Vì sao Thép Nam Kim không ưu tiên xuất khẩu sang Mỹ dù giá thép HRC đã vượt trên 1.000 USD/tấn?
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, một cổ đông đặt câu hỏi về việc tại sao giá thép cuộn cán nóng HRC tại Mỹ đang rất cao, vì sao Thép Nam Kim (Mã: NKG) lại không tận dụng cơ hội đó để xuất khẩu.
Ông Võ Hoàng Vũ, Tổng Giám đốc cho biết, thực tế giá HRC tại Mỹ đã vọt lên trên 1.000 USD/tấn, tăng gần 60% so với đầu năm 2023, và cao hơn khoảng 300 - 400 USD/tấn so với thị trường châu Á cũng như so với tại Việt Nam. Tuy nhiên NKG vẫn không lựa chọn việc đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ.
Theo ông Vũ, nguyên nhân thứ nhất là do khảo sát của công ty nhận thấy thị trường tiêu thụ tại Mỹ chưa được tốt vì áp lực từ lạm phát và nguy cơ suy thoái hiện hữu.
Hiệp hội Thép Thế giới (WorldSteel) dự báo nhu cầu thép thành phẩm chỉ tăng trưởng 1% trong năm nay, dự kiến đạt 1.815 triệu tấn. Trong đó, nhu cầu tiêu thụ ở Mỹ được dự báo giảm do tác động của suy thoái đang hiện hữu.
Bối cảnh lạm phát cao kéo dài trong thời gian qua ở khu vực này đã dẫn đến sự hạn chế trong chi tiêu, nhất là các khoản chi vào xây dựng nhà cửa của người dân. Ngành bất động sản vẫn còn rất chậm chạp do môi trường lãi suất cao không thuận lợi với việc vay vốn đầu tư trong giai đoạn này.
Trong thời kỳ kinh tế suy thoái, vai trò đầu tư của chính phủ sẽ là động lực quan trọng để vực dậy thị trường xây dựng bất động sản đang trì trệ. Tuy nhiên, vấn đề nợ công của chính phủ Mỹ đang kéo dài, khi mức trần nợ công vẫn còn chưa được thông qua. Sự chậm trễ trong hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng của chính phủ dẫn tới thời gian trì trệ của thị trường kéo dài, trong khi năm 2023 đã đi qua được 3 tháng, báo cáo của Worldsteel nêu.
Thứ hai, Tổng Giám đốc của NKG cho biết, "so với năm 2021, các điều kiện về giá bán và điều kiện dành cho nhà cung cấp cũng đã khác".
Hiện tôn mạ và các sản phẩm thép của một số nước xuất sang Mỹ phải chịu 25% về thuế. Nếu xuất khẩu tôn mạ, NKG phải chịu bù thêm chênh lệch 250 – 300 USD/tấn. Bên cạnh đó giá cước tàu sang đất nước này vẫn rất cao và hầu như không giảm so với năm 2021. Do đó, để bù đắp về cước vận tải và thuế, NKG phải bù đắp thêm khoảng 400 – 500 USD/tấn. Chưa kể, thời gian xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ cũng mất thêm vài tháng. Các yếu tố trên khiến NKG chưa lựa chọn Mỹ là thị trường chính.
"Hiện đơn hàng của NKG đang tập trung nhiều nhất tại châu Âu và Australia, kế đến là Mỹ và châu Á", ông Vũ thông tin.
Ông Võ Hoàng Vũ đánh giá, thị trường tôn mạ và ngành thép nói chung trong 3 năm vừa qua không có sự tăng trưởng. Tiêu thụ tại thị trường nội địa rất chậm trong khi công suất trong ngành lại rất lớn, dư cung làm tính cạnh tranh giữa các đơn vị trở nên khắc nghiệt.
"Nhìn chung xuất khẩu mới là động lực cho các doanh nghiệp trong ngành, muốn tăng trưởng thì phải xuất khẩu. Và muốn xuất khẩu tốt, doanh nghiệp phải đầu tư công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm và phải đầu tư vào công tác bán hàng", ông Vũ nói.
Ở một diễn biến khác, Trung Quốc, thị trường tỷ dân chiếm 50% quy mô toàn cầu về mức tiêu thụ cũng như năng lực sản xuất trong ngành thép. Trung Quốc hiện không đối diện với vấn đề lạm phát cao như ở Mỹ và châu Âu, khi lạm phát của nước này chỉ ở mức dưới 2%.
Ông Vũ nhận định, thị trường thép của quốc gia này nếu tăng trưởng tốt sẽ là tin tích cực cho ngành thép toàn cầu, vì sẽ giảm được tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp thép xuất khẩu.
Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) công bố, 2 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng hơn 1,4 triệu tấn thép, tăng 6,85% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD, giảm 26,73% so với cùng kỳ năm 2022. Thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm là: khu vực ASEAN (37,31%), kế đến là EU, Ấn Độ,... riêng Mỹ chiếm 6,39%.