|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Vì sao Hoà Phát muốn tập trung sang mảng thép chất lượng cao, nhường sân chơi thép xây dựng cho doanh nghiệp khác?

15:51 | 15/04/2023
Chia sẻ
Những dòng thép kỹ thuật khó như thép cuộn làm tanh lốp ô tô, đinh vít, thép thanh vằn đóng cuộn sẽ đóng vai trò như cánh tay nối dài thêm chuỗi sản phẩm đa dạng của Hòa Phát, góp phần thay thế hàng nhập khẩu, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước.

Nhường sân chơi mảng sản xuất thép xây dựng cơ bản cho những doanh nghiệp khác

Tại ĐHĐCĐ 2023 diễn ra hồi cuối tháng 3, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoà Phát cho biết thời gian tới, tập đoàn sẽ điều tiết sản xuất theo tình hình thị trường, tập trung phát triển các loại thép chất lượng cao, nhường sân chơi cho những doanh nghiệp sản xuất thép xây dựng cơ bản.Hiện tại Hoà Phát dẫn đầu thị phần thép xây dựng và ống thép.

 Số liệu: Hiệp hội Thép Việt Nam (H.Mĩ tổng hợp)

  Số liệu: Hiệp hội Thép Việt Nam (H.Mĩ tổng hợp)

Thép chất lượng cao của Hoà Phát bao gồm những thép cuộn cuốn cán nóng (HRC) dùng cho sản xuất tôn mạ, vỏ container, ống thép. Trong tương lai, Hoà Phát tính tới việc sản xuất HRC phục vụ cho ngành công nghiệp đóng tàu và vỏ tô tô. 

Ngoài ra, trong dòng sản phẩm chất lượng cao bao gồm các mác thép đòi hỏi kỹ thuật sản xuất khó hơn, dùng làm nguyên liệu cho sản xuất ốc vít, tanh lốp ô tô, cáp, thép dự ứng lực…

Năm ngoái, tổng lượng thép xuất khẩu của Hoà Phát đạt 1,2 triệu tấn trong đó, thép cuộn chất lượng cao chiếm gần một nửa.

Trước đó, hồi quý I/2020, Hòa Phát đã sản xuất thép cuộn SAE1022 làm nguyên liệu sản xuất đinh ốc vít cho khu vực miền Nam. Đến giữa năm 2021, nhà máy tại Dung Quất cho ra dòng cao cấp hơn là thép cuộn SWRCH22A (theo tiêu chuẩn JIS).

Thép cuộn nguyên liệu cho sản xuất đinh vít có đường kính 5,5- 16 mm, sản xuất theo tiêu chuẩn ASTM của Mỹ và JIS của Nhật Bản và có tính chất cơ lý đặc biệt. Riêng tại phía Nam, nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất đinh ốc vít trung bình từ 30.000- 40.000 tấn mỗi tháng và ngày càng tăng nhanh.

Hiện tại, Hoà Phát là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất sản xuất được hàng loạt các sản phẩm đặc thù như thép cuộn rút dây, thép làm lõi que hàn, làm thép dự ứng lực hay thép cuộn làm đinh ốc, vít.

Cuối năm 2022, Thép Hòa Phát Dung Quất đã nghiên cứu xây dựng quy trình và sản xuất thành công thép cuộn làm tanh lốp xe ô tô mác thép SWRH82A, SWRH72A.

Tanh lốp ô tô là chi tiết thanh kim loại giúp kẹp lốp vào mâm xe một cách chắc chắn và đảm bảo chúng không bị xê dịch khi va ma sát với mặt đường. Tanh lốp đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an toàn cho lốp xe bằng cách nâng cao hiệu suất hoạt động của xe 

Ông Nguyễn Việt Thắng, Tổng Giám Đốc CTCP Tập đoàn Hoà Phát cho biết hiện công ty đã có đơn hàng từ 3.000 - 4.000 tấn mỗi tháng đối với loại thép này từ Tập đoàn Hyosung Hàn Quốc. 

“Trước đây, Hyosung nhập khẩu thép cuộn làm tanh lốp từ Nhật Bản nhưng hiện tại họ chuyển sang mua hàng của chúng tôi”, ông Thắng nói. 

Vị này cho biết thời gian tới Hoà Phát tiếp tục nghiên cứu sản xuất dây bố thép dùng trong sản xuất lốp, cáp cho cần cầu. Hiện công ty đã sản xuất cáp dự ứng lực.

“Hiện chúng tôi đang làm công tác thị trường, bộ phận kỹ thuật đang thử nghiệm thiết bị, nguyên liệu sau đó chạy thử để tính ra giá thành sản xuất và tiến đến bước cuối cùng là sản xuất đại trà. Nếu thuận lợi, dự kiến trong năm nay chúng tôi sẽ cho răng mắt những sản phẩm này”, ông Thắng cho biết. 

Việc xây dựng quy trình và sản xuất thành công thép cuộn làm tanh lốp xe ô tô mác thép SWRH82A, SWRH72A rất phức tạp, vì đây là sản phẩm thép carbon cao có tính chất đặc biệt. 

Nếu thử nghiệm không thành công sẽ phải chuyển phế phẩm mà không tận dụng được như thép xây dựng thông thường. 

Sợi thép làm tanh lốp ô tô có đường kính rất nhỏ 0,2÷0,78mm. Vì vậy, bất kể khuyết tật nào từ thép cuộn nguyên liệu đều có thể dẫn đến phá hủy sản phẩm cuối cùng trong quá trình gia công.

Do đó, độ sạch của thép là vấn đề trọng yếu. Để tạo ra được thép lỏng tinh khiết, nhà máy phải lựa chọn nguyên liệu kỹ càng, chuẩn bị nấu luyện, tinh luyện thép, đúc thép làm sao để loại bỏ được gần như hoàn toàn tạp chất và chống tái oxy hóa trong toàn bộ quá trình sản xuất đều phải được kiểm soát một cách nghiêm ngặt.

Sau thép cuộn làm tanh lốp xe ô tô, Thép Hòa Phát Dung Quất đã tiếp tục thử nghiệm và sản xuất thành công thép thanh vằn đóng cuộn (DBIC - Debar in Coil). 

Đây là loại thép xây dựng làm cốt bê tông cho các siêu công trình, được làm ở dạng cuộn để thuận tiện trong việc vận chuyển. 

Thép thanh vằn dạng cuộn đã được sử dụng rộng rãi ở Châu Âu và các nước phát triển. Đây là một khái niệm thép cây mới có thể mang lại nhiều lợi thế như tối đa hóa hiệu quả sản xuất thông qua hệ thống tự động, giảm chi phí lao động, giảm tổn thất gia công và lượng thép sử dụng, quản lý.

Quy trình sản xuất thép DBIC phải thực hiện rất nghiêm ngặt và đáp ứng điều kiện thử mỏi trên 5 triệu chu kỳ. Ngoài ra, công đoạn sản xuất gang lỏng phải đảm bảo chất lượng tốt nhất, các tạp chất phốt pho, lưu huỳnh đều rất thấp. Với đặc tính độ bền cao, thép DBIC rất khó sản xuất ở dạng cuộn, đòi hỏi kiểm soát nhiệt và làm nguội ở khâu cán rất chặt chẽ. 

Vì sao Hoà Phát mốn tập trung vào thép chất lượng cao?

Lý giải cho việc chuyển hướng sang sản xuất thép chất lượng cao ông Long cho biết định hướng tương lai của Hoà Phát là sẽ tập trung vào chiều sâu hơn với những loại thép khó sản xuất, đòi hỏi kỹ thuật cao với giá trị gia tăng cao hơn như ốc vít, thép đóng tàu, thép chế tạo…

“Tất nhiên, chúng tôi vẫn làm những sản phẩm cơ bản như thép xây dựng tuy nhiên sẽ không quá chú trọng đầu tư nữa”, ông Long cho biết.

Công ty cho biết những dòng thép kỹ thuật khó như thép cuộn làm tanh lốp ô tô, đinh vít, thép thanh vằn đóng cuộn sẽ đóng vai trò như cánh tay nối dài thêm chuỗi sản phẩm đa dạng của Hòa Phát, góp phần thay thế hàng nhập khẩu, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, các loại thép chất lượng cao giúp tăng lợi thế cạnh tranh cho Hoà Phát bởi hiện tại chưa có công ty nào ở thị trường trong nước sản xuất được loại thép này bởi đòi hỏi kỹ thuật khó trong khi nhu cầu lại cao.

Ông Nguyễn Bảo Trung, Phó phòng Công nghệ, Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất cho biết: “Qua khảo sát thị trường trong nước, nhu cầu thép cuộn cho sản xuất tanh lốp ô tô ngày càng lớn, tuy nhiên thép cuộn nguyên liệu hiện nay hoàn toàn phải nhập khẩu với chi phí cao. Thực tế cho thấy, một phân khúc thị trường thép cuộn phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến chế tạo đang bỏ ngỏ, trong nước chưa có đơn vị nào sản xuất”.

