|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Vì sao TP HCM cần thêm 2 tuần để kiểm soát dịch COVID-19?

20:25 | 12/09/2021
Chia sẻ
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho biết TP HCM xin thêm 2 tuần để kéo giảm số F0 đang cần điều trị và sau 2 tuần, kháng thể của người đã tiêm chủng sẽ được nâng lên, tạo những hiệu quả về mặt dịch tễ.

Sáng 12/9, bên lề cuộc họp với Ban Thường vụ Huyện ủy Cần Giờ về công tác phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên lý giải nguyên nhân TP HCM cần thêm 2 tuần để kiểm soát dịch COVID-19.

Bí thư Thành ủy TP HCM nhận định 2 tuần là quãng thời gian quan trọng và phù hợp với quy luật của dịch bệnh. TP HCM đang có khoảng hơn 100.000 F0 cần quản lý, điều trị. Sau 2 tuần, số F0 trên có thể được kéo giảm, đồng nghĩa việc TP hạn chế, ngăn chặn được nguồn lây lan.

Bên cạnh đó, TP đang có tỷ lệ người dân được tiêm vắc xin COVID-19 ở mức cao. Sau 2 tuần, kháng thể của người đã tiêm chủng sẽ được nâng lên, tạo những hiệu quả về mặt dịch tễ.

Bí thư TP HCM cũng cho biết TP cần tính toán các chiến lược đảm bảo an toàn với phương châm “an toàn mới mở cửa, sản xuất, kinh doanh”. Nếu không, TP có thể chống dịch thành công nhưng sẽ bị khủng hoảng những vấn đề khác.

TP cũng đang phấn đấu thực hiện giải pháp về y tế, trong đó, phải tập trung phát hiện thêm các ca F0 đến mức thấp nhất và điều trị F0 giảm đến mức có thể kiểm soát được. 

“Khi dịch bệnh được kiểm soát, TP sẽ có điều chỉnh biện pháp giãn cách xã hội, có thể là Chỉ thị 15 hoặc Chỉ thị 19 ở một số khu vực, và nếu thuận lợi thì sẽ thực hiện theo trạng thái bình thường mới", ông Nên nhấn mạnh.

Tại hội nghị Thành ủy TP HCM mở rộng chiều qua, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nói có thể TP không hoàn thành mục tiêu cơ bản kiểm soát được dịch trước ngày 15/9 theo Nghị quyết 86 của Chính phủ, mà chỉ có một số quận, huyện hoàn thành. Do đó, TP HCM phải "xin thêm một thời gian nữa", có thể tới hết tháng 9/2021 để hoàn thành mục tiêu đề ra.

Anh Đào

Top 10 địa phương IIP cao nhất 11 tháng: Phú Thọ bất ngờ dẫn đầu
Trong 11 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 43 địa phương trên cả nước cho thấy tín hiệu tích cực của ngành sản xuất. Trong đó các địa phương có IIP tăng cao chủ yếu nhờ hoạt động thuỷ điện hoặc chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh.