Chủ tịch Hoà Phát: 'Không ngờ tình hình thị trường thép xấu hơn những gì tôi dự báo'
Chia sẻ tại ĐHĐCĐ Thường niên 2023, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hoà Phát (Mã: HPG) cho biết năm 2022, ngành thép Việt Nam và thế giới trải qua khó khăn theo chu kỳ. Mặc dù đã dự báo ngành thép sẽ “thê thảm” nửa sau của năm nhưng mọi thứ lại diễn ra tệ hơn ông nghĩ.
“Tôi cũng dự đoán ngành thép khó khăn nhưng cũng không ngờ là xấu hơn cả dự đoán của mình”, ông Long nói.
Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tính chung cả năm 2022, sản xuất thép thô đạt gần 20 triệu tấn, giảm 13% so với cùng kỳ năm 2021. Tiêu thụ đạt 18,6 triệu tấn, giảm 19% so với năm 2021. Xuất khẩu thép thô đạt 32% so với cùng kỳ 2021 với sản lượng xuất khẩu là 746 nghìn tấn.
Với Hoà Phát, trong năm 2022, lượng bán hàng các loại phôi thép, thép xây dựng, thép cuộn cán nóng đạt 7,2 triệu tấn, giảm 7% so với năm 2021. Trong đó thép xây dựng chiếm 59%.
Tình hình khó khăn vẫn kéo dài đến năm 2023 khi sản lượng và bán hàng thép của toàn ngành vẫn tiếp tục suy giảm.
Tiêu thụ một số thép thành phẩm không được như kỳ vọng vào mùa xây dựng sau Tết do thị trường bất động sản trì trệ cùng hệ thống ngân hàng siết chặt tín dụng nên tiêu thụ thép xây dựng ở mức thấp.
Theo đó, sản lượng thép thành phẩm trong 2 tháng đầu năm 2023 đạt 4,3 triệu tấn, giảm 16,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bán hàng thép thành phẩm đạt 3,8 triệu tấn, giảm 23%, trong đó xuất khẩu giảm 10,4% xuống 1 triệu tấn.
Hầu hết thương hiệu thông báo tăng giá bán thép xây dựng ở khu vực miền Nam khi bước sang tuần thứ hai của tháng 3. VSA cho rằng nhiều khả năng sắp tới thị trường phía Bắc cũng sẽ điều chỉnh tăng nhằm bù lại giá thành sản xuất và giảm lỗ.
"Anh Quang bạn tôi (ông Hồ Minh Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thép Nam Kim) nói với tôi rằng hoá ra hình ảnh của Hoà Phát là hình ảnh của ngành thép luôn. Quý I, Nam Kim lãi 500 tỷ đồng, quý II sụt còn một nửa còn 200 tỷ đồng. Nhưng đến cuối năm toàn bộ lợi nhuận đã mất hết và lỗ thêm 100 tỷ đồng", ông Long nói.
Mặc dù vậy, ông Long cho rằng những khó khăn nhất của ngành thép cũng đã qua, nội lực của Hoà Phát nói riêng và ngành thép nói chung vẫn ổn nhưng phải phụ thuộc vào nhu cầu trong nước và thế giới.
"Cầu thị trường hiện tại thấp quá. Không chỉ ngành thép mà ngành khác trong ngành xây dựng cũng vậy. Sáng nay tôi có nói chuyện với một anh bạn làm trong ngành gạch và anh ấy chia sẻ quý I doanh số không bằng 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái”, ông Long nói.
Tuy nhiên, theo ông đặt trong bối cảnh chung của ngành thép, kết quả kinh doanh của Hoà Phát không quá tệ.
Trong năm 2022, Hòa Phát ghi nhận doanh thu thuần 141.409 tỷ đồng, lợi nhuận sau thếu 8.444 tỷ đồng, tương ứng với biên lãi ròng 6%. Các kết quả này đều thấp hơn so với mức doanh thu thuần 149.680 tỷ, lãi sau thuế 34.521 tỷ, biên lãi thuần 23,1% trong năm 2021.
"Lợi nhuận sau thuế của tất cả công ty thép trên sàn chứng khoán không chắc bằng một mình Hoà Phát", ông Long nói.
Sang năm 2023, Hòa Phát đặt mục tiêu doanh thu 150.000 tỷ đồng và lãi sau thuế 8.000 tỷ, lần lượt tăng 6% và giảm 5% so với thực hiện trong năm ngoái. Ông kỳ vọng đầu tư công thời gian tới sẽ được đẩy mạnh và bất động sản phục hồi, từ đó giúp tiêu thụ thép đi lên.