Theo báo cáo đề xuất “Chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” của Bộ Công Thương, các chủng loại thép hợp kim sử dụng trong đóng tàu, cơ khí chế tạo có nhu cầu lớn, song năng lực sản xuất trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu nên dẫn đến tiếp tục phải nhập khẩu với số lượng lớn.

Theo dự báo sơ bộ, tổng nhu cầu thị trường các ngành chế tạo của Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 có thể đạt tới 310 tỷ USD. Trong đó, ngành công nghiệp ô tô và cơ khí phục vụ công trình công nghiệp là hai ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất. 

 Số liệu: Bộ Công Thương (H.Mĩ tổng hợp)

Bộ Công Thương nhận định đây sẽ là thị trường rất lớn cho ngành thép trong nước, đặc biệt là các loại thép chế tạo, thép hợp kim chất lượng cao phục vụ các ngành công nghiệp chế tạo, vốn là phân khúc hiện nay Việt Nam chưa tự chủ được trong sản xuất thép nội địa.

Do đó, về lâu dài, để đảm bảo nhu cầu các loại thép hợp kim, thép chất lượng cao trong nước cần tiếp tục thu hút và đầu tư một số nhà máy liên hợp sản xuất thép lớn để phục vụ nhu cầu nội địa, giảm dần sự phụ thuộc vào thép nhập khẩu.

Việt Nam cần xây dựng các tổ hợp luyện kim có quy mô lớn trong đó tập trung vào sản xuất các loại thép chế biến chế tạo có trình độ công nghệ có dung lượng thị trường lớn để bước đầu làm chủ công nghệ sản xuất các loại thép chế biến chế tạo cơ bản.

Báo cáo cũng đề cập tới vấn đề Nhà nước có các chính sách ưu đãi về đất đai, hạ tầng, về khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực để khuyến khích, thúc đẩy các dự án thép phát triển nhằm hình thành phát triển mạnh ngành luyện kim.

Thách thức về nhu cầu thấp trong ngắn hạn

Thời điểm hiện tại, thách thức lớn nhất mà Hoà Phát phải đối diện lúc này đó là nhu cầu thép vẫn còn đang yếu. 

“Chúng tôi không gặp khó khăn gì về mặt sản xuất, công nghệ. Với quy mô lớn, chúng tôi hoàn toàn đáp ứng được các đơn hàng. Giá thành sản xuất so với hàng nhập khẩu cũng rất cạnh tranh. Khó khăn duy nhất ở thời điểm hiện tại là nhu cầu chung của thị trường vẫn còn thấp. Chúng tôi cũng đang phải điều tiết sản xuất cho phù hợp với nhu cầu thị trường, hầu như chỉ sản xuất theo đơn hàng và tồn kho ở mức vừa phải, không quá nhiều như giai đoạn trước”, đại diện Hoà Phát cho biết. 

Theo số liệu của tập đoàn, trong tháng 3, lượng tiêu thụ thép các loại đạt 500.000 tấn giảm 40% so với cùng kỳ 2022.

Luỹ kế trong quý I, sản lượng bán hàng thép xây dựng, phôi thép và HRC đạt 1,37 triệu tấn, giảm 37% so với 3 tháng đầu năm ngoái. Trong đó, bán hàng thép cuộn cán nóng đạt 482.000 tấn, tương đương trên 60% so với cùng kỳ năm trước.

Nhu cầu thép trong vẫn yếu trong bối cảnh thị trường bất động chưa thể phục hồi. Năm 2022, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã trải qua giai đoạn khó khăn chưa từng có, biểu hiện qua việc dừng, hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án, dừng triển khai các dự án mới... 

Điều này tác động đến sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế, gián tiếp ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực liên quan.

Ở thị trường nước ngoài, hiện Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh việc xuất khẩu khiến tiêu thụ thép trở nên khó khăn

Trao đổi bên lề ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, ông Trần Tuấn Dương, Phó Chủ tịch CTCP Tập đoàn Hoà Phát cho biết: "Trước đây, Việt Nam xuất khẩu nhiều thép sang Trung Quốc vì nhu cầu của họ lớn nhưng hiện tại nhu cầu chững lại, ngành bất động sản có vấn đề và họ quay lại xuất khẩu, gây sức ép với thị trường thép thế giới và Việt Nam xuất khẩu thép sang các thị trường trong đó có cả Trung Quốc sẽ khó hơn".

H.Mĩ