|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

HSBC: Sản xuất da giày, dệt may bị gián đoạn, riêng ngành này trụ vững đáng ngạc nhiên giữa bão Delta

16:53 | 10/09/2021
Chia sẻ
Theo phân tích của HSBC, thách thức cho Việt Nam chủ yếu nằm ở ngành da giày và dệt may do khu vực Đông Nam bộ là đầu mối sản xuất quan trọng của thế giới. Ở chiều ngược lại, xuất khẩu điện thoại di dộng lại trụ vững đáng ngạc nhiên với mức tăng trưởng 11% so với cùng kỳ năm ngoái.

Phòng nghiên cứu của HSBC vừa công bố báo cáo với tiêu đề "Tháng 8 không tươi sáng và những 'niềm đau' của chuỗi cung ứng". Báo cáo tập trung chủ yếu vào sự gián đoạn chuỗi cung ứng nặng nề xảy ra tại khu vực Đông Nam Bộ.

Kinh tế Việt Nam chịu tổn thất nặng vì biến chủng Delta

Theo báo cáo của HSBC, số liệu tháng 8 phản ánh rõ nét sự ngưng trệ trong phục hồi kinh tế của Việt Nam. Đợt bùng dịch do biến chủng Delta trở nên nặng nề dẫn đến siết chặt giãn cách ở TP HCM và các khu vực lân cận. 

Không ngạc nhiên khi tiêu dùng bị ảnh hưởng trong bối cảnh đó. Nhưng điều đáng báo động hơn là động lực phát triển bên ngoài bị "hụt hơi". Lần đầu tiên trong một năm, xuất khẩu suy giảm nghiêm trọng trong khi một số ngành đã xảy ra gián đoạn chuỗi cung ứng, và sự đứt gãy về sản xuất.

HSBC: Trong khi kế hoạch di dời chuỗi cung ứng tạm thời đình trệ, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn FDI - Ảnh 1.

Nguồn: Báo cáo của HSBC.

HSBC cho rằng, không quá ngạc nhiên khi các số liệu tháng 8 phản ánh rõ nét những tổn thất kinh tế Việt Nam đang phải gánh chịu. Tác động của đợt bùng dịch này nghiêm trọng hơn giai đoạn giãn cách xã hội cả nước trong 3 tuần hồi tháng 4/2020. 

Tiêu dùng cá nhân trong nước ảnh hưởng nặng nề khi khả năng đi lại của người dân nói chung bị hạn chế tới mức trung bình 60% so với trước đại dịch. 

HSBC: Trong khi kế hoạch di dời chuỗi cung ứng tạm thời đình trệ, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn FDI - Ảnh 2.

Nguồn: Báo cáo của HSBC.

Điều này đồng nghĩa với mức sụt giảm 40% của ngành bán lẻ so với cùng kỳ năm ngoái, đặc biệt doanh số bán lẻ tháng 8 năm nay thấp hơn 10% so với tháng 4 năm ngoái. 

Tuy nhiên, chỉ số này còn cho thấy tình hình nghiêm trọng hơn tại các địa phương đang bị dịch nặng: khả năng đi lại của người dân TP HCM giảm gần 90% khiến doanh số bán lẻ giảm mạnh 51% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Song, vấn đề đáng báo động hơn là khả năng trụ vững của ngành sản xuất trong bối cảnh giãn cách kéo dài. Chỉ số PMI tháng 8 giảm xuống 40,2, mức thấp nhất trong vòng 16 tháng qua, với các chỉ số chính cho thấy viễn cảnh ảm đạm về khả năng phục hồi. 

HSBC: Trong khi kế hoạch di dời chuỗi cung ứng tạm thời đình trệ, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn FDI - Ảnh 3.

Nguồn: Báo cáo của HSBC.

Trong khi đó, sản xuất công nghiệp trong tháng 8 giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái, một mức giảm khá sâu sau khi tăng trưởng vững vàng 12% trong 6 tháng đầu năm nay. Cụ thể, sản xuất công nghiệp của TP HCM đã sụt giảm 51% so với cùng kỳ năm ngoái, với ngành điện tử và dệt may bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng. 

Sản xuất da giày, dệt may bị gián đoạn, xuất khẩu điện thoại di dộng lại trụ vững

Theo phân tích của HSBC, thách thức cho Việt Nam chủ yếu nằm ở ngành da giày và dệt may do khu vực Đông Nam bộ là đầu mối sản xuất quan trọng của thế giới. Các thương hiệu lớn toàn cầu đã chứng kiến hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng, điều này sẽ tác động lên người tiêu dùng phương Tây trong mùa lễ hội. 

Cụ thể, theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, hơn 30% nhà máy dệt may đã phải đóng cửa (theo FT đưa tin ngày 8/8). Không quá ngạc nhiên khi hai ngành này là nguyên nhân chính khiến xuất khẩu tháng 8 giảm 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nike là một ví dụ điển hình cho thấy tầm quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu: 88 trong tổng số 112 nhà máy của Nike tại Việt Nam đều nằm ở miền Đông Nam Bộ, chịu trách nhiệm sản xuất 50% sản phẩm giày dép mang nhãn hiệu Nike (theo CNBC đưa tin ngày 19/7).

HSBC: Trong khi kế hoạch di dời chuỗi cung ứng tạm thời đình trệ, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn FDI - Ảnh 4.

Nguồn: Báo cáo của HSBC.

