|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Vì sao thị trường Indonesia lại hấp dẫn với VinFast, Tesla?

07:12 | 28/09/2023
Chia sẻ
VinFast đã thể hiện tham vọng mở rộng sang thị trường Đông Nam Á với kế hoạch đầu tư sang Indonesia, nhưng tại sao lại bắt đầu với quốc gia vạn đảo này?

Trong một hồ sơ gửi Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) mới đây, VinFast cho biết công ty có kế hoạch mở rộng sang 7 thị trường khác nhau ở châu Á và mục tiêu đầu tiên là quốc gia đông dân nhất khu vực Đông Nam Á - Indonesia.

Theo đó, công ty dự kiến sẽ bán xe tại Indonesia từ năm sau và xây dựng nhà máy sản xuất ô tô vào năm 2026. VinFast có kế hoạch đầu tư khoảng 1,2 tỷ USD vào thị trường Indonesia trong dài hạn. Trong đó, khoảng 200 triệu USD dành cho việc xây dựng nhà máy. Dự kiến, nhà máy này sẽ đi vào vận hành từ năm 2026 với công suất 30.000 - 60.000 xe/năm.

Nhà máy tại Indonesia sẽ là nhà máy thứ ba của VinFast, bên cạnh nhà máy chính ở Hải Phòng và một nhà máy mới ở Bắc Carolina (Mỹ), dự kiến ​​khởi công vào năm 2025.

 Mẫu xe điện VF 8 của VinFast. Công ty hiện có dải xe điện phục vụ nhiều phân khúc khác nhau. (Ảnh: Getty Images).

Tại sao Indonesia trở nên thu hút với VinFast?

Theo CNBC, các chính sách thân thiện với xe điện của Indonesia đã thu hút các nhà đầu tư toàn cầu đến quốc gia 270 triệu dân này. Đồng thời, các chuyên gia tin rằng điều này cũng giúp thúc đẩy ngành sản xuất xe hơi ở Đông Nam Á.

Anindya Novyan Bakrie, Giám đốc điều hành kiêm chủ tịch của Bakrie & Brothers - tập đoàn Indonesia sở hữu hãng VKTR sản xuất xe bus điện cũng như các bộ phận khác của xe điện, nhận định nước này có thể là “cửa ngõ” dẫn vào phần còn lại của ASEAN.

Quốc gia Đông Nam Á này rất giàu đồng, niken, coban và bauxite - những nguyên liệu cần thiết để sản xuất pin xe điện. Theo báo cáo của ASEAN Briefing, Indonesia là nước xuất khẩu niken lớn nhất, chiếm 22% trữ lượng thế giới.

Hiểu được lợi thế của mình, Indonesia đã thu hút những công ty như Tesla tới đây lập nhà máy với hy vọng biến nguồn tài nguyên phong phú của họ trở thành trung tâm chuỗi cung ứng toàn cầu quan trọng cho xe điện. Ngoài ra, Indonesia đã cấm xuất khẩu một số kim loại và khoáng sản nhằm thu hút các nhà đầu tư và nhà sản xuất có nhu cầu đến với nước này.

“Nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú cần thiết cho xe điện của Indonesia đã củng cố sức hấp dẫn của nước này”, Koketso Tsoai, nhà phân tích ô tô tại BMI Fitch Solutions.

Mục tiêu trở thành trung tâm pin xe điện toàn cầu của quốc gia này đã nhận được sự ủng hộ đáng kể trong những năm gần đây. Các nhà sản xuất ô tô châu Á như Toyota và Huyndai đã đầu tư hàng tỷ đô la để mở rộng cơ sở sản xuất xe điện ở Indonesia.

Thúc đẩy xu hướng xe điện ở Đông Nam Á

Báo cáo đầu tư ASEAN năm 2022 lưu ý rằng sản xuất pin xe điện chiếm tỷ trọng đáng kể trong đầu tư trực tiếp nước ngoài vào khu vực trong giai đoạn 2019-2021, đặc biệt là ở Indonesia, Malaysia và Thái Lan.

Và sự tăng trưởng của ngành xe điện của Indonesia có thể mang lại hiệu ứng hào quang cho các nước láng giềng. Theo báo cáo của Maybank, bằng cách cung cấp khả năng tiếp cận các nguyên liệu chính cho pin xe điện, quốc gia này “có thể thu hút nhiều đầu tư hơn, đồng thời giúp khu vực ASEAN nhân rộng quy mô xe điện nhanh hơn và rẻ hơn”.

Tuy vậy, Indonesia sẽ rất khó để thay thế Thái Lan trở thành trung tâm sản xuất ô tô trong khu vực, vì nước này có ngành công nghiệp ô tô định hướng xuất khẩu lâu đời - được mệnh danh là Detroit của Đông Nam Á. Indonesia cũng sẽ phải đối mặt với thách thức từ các nhà sản xuất có chi phí thấp hơn như Việt Nam và Philippines. 

Mới đây nhất, quốc gia láng giềng của Indonesia là Malaysia cũng đã tăng cường các chính sách về xe điện với việc Thủ tướng Anwar Ibrahim đặt ra một số mục tiêu, gồm việc nhập khẩu và sản xuất xe điện có giá dưới 21.350 USD, lắp đặt 10.000 cổng sạc vào năm 2025 và triển khai 1,5 triệu xe điện trên toàn quốc vào năm 2040.

Các nhà sản xuất ô tô quốc gia của Malaysia là Proton và Perodua đang nỗ lực hết mình để thúc đẩy các chính sách xe điện của chính phủ. Perodua là thương hiệu xe bán chạy nhất tại Malaysia, chiếm 39,5% thị phần trong nửa đầu năm nay và Proton đứng thứ hai với thị phần 20,8% trong cùng kỳ. Cả Perodua và Proton đều được cho là sẽ sản xuất xe điện giá rẻ.

Thùy Trang

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.