cấp nền kinh tế. 

Đồng thời, Việt Nam cũng có những lợi ích chiến lược khi theo đuổi các cơ chế thương mại mở, đặc biệt là các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nền kinh tế chủ chốt và thu hút FDI.

Các chiến lược gia của Việt Nam tin rằng thông qua hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu và tăng cường các mối quan hệ kinh tế với các cường quốc lớn, Việt Nam có thể gắn kết các lợi ích kinh tế với các đối tác của mình.

Về tổng thể, Việt Nam hưởng lợi từ thương mại và FDI. Tuy nhiên, sự phụ thuộc quá lớn vào xuất khẩu và FDI cũng được coi là một thách thức tiềm ẩn. 

Theo số liệu năm 2019, các công ty có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp tới 67,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Việc quá phụ thuộc của Việt Nam vào xuất khẩu và FDI đã khiến nhiều nhà hoạch định chính sách lo ngại.

Chính phủ Việt Nam cũng hiểu rõ điều đó và cũng đã thực thi một số biện pháp để khắc phục tình trạng này. 

Giải pháp chủ chốt là tăng cường năng lực sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp nội địa để họ có thể đóng vai trò lớn hơn trong nền kinh tế. Điều này thể hiện trong bài phát biểu của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc gặp với các doanh nghiệp nội địa tháng 6/2019. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi đó nhấn mạnh: “Chúng ta phải xây dựng một nền kinh tế tự cường trong hội nhập quốc tế. Vì vậy, phải có đội ngũ doanh nghiệp với các loại hình doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp tư nhân Việt Nam”.

Chính sách FDI của Việt Nam từ lâu ưu tiên hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, gần đây, Chính phủ Việt Nam đã nhấn mạnh 4 nguyên tắc then chốt trong đối xử với các doanh nghiệp, đó là bình đẳng, được bảo vệ, khích lệ và trao cơ hội.

Biện pháp thứ hai mà Việt Nam đang thực hiện là khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân mở rộng kinh doanh, đặc biệt là sản xuất và các ngành công nghệ cao, nhằm tăng cường nền công nghiệp nội địa. 

Sự ủng hộ của Chính phủ Việt Nam cho Vingroup, tập đoàn tư nhân lớn nhất của Việt Nam, mở rộng hoạt động thêm các ngành công nghiệp công nghệ cao, điện tử và ô tô là một ví dụ điển hình. 

Nếu thành công, các doanh nghiệp này không chỉ thúc đẩy tăng trưởng GDP của Việt Nam mà còn tạo ra nhiều mặt hàng xuất khẩu hơn cho Việt Nam. Nói cho cùng, các nhà đầu tư nước ngoài có thể đến rồi đi, nhưng các doanh nghiệp trong nước sẽ ở lại mãi mãi. 

Sự thành công và các cam kết dài hạn của họ chính là yếu tố then chốt cho sự tự chủ và thịnh vượng kinh tế về dài hạn của Việt Nam.

Cuối cùng, các doanh nghiệp Việt Nam hiện đang được khuyến khích và hỗ trợ hợp tác cùng với các công ty nước ngoài để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây là biện pháp quan trọng để giúp các doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh và đóng vai trò lớn hơn trong nền kinh tế về dài hạn. 

Tuy nhiên, đây vẫn là một thách thức, bởi sau hơn 30 năm, những tác động tích cực từ FDI vẫn còn hạn chế. Chẳng hạn, Samsung chủ yếu nhập linh kiện từ các nhà cung cấp nước ngoài để sản xuất điện thoại. 

Trong số các nhà cung cấp, hiện chiếm 80% giao dịch với Samgsung, có tới 28 nhà cung cấp đặt tại Việt Nam nhưng họ đều là công ty nước ngoài.

Nếu tất cả các biện pháp nói trên được thực hiện thành công, nền kinh tế Việt Nam sẽ trở nên tự cường hơn và mô hình tăng trưởng nhờ FDI và xuất khẩu có thể sẽ được coi là một thành công.

Lê Dương

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.