Vì sao TP HCM phải di dời cảng Tân Thuận để xây cầu Thủ Thiêm 4
Khi xây cầu Thủ Thiêm 4 với tĩnh không 10m, gần như toàn bộ khu bến Tân Thuận của cảng Sài Gòn sẽ phải ngưng hoạt động. (Ảnh minh họa) |
Vì sao phải di dời cảng Tân Thuận để xây cầu Thủ Thiêm 4?
Theo giải trình của UBND TP, dự án cầu Thủ Thiêm 4 có ảnh hưởng đến hoạt động của các cầu cảng hiện hữu trên sông Sài Gòn. Cụ thể khi triển khai xây cầu với tĩnh không B×H=80×10m sẽ ảnh hưởng đến bến cảng Tân Thuận Đông, giảm khả năng tiếp nhận tàu cập cảng tại một số cầu tàu của cảng Sài Gòn... Nếu đầu tư cầu Thủ Thiêm 4 với tĩnh không tương đương như cầu Phú Mỹ là 45m thì sẽ đảm bảo duy trì được hoạt động khai thác của các bến cảng hiện hữu, tuy nhiên tổng mức đầu tư sẽ rất cao.
Cầu Thủ Thiêm 4 có tổng mức đầu tư dự án gần 5.254 tỷ đồng. Tổng chiều dài khoảng 2.160m, chiều dài cầu là 1.565m; khẩu độ, tĩnh không B×H=80×10m. Cầu chính gồm 6 làn xe nối từ bờ quận 7 qua hết cầu phía quận 2; nhánh cầu dẫn N1, N2 bờ quận 7 (từ cầu chính đáp xuống đường Huỳnh Tấn Phát) có 2 làn xe; cầu dẫn trên đường Nguyễn Văn Linh bố trí từ trước nút giao Nguyễn Văn Linh – cầu Tân Thuận 2 có 4 làn xe. |
Theo Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Đông Nam Bộ (nhóm 5) giai đoạn đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 do Thủ tướng duyệt năm 2005, Khu bến cảng trên sông Sài Gòn (gồm 11 bến cảng/cầu cảng) sẽ di dời, chuyển đổi công năng; chuyển một phần bến cảng Khánh Hội làm bến cảng khách nội địa và Trung tâm Dịch vụ hàng hải.
Hiện nay, lưu lượng phương tiện giao thông từ hướng huyện Nhà Bè, quận 4, quận 7 đi quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức qua đường Nguyễn Tất Thành cùng lưu lượng container ra vào các bến cảng trên địa bàn quận 4, quận 7, tạo thành “điểm đen” giao thông tại nút giao Nguyễn Văn Linh - Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Văn Linh - cầu Tân Thuận 2, đường Nguyễn Tất Thành, cầu Phú Mỹ, cầu Kênh Tẻ… Vì vậy, TP HCM kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương di dời toàn bộ các bến cảng khu vực thượng lưu cầu Thủ Thiêm 4 về cảng Hiệp Phước, huyện Nhà Bè.
Đối với bến cảng Tân Thuận thuộc cảng Sài Gòn, bến cảng này đang khai thác đối với các tàu biển có tĩnh không phù hợp với cầu Phú Mỹ là 45m. Cầu Thủ Thiêm 4 với tĩnh không là 10m thì khi thi công và đi vào hoạt động sẽ trực tiếp dừng hoạt động khai thác tiếp nhận tàu biển của các cầu cảng K12, K12A và K12C; cầu cảng K12B chỉ còn khai thác được phần hạ lưu có chiều dài bến khoảng trên 50m do yêu cầu hành lang an toàn rộng 150m của cầu Thủ Thiêm 4. Như vậy, khi xây cầu Thủ Thiêm 4 với tĩnh không 10m thì sẽ phải ngưng gần như toàn bộ khu bến Tân Thuận của cảng Sài Gòn, nên việc di dời bến cảng Tân Thuận là cần thiết.
Đề xuất thêm thành viên vào Liên danh nhà đầu tư dự án cầu Thủ Thiêm 4
UBND TP HCM đã chấp thuận chủ trương cho phép Liên danh Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt – Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Hạ tầng 620 – Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng 168 tự cân đối chi phí nghiên cứu lập đề xuất dự án theo hình thức BT. Các sở ngành liên quan đã kiểm tra và xác định Liên danh có đủ điều kiện về năng lực tài chính, có tổng vốn chủ sở hữu đảm bảo để thực hiện dự án theo quy định.
Cụ thể, Công ty Phát Đạt thành lập năm 2004, có vốn điều lệ là hơn 2.018 tỷ đồng, trụ sở chính tại quận 7, TP HCM, ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng, mua bán nhà ở, xây dựng công trình đường sắt và đường bộ... Doanh nghiệp này đã thực hiện đầu tư thành công nhiều dự án bất động sản quy mô lớn tại TP HCM như: dự án The EverRich 1 (tổng vốn đầu tư 1.100 tỷ đồng); dự án The EverRich 2 (tổng vốn 8.165 tỷ đồng); The EverRich Infinity (tổng vốn 1.400 tỷ đồng)...; xây dựng cầu Phú Thuận dài 500m (tổng vốn 110 tỷ đồng); tuyến đường phía Tây bán đảo Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh (tổng vốn 789 tỷ đồng)...
Công ty Đầu tư và Phát triển Hạ tầng 620 thành lập năm 2006, vốn điều lệ là 968 tỷ đồng, trụ sở chính tại huyện Cần Đước, tỉnh Long An; ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng cầu đường, cống, hầm chui và cấu kiện bê tông đúc sẵn. Những công trình mà công ty đã và đang thực hiện gồm: thi công gói thầu 5A & 6 thuộc dự án Đường cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây (tổng vốn trên 400 tỷ đồng); liên danh với Phát Đạt đầu tư dự án Tuyến đường phía Tây bán đảo Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh nói trên.
Còn Công ty Đầu tư Phát triển Xây dựng 168 thành lập năm 2013, vốn điều lệ 900 tỷ đồng, trụ sở chính tại huyện Bình Chánh, TP HCM; ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng công trình dân dụng, công trình đường sắt và đường bộ. Công ty này đã và đang thực hiện xây dựng nhiều công trình dân dụng, công trình đường sắt và đường bộ với tổng giá trị 821 tỷ đồng.
Bởi dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 phải thực hiện đồng thời với việc di dời cảng Tân Thuận nhằm đảm bảo tiến độ dự án nên UBND TP HCM kiến nghị bổ sung Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) vào Liên danh tham gia đề xuất dự án.
IPC là doanh nghiệp nhà nước thành lập năm 1989, trụ sở chính tại quận 7, TP HCM, ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng và thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng cho các khu công nghiệp và các khu đô thị; kinh doanh vận tải biển và các dịch vụ liên quan đến vận tải biển; đầu tư tài chính vào các doanh nghiệp khác... Doanh nghiệp đã thực hiện nhiều dự án quy mô như: Khu đô thị mới Nam Thành phố (Phú Mỹ Hưng), Khu dân cư An Phú Tây, Khu công nghiệp Hiệp Phước và đang là Chủ đầu tư dự án Cảng Hiệp Phước.
TP HCM di dời cảng Tân Thuận trước năm 2020 để xây cầu Thủ Thiêm 4
TP HCM kiến nghị, bến cảng Tân Thuận cần di dời trước năm 2020 để xây dựng cầu Thủ Thiêm 4, các bến cảng còn ... |