Tương tự, Việt Nam cũng nằm trong nhóm quốc gia sản xuất hàng dệt may lớn nhất thế giới, chỉ sau Trung Quốc đại lục và Bangladesh. Những đợt gián đoạn cung ứng nặng nề sẽ có thể tác động mạnh đến người tiêu dùng tại Mỹ, chỉ riêng nước này đã chiếm gần một nửa lượng hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam

Tuy nhiên, theo HSBC, xuất khẩu điện thoại di dộng lại trụ vững đáng ngạc nhiên với mức tăng trưởng 11% so với cùng kỳ năm ngoái bất chấp những khó khăn do biến chủng Delta gây ra. Nguyên nhân là các cụm lắp ráp tập trung tại miền Bắc nơi hoạt động sản xuất đã từng bước trở lại bình thường sau đợt bùng dịch nặng nề hồi tháng 5 và 6.

Đơn cử như Samsung, nhà đầu tư độc lập lớn nhất Việt Nam, sản xuất điện thoại thông minh tại hai nhà máy nằm ở miền Bắc, một ở Bắc Ninh và một ở Thái Nguyên. Sau đợt bùng dịch biến chủng Delta đầu tiên xảy ra ở miền Bắc vào tháng 5, các khu công nghiệp đã dần lấy lại hoạt động như bình thường.

Nhìn trên bình diện rộng hơn, đợt bùng dịch do biến chủng Delta đã đặt ra nhiều câu hỏi về khả năng trụ vững của chuỗi cung ứng Việt Nam, đặc biệt là từ các ông lớn ngành công nghệ. Apple và Google là hai trong số các hãng đã trì hoãn việc dời chuỗi cung ứng của họ sang Việt Nam (theo Nikkei đưa tin ngày 18/8).

Tuy nhiên, bất chấp những thách thức có thể xảy ra, theo quan điểm của HSBC, Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong thời gian tới. Các điều kiện nền tảng vững mạnh của Việt Nam sẽ giúp các nhà đầu tư gạt bỏ những biến động ngắn hạn do COVID-19.

Cụ thể, Samsung chuẩn bị mở rộng nhà máy điện thoại trong 6 tháng cuối năm nay nhằm tăng sản lượng điện thoại màn hình gập 47% lên 25 triệu chiếc. Trong khi đó, LG Display cũng vừa được duyệt một khoản đầu tư bổ sung 1,4 tỷ USD cho nhà máy ở Hải Phòng để tăng sản lượng màn hình OLED mỗi tháng từ 9,6-10 triệu lên 13-14 triệu đơn vị.

Vắc xin là chìa khóa

Càng sớm kiểm soát được đợt bùng dịch COVID-19 thứ tư, Việt Nam càng lấy lại lòng tin của nhà đầu tư nước ngoài nhiều hơn, và phần quyết định trong phương trình này chính là tăng tốc triển khai tiêm phòng, HSBC nhận định.

So với 6 tháng đầu năm nay, tiến độ triển khai vắc xin cho người dân Việt Nam trong quý III đã tăng rõ rệt, với số mũi tiêm được trong một ngày tăng cao, có lúc đạt 8.000 mũi/1 triệu người vào giữa tháng 8.

Tuy nhiên, lượng vắc xin về lại không ổn định khiến Việt Nam bị chậm so với các nước trong khu vực. Các cơ quan chức năng đã đặt mục tiêu trước ngày 15/9 phải hoàn tất tiêm cho toàn bộ đối tượng đủ điều kiện (từ 18 tuổi trở lên) ở TP HCM và Hà Nội cùng ba tỉnh thành khác. 

Trong đó, TP HCM nhiều khả năng sẽ là địa phương đầu tiên đạt được yêu cầu này khi tính đến ngày 5/9 thì 88% người dân đã được tiêm phòng, tạo điều kiện cho việc từng bước mở cửa từ trung tuần tháng 9.

HSBC: Trong khi kế hoạch di dời chuỗi cung ứng tạm thời đình trệ, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn FDI - Ảnh 5.

Tốc độ tiêm chủng vắc xin COVID-19 hàng ngày tại Việt Nam. (Nguồn: Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19).

HSBC: Trong khi kế hoạch di dời chuỗi cung ứng tạm thời đình trệ, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn FDI - Ảnh 6.

Nguồn: Báo cáo của HSBC.

Gần đây, Việt Nam đã có dấu hiệu thay đổi chiến lược đối phó với dịch bệnh COVID-19 khi Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu xây dựng kế hoạch phục hồi để "sống chung với COVID-19". 

Kịch bản này phụ thuộc phần nhiều vào khả năng đạt được tỷ lệ phủ vắc xin rộng vì vậy trọng tâm ưu tiên với các nhà làm chính sách bây giờ chính là đảm bảo nguồn cung vắc xin phải đa dạng và tăng tiến độ triển khai tiêm phòng. Điều đáng lạc quan là Việt Nam kỳ vọng gia tăng được những cam kết về vắc xin trong quý IV. 

Dựa trên thông tin báo chí và thông báo chính thức, HSBC ước tính Việt Nam sẽ có tổng cộng 112 triệu liều vào cuối năm nay, đủ để tiêm hai mũi cho hơn 56% dân số. Càng nhanh chóng tiêm đủ cho ít nhất 70% dân số (có thể đạt được vào quý II/2022), Việt Nam càng sớm mở cửa biên giới chào đón số đông du khách và nhà đầu tư nước ngoài.

Phương Trang