Vị trí hàng đầu về start-up của Anh tại châu Âu đang bị đe dọa vì Brexit
Theo Telegraph, Vương quốc Anh hiện đang nắm gần một phần ba số lao động trong start-up công nghệ tại châu Âu, xếp trên Pháp với 19% và Đức với 18%, nghiên cứu của hãng Balderton chỉ ra.
Tuy nhiên, các công ty công nghệ, vốn có tỷ lệ lao động nước ngoài cao, lo ngại rằng vị thế này của Anh có thể bị đe dọa bởi đồng bảng rớt giá khiến tiền lương tại nước này kém cạnh tranh hơn và việc Chính phủ xem xét giảm sự di chuyển tự do của người dân.
Số liệu chính thức cho thấy công nghệ là một trong những ngành mà nước Anh phụ thuộc nhiều vào lao động nước ngoài, với hơn một phần năm lao động đến từ nước ngoài. Phân tích của Balderton cũng chỉ ra rằng 42% các start-up công nghệ mới tại Anh năm 2015 có ít nhất một người sáng lập đến từ nuwocs ngoài.
Một cuộc khảo sát với giám đốc điều hành và nhân viên cao cấp chỉ ra rằng 82% các start-up Anh cũng lo ngại về khả năng tiếp cận với nhân tài sau Brexit.
Balderton cho rằng sự hấp dẫn của nước Anh với lực lượng lao động di cư có thể giảm nhanh chóng và rằng chi phí để tuyển dụng các nhân sự cần có thị thực nhập cảnh có thể trở thành vấn đề quan trọng, nếu các chính sách đối với lao động có tay nghề thay đổi đáng kể sau Brexit.
Hiện nay, các doanh nghiệp có thể tuyển dụng những người có tay nghề cao từ bất cứ đâu tại châu Âu mà không cần có thị thực nhập cảnh trong vòng 3 tuần. Trong khi không rõ rằng liệu điều gì sẽ xảy ra sau Brexit, Balderton chỉ ra rằng thời gian trung bình để thuê nhân sự từ đâu đó trên thế giới với yêu cầu phải có thị thực cấp 2 là 16 tuần.
"Các công ty công nghệ tuyển dụng rất nhanh và tăng trưởng nhanh chóng", James Wise, một đối tác tại Balderton cho biết. "Việc tuyển dụng trong một vài tuần là tiêu chuẩn, nên do đó việc phải thông qua hệ thống cấp thị thực tốn tới 16 tuần sẽ làm giảm nghiêm trọng khả năng cạnh tranh".
Ông Wise cũng nói thêm rằng London cùng với Paris và Berlin, hiện chiếm lĩnh ngành công nghệ về lao động và đầu tư. London nói riêng đã hưởng lợi đáng kể từ người lao động nhập cư, với 40% doanh nghiệp công nghệ thành lập năm ngoái có ít nhất một người sáng lập không phải là người bản địa.
Tuy nhiên, điểm yếu liên quan tới đồng bảng sau cuộc trưng cầu dân ý, cùng với sự sẵn lòng của các nhà lập trình trong việc di chuyển và làm việc tại các trung tâm công nghệ nhỏ hơn, có thể làm giảm lợi thế tương đối mà London có được nếu không có chính sách hỗ trợ thích hợp sau Brexit.