|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chuyên gia VinaCapital: Có thể Việt Nam sẽ thay đổi chiến lược chống dịch, kỳ vọng kinh tế lội ngược dòng ngoạn mục sau COVID-19

10:48 | 12/09/2021
Chia sẻ
Chuyên gia Kinh tế trưởng VinaCapital bày tỏ kỳ vọng lạc quan về tăng trưởng kinh tế Việt Nam giữa "bão" COVID-19. Ông cho rằng nhiều doanh nghiệp trong nước đang dần thích nghi với tình hình hiện tại và khối FDI được Chính phủ tạo nhiều điều kiện thuận lợi.

Trong phân tích mới nhất, ông Michael Kokalari, Chuyên gia Kinh tế trưởng VinaCapital nhận định có thể sẽ có thay đổi trong phương pháp chống dịch của Việt Nam.

Tuân trước, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh kiên quyết không để tình trạng giãn cách không triệt để, kéo dài mà không đạt được mục tiêu. 

Trả lời báo chí sáng 5/9, Bí thư Thành ủy TP HCM cũng cho biết TP HCM sẽ mở cửa dần, không thể mãi giãn cách nghiêm ngặt.

TP hiện đang lên kế hoạch để dần đưa mọi thứ trở lại bình thường sau ngày 15/9. TP cũng đã nới lỏng hạn chế với nhân viên giao hàng, bao gồm cả di chuyển trong vùng đỏ. Ngoài ra, hàng quán bán mang về được hoạt động lại với điều kiện đáp ứng các tiêu chí phòng chống dịch.

Ngày 2/9, quận 7 trở thành khu vực đầu tiên ở TP HCM công bố kiểm soát được dịch, có thể cũng sẽ là nơi đầu tiên mở cửa trở lại.

Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới cùng nhiều tổ chức khác lo ngại COVID-19 sẽ làm giảm triển vọng tăng trưởng của các quốc gia ở thị trường mới nổi. 

Dù vậy, VinaCapital tin rằng đại dịch sẽ là chất xúc tác cải thiện tăng trưởng GDP tiềm năng của Việt Nam. Động lực tăng trưởng đến từ khối doanh nghiệp trong nước đang từng bước thích ứng với khủng hoảng hiện tại. VinaCapital cũng ủng hộ việc Chính phủ tiếp tục giải đáp những lo lắng của khối đầu tư nước ngoài.

Chính phủ cam kết bảo vệ lợi ích của khối FDI

Chuyên gia VinaCapital: Có thể Việt Nam sẽ thay đổi chiến lược chống dịch, kỳ vọng kinh tế lội ngược dòng ngoạn mục sau COVID-19 - Ảnh 1.

Chính phủ cam kết bảo vệ lợi ích của các nhà đầu tư FDI. (Ảnh minh họa: Báo Công Thương).

Sự gián đoạn trong sản xuất tại các nhà máy ở Việt Nam gần đây đã thu hút nhiều sự chú ý của truyền thông trong và ngoài nước. 

Cuối tuần trước, Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm nhà máy Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên và tái khẳng định cam kết của Chính phủ trong bảo vệ lợi ích của các nhà đầu tư FDI. 

Thủ tướng cũng có buổi làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp Mỹ. Thủ tướng khẳng định đây chỉ là những khó khăn nhất thời, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh. 

Sự nỗ lực thể hiện qua việc một số nhà máy sản xuất tiếp tục hoạt động, các quy tắc kiểm dịch với chuyên gia nước ngoài cũng đã được nới lỏng (những người đã tiêm chủng đầy đủ chỉ phải cách ly 7 ngày khi đến Việt Nam. Điều này tạo thuận lợi hơn cho các công ty FDI.

Tháng 8 vừa qua, sản xuất công nghiệp của Việt Nam ghi nhận mức giảm hơn 4% so với tháng trước. Đây là mức giảm ít nghiêm trọng hơn nhiều so với mức giảm 15% vào tháng 4 năm ngoái khi dịch COVID-19 bắt đầu xuất hiện. Thời điểm đó, PMI của Việt Nam cũng thấp kỷ lục là 32,7 điểm. Trong khi PMI tháng 8 vừa qua đạt 40,2 điểm.

Sản xuất công nghiệp ở các tỉnh phía Bắc (nơi tập trung nhiều nhà máy sản xuất đồ điện tử của Nhật Bản và Hàn Quốc) tăng 10% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái. Còn ở phía Nam nơi tập trung nhiều nhà máy dệt may, da giày, đồ gỗ thì chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 24% so với cùng kỳ.

Kinh tế Việt Nam sẽ mạnh mẽ hơn sau đại dịch

Lịch sử cho thấy có nhiều hiện tượng quốc gia đã lội ngược dòng mạnh mẽ dù kinh tế phải đối mặt nhiều thách thức lớn.

VinaCapital kỳ vọng hiện tượng tương tự sẽ xảy ra ở Việt Nam sau khi cuộc khủng hoảng COVID-19 kết thúc.

Chuyên gia VinaCapital: Có thể Việt Nam sẽ thay đổi chiến lược chống dịch, kỳ vọng kinh tế lội ngược dòng ngoạn mục sau COVID-19 - Ảnh 2.

Kinh tế Việt Nam kỳ vọng sẽ phát triển mạnh mẽ hơn sau đại dịch. (Ảnh minh họa: SGGP).

"Một số chuyên gia kinh tế dự đoán COVID-19 có thể gây tổn hại vĩnh viễn đến triển vọng tăng trưởng kinh tế của nhiều nước ở thị trường mới nổi, nhưng chúng tôi tin rằng đại dịch có thể sẽ là chất xúc tác thúc đẩy các công ty của Việt Nam cải thiện hoạt động kinh doanh của họ và là động lực để các nhà hoạch định chính sách tiếp tục những cải cách kinh tế nhằm thúc đẩy hơn nữa tiềm năng tăng trưởng GDP của đất nước", Chuyên gia Kinh tế trưởng VinaCapital viết trong báo cáo.

Đại diện của VinaCapital bày tỏ ấn tượng trước những biện pháp mà các doanh nghiệp trong nước thực hiện để duy trì hoạt động kinh doanh trong thời kỳ đại dịch. 

Có thể kể đến việc Bách Hóa Xanh giao hơn 50.000 đơn hàng mỗi ngày, tăng gấp 5 lần so với bình thường do người dân phải ở trong nhà hay một số công ty bất động sản thiết kế các chuyến tham quan ảo để giới thiệu về các dự án mới của họ, các khu công nghiệp tương tác trực tuyến với các khách thuê tiềm năng từ Nhật Bản, Hàn Quốc.

Các ví dụ trên cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đang nhanh chóng ứng dụng cách làm mới trong bối cảnh đại dịch, và hiệu ứng "bước nhảy vọt về công nghệ" sẽ là một yếu tố khác thúc đẩy triển vọng tăng trưởng dài hạn của Việt Nam.

"Cuộc khủng hoảng COVID-19 đang trở nên vô cùng thách thức đối với Việt Nam, nhưng chúng tôi có thêm động lực nhờ các chi tiết mới trong kế hoạch mở cửa trở lại của Chính phủ, bởi sự hỗ trợ tận tình của Chính phủ dành cho các nhà đầu tư nước ngoài và thực tế là nhiều doanh nghiệp trong nước đang thích nghi tốt với tình hình hiện tại. 

Tất cả những điều này khiến chúng tôi tin rằng kinh tế Việt Nam cuối cùng sẽ mạnh mẽ hơn sau đại dịch COVID-19", ông Michael Kokalari nhấn mạnh.

Anh Đào