|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Vì sao Uber ngừng hoạt động ở Đài Loan?

19:04 | 27/02/2017
Chia sẻ
Ngày 10-2 vừa qua tập đoàn Uber (Mỹ) công bố ngừng toàn bộ hoạt động tại Đài Loan, gây ngạc nhiên cho giới quan sát đang hy vọng quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Đài Loan sẽ bước vào thời kỳ nồng ấm mới sau khi tân Tổng thống Mỹ Donald Trump tỏ ra hòa dịu với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn.
vi sao uber ngung hoat dong o dai loan
Lái xe taxi (truyền thống )ở Đài Bắc đình công và biểu tình để phản đối Uber Technologies. Ảnh AP

Uber Technologies – một trong những công ty công nghệ số thành công nhất thế giới - buộc phải dừng hoạt động sau khi Đài Loan ban hành một đạo luật mới theo đó các dịch vụ vận tải không có giấy phép như Uber sẽ bị phạt tới 800.000 đô la Mỹ (hơn 17 tỉ đồng Việt Nam) mỗi lần vi phạm.

Damian Alexander Kassabgi, giám đốc về chính sách công của Uber tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, than thở: “Chúng tôi chưa từng gặp chuyện như thế này bao giờ. Chúng tôi đã bị phạt 8 triệu đô la cho nên không có cách nào khác là phải tạm dừng hoạt động để chờ chính quyền đưa ra hướng giải quyết”.

Tính đến nay, Uber hoạt động ở Đài Loan đã được ba năm, cung cấp dịch vụ chia sẻ phương tiện đi lại, và bắt đầu trở thành mục tiêu tấn công từ tháng 8 năm ngoái. Lúc đầu, chính quyền Đài Bắc dọa thu hồi giấy phép hoạt động của Uber, rồi tháng trước, đạo luật “khắc nghiệt” nói trên được ban hành, áp đặt mức phạt cao ngất ngưởng.

Từ góc nhìn của Uber, Đài Loan ban hành đạo luật nói trên nhằm bảo vệ ngành taxi truyền thống – một ngành kinh doanh có nhiều ảnh hưởng chính trị – thay vì chấp nhận cạnh tranh hoặc cập nhật luật pháp cho phù hợp với thực tiễn phát triển của công nghệ. “Tại thời điểm này ngành taxi truyền thống đã thắng!”, ông Kassabgi nói.

Nhưng chính quyền Đài Loan lại có quan điểm khác. Một văn bản của chính phủ phát ra hồi tháng 12-2016 xác định: “Đa số các quốc gia đều quản lý các doanh nghiệp vận tải công cộng bởi vì các dịch vụ này ảnh hưởng tới quyền lợi của người tiêu dùng và sự an toàn căn bản trong vận tải. Một sự can thiệp của chính quyền ở mức độ phù hợp như vậy là hết sức cần thiết để duy trì trật tự thị trường và bảo vệ lợi ích công cộng”, văn bản viết.

Cuối năm ngoái, trả lời phỏng vấn qua điện thoại của hãng tin Bloomberg, ông Yeh Kuang-shih, Bộ trưởng giao thông Đài Loan, nói rằng: "Mô hình kinh doanh mà họ (Uber) đang vận hành là bất hợp pháp. Uber không có giấy phép cung ứng dịch vụ liên quan tới vận tải trong khi những gì họ đang làm thực sự là dịch vụ vận tải".

Cho đến nay thì số phận của Uber ở Đài Loan có vẻ như phụ thuộc vào sự can thiệp của Bộ Ngoại giao Mỹ yêu cầu Đài Loan xem xét lại luật lệ của mình, nhưng kết quả thế nào thì chưa biết trước được.

Đài Loan là khách hàng quan trọng của Mỹ ở châu Á và quan hệ Mỹ - Đài Loan đã ấm lên rất nhiều trong thời gian gần đây. Vì thế, nhiều người suy luận rằng, quyết định của Đài Loan cấm cửa một công ty lớn của Mỹ, vừa bất ngờ, vừa tạo tiền lệ để các nước khác – không thân thiết với Mỹ bằng Đài Loan – đưa ra những đạo luật tương tự.

Mặt khác, chính quyền mới của ông Donald Trump nói rằng, trong giao thương quốc tế, Mỹ luôn luôn bị chèn ép khi các đối tác tìm cách thâm nhập sâu vào thị trường Mỹ nhưng lại ra sức bảo hộ thị trường trong nước, gây khó khăn cho các công ty Mỹ, dẫn tới tình trạng Mỹ luôn bị thâm hụt thương mại. Ông Trump cũng dọa sẽ áp thuế trừng phạt lên hàng hóa nhập khẩu để “tạo sân chơi công bằng”. Vụ Đài Loan phạt nặng công ty Uber có khả năng sẽ dẫn tới hành động trả đũa của Mỹ.

Phát ngôn viên của Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại thủ đô Washington D.C. nói rằng, họ không lo lắng về biện pháp trả đũa của Mỹ mà chỉ đặt mục tiêu doanh nghiệp phải tuân thủ luật pháp địa phương.

Nhiều nhà quan sát cho rằng, đặt ra luật lệ khắc nghiệt để hạn chế hay cấm cản Uber và các công ty công nghệ “chia sẻ” khác như Grab, chỉ là dựng một bức màn khói để che giấu động cơ thật là bảo vệ ngành taxi truyền thống. Lập luận của những người “chống-Uber” là phương thức kinh doanh này lấy đi công ăn việc làm của người lái xe taxi, làm gia tăng nạn thất nghiệp. Thực tế cho thấy ở những nơi mà Uber hoạt động thì ngành taxi truyền thống đều gặp khó; nhưng Uber không lấy mất công ăn việc làm của nền kinh tế: nhiều tài xế taxi bị mất việc nhưng công việc mới lại được tạo ra cho những người chạy xe Uber.

Cho đến nay, cuộc tranh cãi quanh dịch vụ Uber ở nhiều nước vẫn chưa kết thúc; còn ở Đài Loan nó có nguy cơ tác động tới nhiều lĩnh vực khác, làm các nhà kinh doanh Mỹ muốn đầu tư vào Đài Loan - “Thung lũng Silicon châu Á” – phải suy nghĩ lại.

Để bảo vệ ngành taxi truyền thống, có nhất thiết phải đánh đổi bằng quan hệ với đối tác kinh tế quan trọng nhất hay không? Đó là một câu hỏi khó mà Uber muốn biết câu trả lời của Đài Bắc.

Thái Bình