Vì sao Warren Buffett liên tục bán ra cổ phiếu ngân hàng lớn thứ hai của Mỹ?
Tập đoàn Berkshire Hathaway của nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett đang nhanh chóng bán bớt cổ phiếu lớn thứ hai trong danh mục.
Tờ Bloomberg cho biết tính trong tháng 7, Berkshire đã bán ra tổng cộng hơn 3 tỷ USD cổ phiếu Bank of America, khiến cổ phần của tập đoàn trong ngân hàng này giảm 6,9%.
Tuy nhiên, Berkshire vẫn nắm giữ gần 962 triệu cổ phiếu Bank of America, trị giá khoảng 39,5 tỷ USD theo giá đóng cửa ngày 29/7.
Bank of America là một trong các thương vụ nổi tiếng nhất của Warren Buffett. Ông mua 5 tỷ USD cổ phiếu ưu đãi và chứng quyền của Bank of America vào năm 2011, khi ngân hàng này chao đảo vì các khoản lỗ liên quan đến nợ dưới chuẩn.
Động thái của Buffett củng cố niềm tin của giới đầu tư vào Bank of America và giúp ngân hàng vượt qua cơn bĩ cực. Buffett chuyển đổi số chứng quyền đó thành cổ phiếu vào năm 2017, biến Berkshire thành cổ đông lớn nhất của Bank of America. Ông cam kết “phải rất lâu nữa” mình mới bán ra.
Ngày nay, Bank of America là ngân hàng lớn thứ hai của nước Mỹ, với tổng tài sản 2.540 tỷ USD tính đến tháng 3/2024, chỉ sau JPMorgan Chase. Bank of America hiện phục vụ khoảng 68 triệu khách hàng cá nhân và doanh nghiệp nhỏ trên toàn thế giới.
Nhà đầu tư huyền thoại còn từng tiết lộ rằng ông “rất thích” công việc kinh doanh, định giá và cách quản lý của Bank of America.
Dưới sự lãnh đạo của CEO Brian Moynihan - vị thuyền trưởng đã chèo lái ngân hàng kể từ năm 2010 - Bank of America đã đạt được kết quả kinh doanh ấn tượng trong quý II.
Sao lại bán?
Vậy, vì sao Berkshire lại cắt giảm khoản đầu tư thành công của họ?
Một trong những điểm đáng ngại về Bank of America là định giá. Cổ phiếu Bank of America hiện giao dịch với giá gấp 12 lần thu nhập dự phóng, cao hơn mức định giá trung bình trong hai năm qua là gấp 10 lần, FactSet cho biết.
Giá cổ phiếu Bank of America đã tăng 24% kể từ đầu năm, cao hơn tỷ suất sinh lời của S&P 500 là gần 15%. Do đó, Berkshire có thể đang chốt một phần lợi nhuận sau khi cổ phiếu Bank of America leo lên mức cao nhất kể từ tháng 3/2022.
Chi phí của Berkshire cho vị thế trong Bank of America vào khoảng 14,15 USD/cp hoặc 14,6 USD/cp, theo nhà phân tích James Shanahan tại Edward Jones. Bank of America đóng cửa ở mức 41,09 USD/cp trong phiên 29/7.
Nghĩa vụ thuế
Thuế cũng có thể là động lực thúc đẩy Berkshire bán bớt cổ phiếu Bank of America. Vào quý I, Berkshire cũng bán một phần nhỏ trong lượng lớn cổ phiếu Apple mà tập đoàn nắm giữ.
Buffett ẩn ý rằng quyết định này nhằm giúp tập đoàn tránh phải trả nhiều tiền thuế hơn nếu thuế thu nhập doanh nghiệp tăng lên trong tương lai.
Ông phát biểu tại cuộc họp thường niên của Berkshire hồi đầu tháng 5: “Tôi không hề thấy phiền khi viếc séc để trả tiền thuế. Tôi thực sự hy vọng rằng với tất cả những gì nước Mỹ đã làm cho chúng ta, các vị cũng sẽ không thấy phiền khi Berkshire nộp thuế.
Thuế suất mà Berkshire phải trả hiện là 21%, nếu con số này đi lên chút đỉnh trong thời gian tới, tôi nghĩ hẳn các vị cũng sẽ không bận tâm vì chúng tôi đã bán một ít cổ phiếu Apple trong năm nay”.
Là một doanh nghiệp, bất kỳ thu nhập nào Berkshire tạo ra - dù là từ các công ty con hay các khoản đầu tư cổ phiếu như Apple - đều chịu thuế suất 21%. Tổng tiền thuế mà Berkshire phải thanh toán cho năm 2023 là hơn 5 tỷ USD.
Warren Buffett tin rằng thuế thu nhập doanh nghiệp có thể sẽ tăng lên để giúp chính phủ giảm bớt thâm hụt ngân sách khổng lồ.
Khoản đầu tư lý thú
Theo CNBC, khoản đầu tư vào Bank of America của Berkshire là một trong những câu chuyện kỳ lạ và được yêu thích nhất trên Phố Wall bởi Buffett tiết lộ rằng ông nảy ra ý tưởng đó khi đang ở trong bồn tắm.
Buffett chia sẻ tại cuộc họp cổ đông thường niên năm 2017: “Sự thực là tôi đang ở trong bồn tắm và rất ngẫu nhiên, tôi nảy ra ý tưởng liên lạc với Bank of America để hỏi xem họ có muốn bán cổ phiếu ưu đãi hay không”.
Sức hấp dẫn của câu chuyện càng tăng lên khi CEO Moynihan của Bank of America tiết lộ rằng đầu tiên Buffett cố gọi cho ông qua tổng đài chung của nhà băng này.
Nhà đầu tư huyền thoại đã bị một nhân viên trực tổng đài ngắt máy. Tuy nhiên, “màn đón tiếp” kém thân thiện không khiến Buffett nản chí. Thương vụ được hoàn thiện trong vòng vài giờ sau khi cuối cùng ông và CEO Moynihan kết nối được với nhau.